Bảo đảm quốc phòng khi tạo "cực" tăng trưởng mới

Thùy Dương |

Từ khi bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập đến nay, Việt Nam đã cập nhật, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, phần lớn đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, như các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế-thương mại đặc biệt…

Tuy nhiên, trong quá trình vận động không ngừng, trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới có sức hút mạnh mẽ hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

Bởi vậy, việc cập nhật, xây dựng những mô hình phát triển mới cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để bảo đảm Việt Nam không bị tụt hậu so với các nước trong việc cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Không nằm ngoài mục tiêu đó, tại các Đại hội Đảng toàn quốc, chủ trương xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế luôn được Đảng ta nhắc tới. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã xác định rất rõ nhiệm vụ: "Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá".

Bảo đảm quốc phòng khi tạo cực tăng trưởng mới - Ảnh 1.

Một góc Vân Đồn. Ảnh minh họa.

Sáng 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Đây được coi là một bước đi để cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong việc tạo ra các "cực tăng trưởng" mới cho đất nước, với mục tiêu cụ thể là thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Việc thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nêu trên vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đồng thời là sự đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn của đất nước cũng như của mỗi địa phương.

Nếu mô hình này được cập nhật thành công, đây sẽ là những "đầu tàu kinh tế" mới của nước ta, góp phần "tăng tốc" đưa "đoàn tàu" kinh tế Việt Nam tiến về phía trước.

Khi xây dựng dự luật, Chính phủ đã quán triệt quan điểm tổ chức đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự án luật, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thực sự yên tâm, vì cả 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đang được xúc tiến thành lập đều nằm ở những vị trí "yết hầu", là những "tiền đồn" bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, riêng Phú Quốc có vị trí rất xa ngoài biển.

Trong khi đó, dự thảo luật cho phép nhà đầu tư có thể được thuê đất với thời hạn từ 70 năm đến 99 năm; có quyền tuyển dụng lao động nước ngoài theo nhu cầu.

Do đó, dự án luật cần có đánh giá tác động rất cẩn trọng về vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh; lường trước những tình huống có thể xảy ra để ngăn chặn những tác động bất lợi tới việc bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền quốc gia.

Việc "lường trước" tốt nhất là phải bổ sung những quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh vào dự luật. Thậm chí, dự luật cần bổ sung hẳn một mục hoặc một chương về bảo đảm quốc phòng, an ninh, như đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Trong quan hệ quốc tế hiện nay, khi Việt Nam đã ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nghĩa là Việt Nam đã phải chịu sự ràng buộc mang tính quốc tế về việc bảo đảm thực thi cam kết của mình với các nhà đầu tư.

Vì thế, việc xây dựng những quy định chặt chẽ sẽ không chỉ giúp phòng ngừa thiệt hại về kinh tế khi phát sinh tranh chấp, mà còn giúp nước ta giữ được lợi thế chủ động trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại