Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lưới lửa phòng không của lực lượng đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ được tăng cường bằng hệ thống Pantsir-SM.
"Những tổ hợp phòng không thế hệ mới này sẽ tăng khả năng đối phó với nhiều loại mục tiêu, trong đó có UAV, đạn cối, đạn pháo phóng loạt và đặc biệt là đạn phản lực của hệ thống HIMARS Mỹ chuyển giao cho Quân đội Ukraine", nguồn tin cho biết.
Tổ hợp Pantsir-SM được thiết kế đặc biệt cho Quân đội Nga. Chúng được đặt trên khung gầm xe bọc thép Tornado-K và sử dụng các đạn tên lửa nhỏ hơn giúp tăng số lượng ống phóng tên lửa mang theo lên gấp 4 lần (tăng từ 12 lên 48 tên lửa).
Khả năng tác chiến của Pantsir-SM tăng 1,5-2 lần so với phiên bản cũ. Điều này có được là do hệ thống radar đa chức năng mảng định pha chủ động (AESA) mới do Tổ hợp thiết kế SKB phát triển. Tầm giám sát của Pantsir-SM được tăng lên 75km (so với phiên bản cũ là 40km), tầm dẫn bắn mục tiêu tăng lên 40km (so với 20km của Pantsir-S1).
Ngoài ra, hệ thống radar AESA còn tăng số lượng mục tiêu giám sát cùng lúc và khả năng phát hiện các mục tiêu có tính bộc lộ radar thấp, như tên lửa hành trình và mục tiêu bay trang bị công nghệ tàng hình.
Mặc dù tối tân hơn đáng kể nhưng Pantsir-SM là sản phẩm vũ khí phòng không hoàn toàn khác biệt so với phiên bản Pantsir-S1. Thiết kế mới cho phép Pantsir-SM đối phó hiệu quả hơn với các đợt tấn công với quy mô bầy đàn của máy bay không người lái tấn công liều chết và đạn phản lực.
Quá trình phát triển Pantsir-SM dựa trên những kinh nghiệm thực chiến ở chiến trường Syria. Đặc biệt, Pantsir-SM cũng là sản phẩm thuần Nga, không phụ thuộc vào nguồn phụ kiện nhập khẩu từ các quốc gia SNG như các dòng tên lửa phòng không trước đó phát triển từ thời Liên Xô.
Hồi cuối năm 2022, lực lượng Nga phải chịu nhiều thiệt hại vì sức mạnh của pháo phản lực phóng loạt HIMARS Quân đội Ukraine đang vận hành. Phía Kiev đã khai thác độ chính xác cao của HIMARS để liên tục tấn công các kho đạn, cầu đường, tuyến tiếp tế và sở chỉ huy của Nga.
Về lý thuyết, Nga có thể dùng các hệ thống radar phản pháo theo dõi đạn đạo của HIMARS để lần ra nơi phóng, từ đó dùng hỏa lực tầm xa tiêu diệt. Tuy nhiên, điều này ít khi xảy ra trên thực tế.
Lý giải điều này, giới quân sự phương Tây rằng đạn phản lực do HIMARS bắn ra sẽ có quỹ đạo bay thay đổi để đánh lừa radar phản pháo. Đây là điểm khác biệt giữa HIMARS và các loại pháo phản lực truyền thống có đạn đạo ổn định.
Tạp chí Business Insider của Mỹ đã đề nghị Lục quân Mỹ bình luận về nhận định trên và chỉ nhận được câu trả lời "tên lửa bay theo quỹ đạo đã được chỉ định để đến mục tiêu".
Triển khai hỏa lực phản pháo là một nhiệm vụ khó, kể cả trong điều kiện thuận lợi nhất. Radar phản pháo cần phát hiện quả đạn khi nó vừa được phóng lên để tìm cách dự đoán quỹ đạo để tìm nơi có thể là điểm phóng.
Chuyên gia của tờ Business Insider giải thích đơn giản rằng nếu radar không dò được điểm phóng vì nằm bên ngoài tầm hoạt động thì cũng sẽ không thể cung cấp được mục tiêu phản pháo.
Hiện nay Nga đang sử dụng radar phản pháo Zoopark-1, có khả năng phát hiện rocket trong bán kính 14-20 km, song tổ hợp HIMARS có thể đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa 80 km. Ngoài ra, radar phản pháo được thiết lập để quét các quả đạn và rocket bay tới một khu vực cụ thể với độ cao cụ thể.
Đây có thể là lý do khiến lực lượng Nga cần đến Pantsir-SM với hệ thống radar có tầm giám sát tới 75km phối hợp với Zoopark-1 giúp tổ hợp pháo tên lửa này tấn công hiệu quả mục tiêu từ khoảng cách 40km.
Lực lượng Ukraine khai hỏa hệ thống HIMARS.
Tổ hợp HIMARS được phát triển từ hệ thống M270. HIMARS Mỹ chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 80-90km. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS và cam kết chuyển thêm 18 tổ hợp nữa, nâng tổng số lên 34.
Dù Nga nhiều lần tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp HIMARS ở Ukraine nhưng giới chức Mỹ cho rằng Nga chưa làm được điều này. Trong khi đó, phía Ukraine tiếp tục dùng HIMARS pháo kích một số mục tiêu trong khu vực do lực lượng Nga kiểm soát gây thiệt hại đáng kể.