Sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chỉ là vấn đề thời gian?

Thu Hằng |

Vào mùa hè năm ngoái, viện trợ hệ thống HIMARS cho Ukraine là "giới hạn đỏ", nhưng sau đó, tất cả đã thay đổi. Vấn đề chuyển giao xe tăng do phương Tây chế tạo cho Ukraine cũng lặp lại kịch bản tương tự và sau này, rất có thể "bổn cũ soạn lại" trong vấn đề cung cấp chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine.

Sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chỉ là vấn đề thời gian? - Ảnh 1.

Washington đã nói với Kiev rằng việc cung cấp máy bay là “không nên vào lúc này". Ảnh: AFP vie Getty Images

Với Ukraine, cuộc đấu tranh để có được xe tăng chiến đấu của phương Tây mới chỉ là bắt đầu. Bước tiếp theo là các chiến đấu cơ hiện đại.

Bước đi tiếp theo sau xe tăng

Với việc những chiếc xe tăng Abram do Mỹ chế tạo và Leopard do Đức sản xuất đang chuẩn bị ra tiền tuyến sau nhiều tháng tranh cãi tại các nước phương Tây, các nhà hoạch định quân sự ở Kiev đang chuyển sự chú ý của họ sang bước tiếp theo - những chuyến hàng chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại.

Các cuộc trò chuyện giữa tờ Wall Street Journal với nhiều quan chức quân sự và nhà ngoại giao phương Tây xác nhận đã diễn ra một cuộc tranh luận nội bộ về việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu hiện đại, do các quan chức Ukraine thúc đẩy với sự ủng hộ từ các quốc gia cứng rắn vùng Baltic.

“Bước đi tự nhiên tiếp theo sẽ là máy bay chiến đấu", một nhà ngoại giao từ một quốc gia Bắc Âu cho biết.

Cuộc tranh luận này có thể sẽ còn gây tranh cãi hơn cả việc cung cấp xe tăng cho Kiev. Ở châu Âu, nhiều quan chức và nhà ngoại giao cho biết chính phủ của họ không còn coi ý tưởng này là không thể bắt đầu, nhưng lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột vẫn còn cao.

Washington đã nói với Kiev rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu là “không được phép vào lúc này” - nhà ngoại giao trên cho biết, nhưng nói thêm: “Có một giới hạn đỏ ở đó - nhưng mùa hè năm ngoái chúng ta đã có một giới hạn đỏ đối với HIMARS [hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao], và điều đó đã thay đổi. Sau đó là xe tăng chiến đấu, và điều này cũng đang chuyển dịch".

Một đặc phái viên cấp cao thứ hai từ một cường quốc châu Âu cũng nhấn mạnh tốc độ cung cấp vũ khí phương Tây đang leo thang. “Hôm nay hoàn toàn không thể tưởng tượng được về các máy bay chiến đấu, nhưng chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này sau hai, ba tuần nữa", vị quan chức này nói.

Các bộ trưởng quốc phòng từ các đồng minh của Ukraine sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 2 tới tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Tây Nam Đức. Tại hội nghị, vấn đề hỗ trợ Ukraine về không quân dự kiến ​​sẽ là trọng tâm chính.

Những diễn biến trên xảy ra sau những bình luận vào tháng trước từ Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Káčer, người đã nói với hãng tin Interfax - Ukraine rằng chính phủ của ông “sẵn sàng” chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cho Kiev, đồng thời đang trao đổi với các đối tác NATO và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cách thức thực hiện.

Sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chỉ là vấn đề thời gian? - Ảnh 2.

Hai chiến đấu cơ của Pháp (bên trái) và hai chiếc MiG-29 của Ba Lan bay trên căn cứ không quân ở Malbork, Ba Lan. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong khi đó, các chính trị gia cấp cao khác thì dè dặt hơn nhiều. Hôm 25/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, với lý do cần phải ngăn leo thang quân sự.

Ông Scholz nói: “Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Điều này đã được làm rõ từ đầu, kể cả từ Tổng thống Mỹ".

Do đó, một số quan chức tin rằng cuộc thảo luận vào tháng tới tại Ramstein sẽ tập trung hơn vào việc đưa ra một kế hoạch dự phòng, trong trường hợp máy bay chiến đấu thật cần thiết vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thay vì đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao trong thời gian ngắn.

Vừa viện trợ vừa thăm dò Nga

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đã nhìn thấy trước cuộc xung đột có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm nữa, hoặc lâu hơn, và có những lo ngại rằng phương Tây sắp đạt đến giới hạn của những gì họ có thể cung cấp mà không gây ra phản ứng cực đoan từ Moskva.

Đầu năm 2022, các đồng minh phương Tây đã đồng ý một "chính sách bất thành văn" là không cung cấp cho Ukraine gói vũ khí đầy đủ toàn diện ngay sau khi xung đột bùng phát, vì lo sợ "sẽ gây ra phản ứng lớn từ Nga".

Một ý tưởng được nghĩ tới là phương Tây nên cung cấp hỗ trợ dần dần, và đánh giá phản ứng của Nga ở mỗi bước.

“Nhiều quốc gia ở phương Tây nghĩ rằng nếu chúng tôi cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí mà họ yêu cầu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thì sẽ có phản ứng mạnh mẽ của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Bạn có thể gọi đây là quá trình thử phản ứng của Moskva", một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết.

Chiến lược viện trợ này có xu hướng tăng chậm nhưng đều đặn, từ tên lửa Javelin chống tăng và các hệ thống phòng không di động như Stingers, đến HIMARS, và gần đây là tên lửa đất đối không Patriot, xe tăng và xe bọc thép.

Do đó, việc giao máy bay “chỉ là vấn đề khi nào” - nhà ngoại giao trên dự đoán.

Sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chỉ là vấn đề thời gian? - Ảnh 3.

Máy bay F-16C (giữa và bên phải) trong cuộc diễn tập tại Mỹ. Ảnh: The Drive

Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington vào tuần trước để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, ngoài việc cung cấp xe tăng. Phát biểu sau đó, ông Cleverly từ chối cho biết liệu những cuộc trao đổi đó có đề cập đến cung cấp máy bay chiến đấu, bom chùm hay tên lửa tầm xa hay không.

Ông nói: “Tôi sẽ không suy đoán về bản chất của hỗ trợ quân sự trong tương lai. Sự hỗ trợ của chúng tôi đã phát triển lên khi xung đột tăng lên và khi các yêu cầu của người Ukraine tăng lên.”

Tuy nhiên, là một quốc đảo, Anh sẽ do dự gửi máy bay đến Ukraine hơn là gửi xe tăng và các thiết bị quân sự trên bộ khác - theo các quan chức Anh. Cũng có những lo ngại rằng sự ủng hộ của công chúng có thể suy yếu trong bối cảnh xung đột leo thang hơn nữa.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, thay vì máy bay chiến đấu có người lái, phương Tây trước tiên sẽ muốn sử dụng hết tất cả các lựa chọn khác để hỗ trợ trên không, bao gồm nhiều máy bay không người lái tấn công hơn và có thể là tên lửa tầm xa. Washington gần đây cũng đã phê duyệt một lô hàng tên lửa không điều khiển Zuni thời Chiến tranh Lạnh mà quân đội Ukraine có thể phóng từ các máy bay MiG thời Liên Xô.

Nhưng các nhà ngoại giao này cũng chỉ ra rằng, các quyết định gần đây của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc thảo luận về máy bay. Vào tháng 7/2022, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt 100 triệu USD để đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu của Mỹ, và vào tháng 10/2022, Ukraine tuyên bố một nhóm gồm vài chục phi công đã được chọn để đào tạo lái máy bay chiến đấu phương Tây.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, cho biết ưu tiên của Kiev sau xe tăng là đảm bảo an toàn cho máy bay phản lực và “những lý do” của các đồng minh [cho việc không gửi chiến đấu cơ] không phải là không thể vượt qua. Ông tin rằng phương Tây hiện đang bị thuyết phục về sự cần thiết phải tăng cường một cách thận trọng nhưng nhất quán cấp độ của các hỗ trợ quân sự.

Ông cho biết lực lượng không quân Ukraine đã để mắt tới các máy bay F-16 và F-15 của Mỹ, nhưng cũng sẵn sàng tiếp nhận các loại khác. Phần lớn máy bay F-15 và F-16 do Mỹ sở hữu được triển khai ở các khu vực khác, bao gồm cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Có gần 50 quốc gia hiện đang sử dụng F-15. Tôi không tin dù chỉ một giây rằng Ukraine không xứng đáng có máy bay chiến đấu", ông Sak nói.

"Cơn ác mộng" hậu cần

Tuy nhiên, việc gửi máy bay sẽ đòi hỏi những nỗ lực hậu cần quan trọng đối với các đồng minh của Ukraine.

Máy bay F-15 và F-16 yêu cầu đường băng dài, chất lượng cao, điều mà Ukraine thiếu. Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ dễ dàng phát hiện ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng các căn cứ như vậy và sẽ tấn công chúng.

Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân tại Viện nghiên cứu RUSI của Anh, cho biết các máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ hoặc Gripens của Thụy Điển sẽ phù hợp hơn, vì chúng có thể cất cánh từ các bãi đáp ngắn hơn và ít cần bảo dưỡng hơn. Nhưng cả hai máy bay phản lực này đều có nguồn cung tương đối ít.

Các máy bay chiến đấu khác, chẳng hạn như Rafales do Pháp sản xuất, có thể yêu cầu một số lượng lớn nhân viên phương Tây trên mặt đất ở Ukraine để sửa chữa và chuẩn bị cho các chuyến bay. Những người này dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại