Bạn đồng hành "như hình với bóng" của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xe tăng là một phương tiện chiến đấu hiện đại có hỏa lực mạnh, phòng hộ tốt và khả năng cơ động việt dã cao, chúng được đánh giá là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân.

Tuy nhiên, để cho xe tăng phát huy được hiệu quả thì cũng đòi hỏi rất cao về công tác bảo đảm các mặt.

Công binh - người cộng sự không thể thiếu của xe tăng

Trong các công tác bảo đảm cho xe tăng thì công tác bảo đảm cơ động có tầm quan trọng bậc nhất bởi có cơ động đến đúng vị trí cần thiết thì mới có thể phát huy sức mạnh chiến đấu được. Và nhiệm vụ đó thường được giao cho lực lượng công binh.

Để đảm bảo cơ động cho xe tăng, các lực lượng công binh thường phải đảm nhiệm các nhiệm vụ sau: mở đường, khắc phục các loại vật cản (vật cản nước, vật cản nổ v.v...) và đặc biệt là "mở cửa" trong các trận chiến đấu tiến công quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc- một loại hình tác chiến phổ biến.

Bởi tầm quan trọng như vậy, trong các trung lữ đoàn xe tăng thường được biên chế từ 1 đại đội đến 1 tểu đoàn công binh. Phân đội này được trang bị một số thiết bị chuyên ngành như: xe bắc cầu MTU, xe phà tự hành GSP, xe ủi, xe phá rào FR v.v...

Bạn đồng hành như hình với bóng của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90 - Ảnh 1.

Bộ đội xe tăng huấn luyện vượt sông bằng phá GSP. Ảnh: QĐND.

Điểm đặc biệt là các loại phương tiện này thường có khung gầm tương tự với xe tăng chiến đấu chủ lực của đơn vị nhằm đảm bảo chúng có khả năng cơ động cùng đội hình, đồng thời cũng thuận lợi hơn cho công tác bảo đảm kỹ thuật.

Chẳng hạn như xe tăng T-55 có một biến thể là cầu tự hành MTU-55 còn xe tăng T-90 cũng có một biến thể là cầu tự hành MTU-90 trên khung gầm của dòng xe này.

Bạn đồng hành như hình với bóng của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90 - Ảnh 2.

Xe bắc cầu bọc thép MTU-90 sử dụng khung thân xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 được thiết kế để bắc cầu vượt khe có chiều rộng tới 84m nhằm phục vụ nhiệm vụ cơ động cho lực lượng tăng và phương tiện chiến đấu khác.

Tuy nhiên, lực lượng công binh đi cùng này thường chỉ bảo đảm cơ động được ở quy mô nhỏ. Khi gặp khối lượng công việc lớn, hệ thống vật cản phức tạp các đơn vị xe tăng thường phải yêu cầu sự bảo đảm của các đơn vị công binh cấp trên (của quân đoàn, quân khu hoặc của Bộ).

Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học- công nghệ, hiện nay đã có rất nhiều trang thiết bị công binh hiện đại được chế tạo với khả năng bảo đảm rất cao, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại đồng thời giảm bớt nguy hiểm cho con người...

Thực tế chiến tranh ở Việt Nam cũng cho thấy, sở dĩ bộ đội xe tăng Việt Nam đã lập được nhiều chiến công vang dội có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng công binh bảo đảm.

Từ trận đầu đánh thắng đến trận đánh cuối cùng

Thành lập từ tháng 10.1959 song đến tháng 10.1967, Tiểu đoàn 198 - đơn vị xe tăng đầu tiên mới được đưa vào chiến trường để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Mục tiêu được lựa chọn cho trận đánh hiệp đồng binh chủng lần đầu tiên có xe tăng tham gia là Làng Vây.

Bạn đồng hành như hình với bóng của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90 - Ảnh 3.

Làng Vây là một cứ điểm nằm trong hệ thống cứ điểm của "hàng rào Mắc Na-ma-ra" án ngữ đường 9 gần biên giới Việt - Lào.

Cứ điểm do 1 tiểu đoàn biệt kích Việt Nam cộng hòa dưới sự chỉ huy của 24 cố vấn Mỹ đồn trú và được xây dựng hết sức kiên cố, có hệ thống vật cản dày đặc và vững chắc.

Một lợi thế nữa cho phòng ngự ở Làng Vây là cứ điểm nằm trên 2 điểm cao 230 và 320 có sườn phia bắc rất dốc, còn sườn phía Nam được con sông Sê-Pôn bao bọc, hình thành một vật cản thiên nhiên lợi hại.

Bạn đồng hành như hình với bóng của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90 - Ảnh 4.

Xe tăng PT-76 mang số hiệu 268 tham gia trận đánh giờ là tượng đài chiến thắng Làng Vây.

Nhiệm vụ tiến công cứ điểm Làng Vây được giao cho Trung đoàn bộ binh 24, Sư đoàn 304 được tăng cường Tiểu đoàn xe tăng 198 cùng một số đơn vị khác.

Sau khi trinh sát thực địa, Trung đoàn 24 quyết định tiến công Làng Vây trên 3 hướng. Hướng chủ yếu từ phía Nam; hướng thứ yếu: từ phía Tây; hướng phối hợp: từ phía Đông- Bắc. Trên các hướng chủ yếu và thứ yếu, mỗi hướng được tăng cường 1 đại đội xe tăng.

Sở dĩ đi đến quyết định chọn hướng Nam làm hướng tiến công chủ yếu là bởi có sự thống nhất cao giữa bộ binh với xe tăng và công binh. Trong quá trình trinh sát, các chỉ huy xe tăng nhận định có thể lợi dụng dòng sông Sê Pôn để cơ động nhằm tạo ra thế bất ngờ.

Tuy nhiên, có một khó khăn rất lớn - Sê Pôn là một con sông miền núi, lòng sông có nhiều ghềnh thác, nhiều tảng đá lớn có thể gây đội bụng xe tăng. Song Trung đoàn công binh 7 của mặt trận đã khẳng định: "Hoàn toàn có thể cải tạo lòng sông cho xe tăng bơi được".

Chính lời khẳng định trên đã dẫn tới quyết tâm chọn hướng Nam làm hướng tiến công chủ yếu và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Từ hướng Nam, Đại đội xe tăng 9 đã bất ngờ xuất hiện làm quân địch hết sức hoảng sợ, đồng thời nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy để giành thắng lợi.

Để giành được thắng lợi đó, các chiến sĩ công binh đã không quản ngại nguy hiểm, vất vả và cũng rất mưu trí để phá đá mở đường ngay gần địch suốt hàng tuần liền. Khi xe tăng xuất kích, cũng chính các chiến sĩ công binh phải dầm mình trong nước lạnh làm "cọc tiêu" dẫn đường xe tăng.

Chính vì vậy, khi tổng kết chiến dịch, đồng chí Phó Tư lệnh mặt trận đã nhắc đùa các đại diện xe tăng: "Mấy cậu xe tăng nhớ mang xôi gà sang biếu cậu Xương (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 7) đi nhé!"

Bạn đồng hành như hình với bóng của xe tăng Việt Nam: Từ T-54 tới T-90 - Ảnh 5.

Bộ đội xe tăng huấn luyện vượt sông bằng phá GSP. Ảnh: QĐND.

Kể từ sau trận đầu đánh thắng ấy, các lực lượng công binh vẫn luôn sát cánh cùng bộ đội xe tăng trên mọi nẻo đường, trong mọi trận đánh, đặc biệt là trong trận đánh cuối cùng- Mùa Xuân đại thắng 1975.

Ngay từ trận mở đầu then chốt tiến công thị xã Buôn Mê Thuột, bộ đội công binh với sáng kiến cưa trước 1/3 cây cùng việc triển khai nhanh cầu phao vượt sông Sê- Rê- Pốc đã góp công lớn đảm bảo cho xe tăng vượt 30- 40 km từ vị trí tập kết có mặt đúng giờ nổ súng tiến công.

Tiếp đó, trong những ngày cuối tháng 3.1975, lực lượng công binh đã dò gỡ hàng nghìn quả mìn chống tăng ở khu vực Động Truồi, Núi Bông, Núi Nghệ (Tây Nam Huế), đèo Mũi Trâu (Tây Bắc Đà Nẵng) để xe tăng quân đoàn II cơ động vào tiến công Huế và Đà Nẵng.

Sau khi buộc phải rút bỏ Quân khu I và phần lớn Quân khu II, quân đội Sài Gòn đã phá hủy hầu hết các cầu trên quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng đến Cam Ranh, trong đó có 8 cầu lớn. Điều đó gây khó khăn rất lớn cho việc cơ động xe tăng của cánh quân Duyên Hải vào tham gia giải phóng Sài Gòn- Gia Định.

Lực lượng công binh lại một lần nữa ra tay: bắc cầu tạm, ghép cầu phao, dùng phà chuyên chở xe tăng qua sông,...Trên các hướng khác cũng thế. Nhờ vậy, các đơn vị- trong đó có xe tăng mới hoàn thành cuộc hành quân "Thần tốc", có mặt tại vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian quy định.

Trong quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng công binh cũng đi trước một bước để bảo đảm cơ động cho xe tăng như: làm ngầm Bến Bầu vượt sông Bé trên hướng Quân đoàn I, bắc cầu Sông Buông bị phá khi địch rút chạy trên hướng Quân đoàn II (chiều 29.4.1975)...

Mặc dù không trực tiếp chiến đấu song vai trò vị trí của Công binh trong chiến tranh là cực kỳ quan trọng- nhất là với bộ đội xe tăng.

Bởi vậy, trong binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam có lưu truyền bài ca dao mới nói về mối quan hệ đặc biệt này:

Đôi ta như bóng với hình

Ngầm sâu, vách đứng bên mình có ta

Chiến trường lửa đạn xông pha

Bom mìn cản lối có ta bên mình

Thủy chung giữ trọn nghĩa tình

Xe tăng cùng với Công binh hiệp đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại