Nga tham chiến ở Libya?
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đi đầu trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ ở Libya. Nhưng trong nỗ lực đó, cả hai cũng đang ngầm khắc chế phạm vi ảnh hưởng lẫn nhau ở quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ.
Trong một cuộc điện đàm vào cuối tháng trước, ngoại trưởng hai nước đã kêu gọi các phe đối đầu ở Libya chấm dứt chiến sự và quay trở lại bàn đàm phán, điều mà nhiều nhà phân tích coi là khởi đầu cho một nỗ lực mới để giải quyết cuộc xung đột.
Lời kêu gọi này đến sau chiến thắng quân sự vang dội của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli.
Vài tuần trước đó, sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho GNA đã giúp xoay chuyển tình thế và đẩy lùi cuộc tấn công của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập – và được cho là cả Nga - ủng hộ.
Trong một động thái bất ngờ được cho là giúp cứu vãn tình hình, một phi đội chiến đấu cơ của Nga đã hạ cánh ở phía Đông Libya.
Đối với một số nhà quan sát, động thái này báo hiệu sự sẵn sàng của Moscow trong việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho tướng Haftar.
Tuy nhiên, theo Samuel Ramani, chuyên gia từ Đại học Oxford, động thái triển khai chiến đấu cơ này chỉ nhằm mục đích củng cố vị thế đàm phán của Nga trên các bàn đàm phán hòa bình tiềm năng sắp tới.
"Đây không phải là dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng tham gia một cuộc can thiệp quân sự kiểu Syria ở Libya, vì Moscow đã thừa nhận rằng lực lượng Haftar khó có thể đảo ngược làn sóng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Ramani nói với Al Jazeera.
Cuộc xung đột phức tạp
Đây không phải là lần đầu tiên Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng môi giới một lệnh ngừng bắn ở Libya. Vào tháng 1, Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj và tướng Haftar đã đến thăm Moscow như một phần trong nỗ lực của Nga-Thổ nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn kéo dài được thiết lập.
Tuy nhiên, tướng Haftar vốn đang tự tin với những chiến thắng vang dội trên chiến trường thời điểm đó đã từ chối ký thỏa thuận và đột ngột rời khỏi thủ đô Nga.
Cuộc họp ở Moscow khi đó diễn ra cũng chỉ một tuần sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Đức tổ chức. Hội nghị Berlin đã chứng kiến sự tham gia của hàng chục quốc gia, ít nhất một nửa trong số đó đang cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến của Libya.
Tướng Haftar.
Ngoài việc đảm bảo một cam kết để các thế lực nước ngoài để từ bỏ sự can thiệp ở Libya, đây còn là cơ hội để châu Âu tái khẳng định hình ảnh chính mình tại một trong những điểm nóng xung đột trên thế giới.
Mặc dù vậy, mọi nỗ lực hòa bình đều không thành công và vũ khí vẫn liên tiếp đổ về Libya.
Cho đến lúc này, Nga vẫn chưa có một động thái chính thức nào cho thấy sẽ can thiệp ở Libya, nhưng sự tham gia của Nga trong việc hòa giải cuộc xung đột đang được Mỹ để tâm cao độ.
Càng phức tạp hơn khi một số đồng minh lớn nhất của Washington, bao gồm UAE, Ai Cập và Jordan, đang ủng hộ cho tướng Haftar và điều này cũng đồng nghĩa sẽ đứng về phía Nga.
Nỗi khó cho Thổ Nhĩ Kỳ
Khi ưu thế quân sự đang thuộc về Chính phủ GNA, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét các động thái tiếp theo, bao gồm cả lựa chọn đàm phán với tướng Haftar. Giới quan sát tin rằng, mặc dù liên minh Thổ-GNA đang thắng thế, lực lượng LNA của tướng Haftar chưa phải là bên thua cuộc hay bị loại khỏi bàn cờ chính trị chung ở Libya.
Nếu các bên hỗ trợ cho Haftar vẫn còn đó, thì có rất ít lựa chọn để Thổ Nhĩ Kỳ có thể loại nhân vật này ra khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai, nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ Semih Idiz nói với Al Jazeera
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhìn thấy mình đang ở một thế khó tương tự ở Syria, nơi mà Ankara không công nhận Tổng thống Assad trong khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu công nhận Tổng thống Syria là một nhân tố quan trọng trên bàn cờ", ông nói.
Ngoài ra, nếu tướng Haftar tiếp tục là một thế lực chính trị lớn ở phía đông Libya, thì sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên vô ích.
Điều này xuất phát từ một trong những động lực chính của Thổ Nhĩ Kỳ khi tham chiến là bảo đảm thỏa thuận phân định biên giới trên biển gây tranh cãi mà nước này đã ký với Chính phủ GNA, trong đó mở rộng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở vùng Đông Địa Trung Hải.
Đặc khu kinh tế cho phép các quốc gia độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả khoáng sản.
"Không có gì đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng một thỏa thuận giữa GNA và tướng Haftar ở Libya sẽ tôn trọng thỏa thuận tháng 11 mà Ankara đã ký với Thủ tướng al-Sarraj về việc phân định khu vực phía Đông Địa Trung Hải", Idliz nói.
Mohammed Ali Abdallah, cố vấn của GNA về các vấn đề Mỹ nhận đinh, thỏa thuận hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ là "không có giá trị nếu Chính phủ GNA không thể kiểm soát toàn bộ bờ biển".
Còn đối với Nga, kiến tạo ảnh hưởng ở Libya là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích. "Tăng cường vị thế của quân đội Nga ở Bắc Phi chắc chắn sẽ cung cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một sự kìm kẹp chặt chẽ hơn đối với châu Âu và thậm chí có thể ảnh hưởng và kiểm soát sâu rộng trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi rộng lớn", chuyên gia Tomas Olivier nói với tờ DW.
"Tài nguyên năng lượng của Libya và sự hiện diện của một số cảng nước sâu sẽ mang lại cho Tổng thống Putin lợi thế địa chiến lược mà ông đang cố gắng đạt được".