Bài học Chechnya và đáp án cho câu hỏi "Tên lửa Javelin sẽ thay đổi cuộc chiến ở Ukraine?"

Trịnh Ngọc Tiến/ Trường Đại học Chính trị |

Giới lãnh đạo quân đội Ukraine hy vọng rằng, với tên lửa Javelin, họ sẽ đủ sức đè bẹp sự kháng cự từ lực lượng tăng -thiết giáp hùng hậu của phe nổi dậy miền Đông Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, kể từ năm 2018, Mỹ sẽ cung cấp tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Javelin cho Ukraine.

Nếu điều này trở thành hiện thực, tên lửa Javelin liệu có thay đổi được cục diện cuộc chiến ở Ukraine? Tại sao giới chức Kiev quyết tâm mua bằng được thứ vũ khí được coi là hiện đại nhất thế giới này? Đây chỉ đơn thuần là do yếu tố chính trị hay vì sự lợi hại của Javelin?

Javelin thay đổi cán cân quân sự ở Ukraine?

Javelin là ATGM thế hệ 3, hoạt động theo nguyên lý bắn và quên. Nó có thể tiến công từ nóc xe tăng, xe thiết giáp, nơi có hệ thống phòng hộ mỏng yếu nhất.

Giới lãnh đạo quân đội Ukraine hy vọng rằng, khi có tên lửa Javelin trong tay, họ sẽ đủ sức đè bẹp sự kháng cự từ lực lượng tăng -thiết giáp hùng hậu của phe nổi dậy miền Đông Ukraine.

Bài học Chechnya và đáp án cho câu hỏi Tên lửa Javelin sẽ thay đổi cuộc chiến ở Ukraine? - Ảnh 1.

Đồ họa tên lửa chống tăng Javelin tiến công xe tăng từ nóc xe.

Hiện nay tại Nga có hai luồng ý kiến chủ quan về vấn đề này.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, tên lửa Javelin cũng chỉ giống như những loại vũ khí khác mà thôi, ít có khả năng làm xoay chuyển cục diện chiến trường và chiến thắng sẽ thuộc về phe nổi dậy DNR/ LNR ở miền Đông.

Họ dẫn chứng ở Syria, tên lửa Javelin không thể hạ gục xe tăng chủ lực T-90 của Nga. Tầm bắn hiệu quả của xe tăng là 5 km, trong khi tầm bắn của tên lửa Javelin chỉ là 2,5 km. Hỏa lực của xe tăng sẽ tiêu diệt được Javelin trước khi nó kịp khai hỏa.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc Mỹ bán tên lửa Javelin cho Ukraine sẽ làm leo thang căng thẳng, thậm chí có thể tái bùng phát cuộc chiến ở miền Đông giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy, bởi loại tên lửa này giúp quân đội Ukraine tạo lợi thế trên chiến trường.

Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy.

Bài học từ thất bại trong cuộc chiến Chechnya

Trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, khi quân đội Nga tiến công vào thủ phủ Grozny, các chiến binh của Dudayev lúc đầu không có bất kỳ mối đe dọa thực sự nào. Trên thực tế, ở vùng ngoại ô thành phố, quân đội Nga đã thành công và nhanh chóng trấn áp các trung tâm phòng thủ của lực lượng phiến quân.

Tuy nhiên, khi tiến vào trung tâm thành phố, cuộc chiến trở nên ác liệt. Lữ đoàn bộ binh cơ giới 131 và Trung đoàn bộ binh cơ giới 81 dẫn đầu đội hình xung kích đã coi thường địch và tiến công liều lĩnh.

Sau khi chiếm lĩnh được ga tàu Grozny, họ ngay lập tức rơi vào vòng bao vây của lực lượng vũ trang Chechnya.

Hỏa lực của quân nổi dậy đã tách bộ binh khỏi xe tăng, khiến những chiếc xe tăng của quân đội Nga trở nên trơ trọi, không có lực lượng bộ binh bảo vệ và bị tiến công từ nhiều hướng. Lúc này, điều không mong muốn nhất đã đến, lực lượng tăng-thiết giáp Nga bị đánh tơi tả.

Bài học Chechnya và đáp án cho câu hỏi Tên lửa Javelin sẽ thay đổi cuộc chiến ở Ukraine? - Ảnh 2.

Xe thiết giáp của quân đội Nga bị lực lượng phiến quân tiêu diệttrong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất năm 1996.

Đánh giá về thất bại trên, các chuyên gia quân sự Nga đã chỉ ra sai lầm đầu tiên là sự chủ quan, khinh địch.

Sai lầm quan trọng thứ hai là xem nặng vai trò của xe tăng khi chiến đấu trong thành phố. Những nhà sùng bái sức mạnh của xe tăng cho rằng, khi chiến đấu trong môi trường đô thị, xe tăng vẫn đảm nhiệm vai trò là phương tiện xung kích, có nhiệm vụ dẫn dắt bộ binh, và những xe chiến đấu bộ binh (BMP) sẽ làm nhiệm vụ chặn hậu phía sau.

Tuy nhiên, trong thành phố, xe tăng trở thành một mục tiêu rất dễ bị tổn thương, thậm chí trước các loại hỏa lực chống tăng không có gì hiện đại.

Để giành ưu thế trong chiến tranh đô thị, các nhóm bộ binh phải là lực lượng di chuyển đầu tiên. Bộ binh di chuyển về phía trước, dọc theo hai bên đường phố, có nhiệm vụ chiếm được tòa nhà hai bên tuyến phố, cắt đứt được sự chi viện của đối phương để ngăn các đơn vị đối phương không thể xâm nhập vào gần và áp dụng chiến thuật cận chiến.

Chi viện hỏa lực cho các nhóm bộ binh này vẫn chủ yếu là lực lượng xe tăng. Những chiếc xe tăng sẽ hỗ trợ các nhóm tấn công bằng hỏa lực và tiêu diệt các hỏa điểm nguy hại, ngăn cản lực lượng bộ binh đối phương tiến lên phía trước. Song, phía sau lực lượng xe tăng phải được bảo vệ bởi tất cả các xe chiến đấu bộ binh cùng với một số bộ binh đi kèm.

Đây là chiến thuật kinh điển khi tiến công các mục tiêu trong đô thị. Để có được nguyên tắc chiến thuật cơ bản này, quân đội Nga đã phải đánh đổi bằng sự đổ máu của rất nhiều người lính trên chiến trường.

Trong chiến dịch giải phóng Berlin thời Thế chiến 2, Hồng quân Liên Xô đã thiệt hại rất nhiều xe tăng và xe thiết giáp với súng chống tăng Panzerfaust do những phụ nữ hoặc những cậu bé người Đức chỉ 14 đến 16 tuổi sử dụng.

Theo các nhà quân sự Nga, trong điều kiện hiện nay, mối đe dọa từ vũ khí chống tăng vẫn hiện hữu đối với các loại xe tăng hiện đại như T-90, Leopard 2, Abrams, Merkava hay bất kỳ loại tăng nào đi chăng nữa.

Dù xe tăng có sử dụng loại giáp bảo vệ tiên tiến nào (chủ động hay thụ động) nhưng nếu không được bộ binh che chắn, bảo vệ thì trước sự tiến công của 7-10 quả đạn RPG-7 bay đến từng chiếc xe cùng một lúc, từ nhiều phía khác nhau, chắc chắn một điều chiếc xe tăng đó sẽ biến thành phế liệu.

Rút kinh nghiệm trong cuộc chiến tại Chechnya lần thứ nhất; trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ 2 năm 1999, quân đội Nga đã khôi phục nguyên tắc chiến thuật tác chiến địa hình đô thị của thời kỳ quân đội Liên Xô.

Khi tấn công mục tiêu kiên cố, họ đã tổ chức chi viện hỏa lực ở mức tối đa bằng không quân và pháo binh để làm sạch chiến trường. Quân đội Nga cuối cùng đã tấn công chiếm lĩnh thành công Grozny với mức tổn thất thấp nhất.

Như vậy thực tế đã chứng minh, trong điều kiện chiến trường mở, với sự chi viện tối đa của hỏa lực không quân và pháo binh, cơ hội cho những tay súng chống tăng, thậm chí là tên lửa chống tăng trong các tổ diệt tăng không còn cơ hội tiếp cận.

Nếu giả sử cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine bùng phát trở lại (với điều kiện là chiến trường mở, thậm chí là chiến đấu trong môi trường đô thị) thì liệu hệ thống tên lửa Javelin có còn đất diễn trước lực lượng quân nổi dậy miền Đông được Nga trợ giúp bằng những kinh nghiệm xương máu rút ra từ cuộc chiến Chechnya?

Sự so sánh số học

Trên thị trường vũ khí, một quả đạn chống tăng RPG có giá khoảng 20.000 rúp (tương đương 353 USD), cả súng thì khoảng 40.000 rúp. Để tiêu diệt một chiếc xe tăng cần 10 quả đạn RPG với số tiền là 200.000 rúp.

Một chiếc xe tăng T-72 đời cũ, chưa nâng cấp có giá khoảng 5 triệu rúp (tương đương 88.000 USD); T-80 khoảng 100 triệu rúp. Đối với xe tăng T-90 phải trả ít nhất 174 triệu. Giá một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và BMP-3 giá không hề rẻ, khoảng 170 triệu rúp/chiếc, đắt ngang những chiếc xe tăng hiện đại nhất.

Như vậy, nếu dùng đạn RPG-7 mà tiêu diệt được một chiếc xe tăng hoặc xe BMP thì đây là một sự đánh đổi quá lãi.

Nhưng nếu làm phép so sánh số học giữa súng RPG-7 và tên lửa Javelin trong việc tiêu diệt một chiếc xe tăng thì đây lại là sự so sánh hoàn toàn khập khiễng.

Bài học Chechnya và đáp án cho câu hỏi Tên lửa Javelin sẽ thay đổi cuộc chiến ở Ukraine? - Ảnh 3.

Tổ tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ trong chiến dịch "Tự do bềnvững" tại Iraq năm 2003.

RPG-7 là vũ khí cận chiến, dùng để phục kích và tiến công bất ngờ từ phía sau. Trong khi đó, tên lửa Javelin là loại vũ khí dùng cho một cuộc chiến quy ước, khi hai bên dàn quân trong một chiến trường mở.

Bên cạnh đó, giá của những hệ thống ATGM Javelin không hề rẻ, nhất là xét trên khả năng của nền kinh tế Ukraine hiện nay. Liệu Ukraine có đủ ngân sách để trang bị số lượng lớn tên lửa loại này, nhằm tạo nên sự khác biệt hay không?

Hiện nay, theo báo giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, một hệ thống ATGM Javelin hoàn chỉnh (gồm một hệ thống phóng, hệ thống kiểm tra và 6 tên lửa) có trị giá khoảng 91 triệu rúp (tương đương 1.600.000 USD). Một lần phóng tên lửa tốn 6 triệu rúp (106.000 USD), như vậy giá của một tên lửa Javelin đắt hơn một chiếc xe tăng T-72.

Theo một số tin tức tình báo từ quân đội Ukraine, hiện nay các lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine có khoảng 800 xe tăng. Cứ cho rằng tất cả các xe tăng của lực lượng nổi dậy được trang bị hệ thống phòng hộ tốt nhất thì theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, để phá hủy một xe tăng, cần trung bình 5 quả tên lửa Javelin.

Như vậy, với số tên lửa ATGM Javelin mà Mỹ cung cấp (số lượng chắc chắn là có giới hạn), liệu quân đội Ukraine có thể tiêu diệt hết số xe tăng của lực lượng nổi dậy? Và tên lửa Javelin có thể tạo ra ưu thế quân sự cho họ hay không? Đây là câu hỏi không khó trả lời.

Vì vậy, việc Ukraine cố gắng sở hữu các hệ thống Javelin có chăng là để những thành phần cứng rắn trong chính phủ Ukraine cố tin vào một chiến thắng quân sự. Cụ thể là với sự trợ giúp từ Mỹ, họ có thể dùng biện pháp quân sự giành lại những miền đất từ lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine.

Song, đây là một ảo tưởng nguy hiểm, không chỉ đối với Ukraine, mà cả châu Âu và toàn thế giới.

Tên lửa chống tăng Javelin. Nguồn: QPVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại