Ba thách thức lớn khiến Nhật Bản khó sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Hồng Anh |

Sau khi Australia quyết định đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ của Mỹ, Anh và Hàn Quốc cũng đang tỏ ra quan tâm đến việc mua tàu ngầm này, nhiều chính trị gia tại Nhật Bản tự hỏi rằng liệu đã đến lúc nước này phải làm điều tương tự?

Các thợ lặn của Hải quân Mỹ hoạt động cùng với tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina ở ngoài khơi biển Oahu, Hawaii. Ảnh: Hải quân Mỹ

Các thợ lặn của Hải quân Mỹ hoạt động cùng với tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina ở ngoài khơi biển Oahu, Hawaii. Ảnh: Hải quân Mỹ

Vấn đề gây tranh cãi trong đảng cầm quyền

Cuộc tranh luận về việc Nhật Bản có nên mua tàu ngầm hay không chủ yếu bắt đầu từ tuyên bố thành lập liên minh an ninh AUKUS giữa Anh, Mỹ, Australia ngày 15/9.

Ngay sau khi Australia thông báo về thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân, 2 trong số 4 ứng viên ở thời điểm đó đang tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản, cựu Ngoại trưởng Taro Kono và cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này.

Bà Sanae Takaichi, hiện là người dẫn đầu chính sách mới của LDP cho rằng, so với tàu ngầm thông thường, các tàu ngầm hạt nhân có kích thước lớn, di chuyển với tốc độ nhanh hơn, khả năng tấn công mạnh hơn, khó bị phát hiện và có thể lặn dưới nước trong thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu.

Tuy vậy, ông Fumio Kishida – người chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo LDP, hiện là Thủ tướng Nhật Bản lại có lập trường thận trọng hơn. Ông nói: “Cần phải đánh giá chúng ta cần nó ở mức độ nào khi xem xét các thỏa thuận an ninh quốc gia của Nhật Bản”.

Giống như các thành viên trong LDP, nhiều chuyên gia về tác chiến hải quân cũng chia rẽ về vấn đề này. Ông Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quốc phòng trên tạp chí quân sự Jane Defence Weekly nhận định, việc sở hữu tàu ngầm sẽ khiến các đối thủ của Nhật Bản như Trung Quốc và Triều Tiên phải suy nghĩ kỹ khi tiến hành các "hoạt động khiêu khích" ở vùng biển tranh chấp.

“Họ sẽ khó phát hiện và theo dõi tàu ngầm hạt nhân do khả năng tàng hình của chúng. Điều này sẽ có lợi cho khả năng phòng thủ của Nhật Bản”.

Trái lại, nhà phân tích hải quân Tim Fish có trụ sở tại London cho rằng Nhật Bản không cần tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ông lưu ý: “Các mối đe dọa hàng hải chính đối với Nhật Bản đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. Cả hai quốc gia này đều có vị trí rất gần”.

Theo chuyên gia Tim Fish, hạm đội tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện của Nhật Bản là “nền tảng phù hợp để hoạt động ở biển Nhật Bản, Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ đề nghị Nhật Bản thực hiện cuộc tuần tra chung ở Biển Đông để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc? Đây cũng là điều mà hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản có khả năng thực hiện được.

“Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có những thách thức lớn trong việc nâng cao khả năng hợp tác giữa các lực lượng trực thuộc của họ cũng như phối hợp với các lực lượng Mỹ. Tôi nghĩ họ nên tập trung vào vấn đề này thay vì tìm cách sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Đối với Mỹ, việc hiện diện quân sự tại các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông tới Philippines là một phần trong Chiến dịch Căn cứ Tiên tiến Viễn chinh của Lực lượng Thủy quân lục chiến. Trong đó, các lực lượng Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng”.

3 thách thức lớn đối với việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Theo nhà phân tích Tim Fish, tàu ngầm chỉ là một phần của bức tranh an ninh hàng hải rộng lớn hơn. Một loạt các vũ khí khác từ các phương tiện không người lái trên mặt đất và dưới nước, máy bay, tàu mặt nước, hệ thống vũ khí trên không và trên bộ... cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc đảm bảo an ninh hàng hải.

Chưa kể, việc đóng tàu ngầm hạt nhân sẽ vô cùng tốn kém và không bổ sung nhiều vào năng lực mà JSDF đã có với 3 lực lượng trên biển, trên không và trên bộ. Trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản đang ở mức 266% GDP – cao nhất thế giới và cao gấp đôi so với Mỹ, nước này cần phải đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với thâm hụt ngân sách, bất chấp nỗ lực đối phó sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Ngoài vấn đề chi phí, chính phủ Nhật Bản cũng cần phải thuyết phục người dân nước này rằng việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân sẽ không gây ra các rủi ro và là một chính sách quốc phòng an toàn, nếu họ muốn mua chúng.

Dư âm của vụ ném bom nguyên tử năm 1945 và thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 đã tạo ra “cơn ác mộng kéo dài” đối với người dân Nhật Bản, khiến việc xây dựng sự đồng thuận quốc gia về mọi chính sách liên quan đến hạt nhân trở thành một thách thức lớn.

Hơn nữa, các quốc gia láng giềng của Nhật Bản như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và nhiều nước ở Đông Nam Á có thể lo lắng trước sự trỗi dậy về năng lực quân sự của Nhật Bản.

Trung Quốc và Triều Tiên có thể không quá bất ngờ nếu Nhật Bản mua tàu ngầm hạt nhân bởi Tokyo sẽ lập luận rằng, quyết định này đơn thuần nhằm đáp trả những gì họ đang làm. Nhưng những nước như Singapore lại có lý do chính đáng để lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang tại Đông Á.

Nhà phân tích chính trị Nhật Bản Kosuke Takahashi của tạp chí quân sự Jane Defence Weekly cho rằng, Nhật Bản nên giữ vững di sản của mình là một quốc gia yêu chuộng hòa bình bằng cách gắn bó với những tàu ngầm thông thường.

Dưới thời chính quyền Thủ tướng Kishida, Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi ba chiến lược quốc phòng quan trọng, Chiến lược An ninh Quốc gia, Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng Quốc gia và Chương trình Phòng thủ Trung hạn vào cuối năm 2022.

Ông Kishida đã nhắc lại tuyên bố “xem xét tất cả các lựa chọn và tăng cường khat năng phòng thủ cần thiết” trong việc xây dựng các chiến lược đó. Do vậy, vẫn có khả năng chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét lại vấn đề sở hữu tàu ngầm hạt nhân.

Vấn đề này sẽ là phép thử cơ bản, nhằm quyết định liệu Nhật Bản một lần nữa có thể trở thành cường quốc quân sự hay không, cũng như liệu có đặt dấu chấm hết cho hiến pháp hòa bình, vốn hạn chế đáng kể khả năng hoạt động ở nước ngoài của JSDF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại