6+1 tuyên bố đe dọa Ấn Độ
Trong ba ngày từ 2-4/8, sáu cơ quan báo chí và bộ trung ương Trung Quốc gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Tân Hoa Xã, Báo Giải phóng quân, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ và Nhân dân nhật báo đã lần lượt lên tiếng cảnh cáo Ấn Độ vấn đề tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
Các cơ quan này đều cáo buộc, binh lính Ấn Độ "vượt biên" và yêu cầu phía New Delhi rút quân vô điều kiện nhằm giải quyết tranh chấp. Đồng thời, các tuyên bố này cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ "lợi ích quốc gia".
Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố một báo cáo dài hơn chục trang, liệt kê thông tin và các con số về sự kiện tranh chấp biên giới Trung-Ấn, tố binh lính Ấn "vượt biên" và yêu cầu New Delhi rút quân vô điều kiện.
Cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn hiện chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ảnh: VCG
Ngay sau bản báo cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc được công bố, báo Giải phóng quân Trung Quốc đăng tải bài xã luận cảnh cáo New Delhi cần nhận ra rõ xu thế tình hình thế giới hiện nay để đạt lợi ích chung kèm lời đe dọạ "dòng chảy lịch sử cuồn cuộn, kẻ thuận ta thì sống, kẻ trái ta thì chết...".
Trong khi, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo bình luận: "Giải quyết vấn đề này rất đơn giản, đó chính là, quân đội Ấn Độ nên ngoan ngoãn rút quân. Trung Quốc có câu nói rằng, kẻ thức thời mới là tuấn kiệt...". Chiều 3/8, Tân Hoa Xã cũng đưa ra cảnh cáo về hậu quả của cuộc chiến và yêu cầu New Delhi rút quân.
Thậm chí, đến đêm muộn 3/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tiếp tục cảnh cáo, "sự kiềm chế của quân đội Trung Quốc không phải không có giới hạn, phía Ấn Độ cần xóa bỏ mọi sự ảo tưởng".
Sáng 4/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ nhắc lại những cảnh cáo tương tự của Bắc Kinh trước đó.
Giới chuyên gia nhận định, sáu cơ quan lớn của Trung Quốc tập trung lên tiếng cảnh báo Ấn Độ trong ba ngày liên tiếp là một động thái hiếm thấy. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn xảy ra từ 18/6, Bắc Kinh thể hiện thái độ mạnh mẽ với tần suất dày đặc nhất.
Theo Đa chiều (Mỹ), những biểu hiện này không chỉ nhằm cảnh cáo Ấn Độ mà còn gửi tới các quốc gia khác trên thế giới rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tác động của cuộc đối đầu biên giới và chuẩn bị hành động trong thời điểm thích hợp, chấm dứt cuộc giằng co kéo dài hơn tháng nay.
"Việc sáu cơ quan Trung Quốc đồng loạt lên tiếng đồng nghĩa Bắc Kinh đã "bày tỏ hết lý lẽ" và về phương diện xã hội quốc tế, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về truyền thông trong cuộc đối đầu. Nếu không thể giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, việc cuối cùng chỉ có thể giao lại cho lực lượng Giải phóng quân PLA", Đa chiều bình luận.
Đáng chú ý, sau loạt tuyên bố của các sáu cơ quan báo chí, bộ trung ương Trung Quốc, chiều 4/8, tờ Thời báo Hoàn cầu - cơ quan thuộc chủ quản của Nhân dân nhật báo tiếp tục đăng tải bài viết đưa ra giả thiết về cuộc chiến tranh Trung-Ấn có thể xảy ra.
"Đây là một trận chiến không cần diễn ra, thắng thua là chuyện đã quá rõ ràng. Chính phủ của [Thủ tướng Narendra] Modi nên hiểu rõ về khả năng đầu tư lớn mạnh và hỏa lực áp đảo của Quân giải phóng PLA. Lực lượng Ấn Độ tập trung ở biên giới căn bản không thể đối đầu với quân đội dã chiến chủ lực PLA, nếu chiến tranh mở rộng, PLA hoàn toàn có sức mạnh hủy diệt toàn bộ binh lính Ấn Độ ở biên giới", Hoàn cầu viết.
Báo Trung Quốc còn cảnh cáo, "nếu chiến tranh nổ ra, PLA sẽ sử dụng sức mạnh sấm sét của mình để dạy cho Ấn Độ một bài học đau đớn".
Thực tế Bắc Kinh muốn hạ nhiệt?
Quân lính Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn. Ảnh: VCG
Trái với những lời đe dọa của Bắc Kinh, ngày 4/8, tờ The Economic Times (Ấn Độ) dẫn lời phát biểu của Ngoại trưởng Sushma Swaraj tại phiên họp Quốc hội hôm 3/8 về sự kiện tranh chấp biên giới Trung-Ấn.
"Chúng tôi [Ấn Độ] đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh nhưng chiến tranh tuyệt đối không phải là phương pháp giải quyết vấn đề. Đàm phán là cách làm tốt hơn để xử lý vấn đề như vậy", bà Swaraj nói.
"Chiến tranh không thể là một giải pháp cho bất cứ vấn đề nào, ngay cả sau khi cuộc chiến xảy ra, chúng ta vẫn cần thảo luận để tìm ra giải pháp", bà Swaraj nhấn mạnh và phản đối các lập luận của Bắc Kinh về hiệp ước năm 1890 liên quan đến khu vực Tây Tạng - Sikkim giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời chuyên gia quân sự Zhou Chenming nhận định, Trung Quốc dường như đã nhận thức được sự vô nghĩa của một cuộc chiến toàn diện ở một khu vực biên giới hoang vắng, nơi "bị đóng băng tám tháng trong năm".
Thậm chí, một luồng ý kiến cho rằng, thực tế Trung Quốc đang muốn hạ nhiệt căng thẳng dù nước này thường "cứng giọng" trong mọi tuyên bố. Tờ Times of India dẫn lời một nhà ngoại giao châu Á đánh giá, "Bắc Kinh thực sự muốn giải quyết vấn đề này trước hội nghị thượng đỉnh BRICS (9/2017) bởi họ không muốn bất cứ điều gì ảnh hưởng đến không khí hội nghị".