Theo Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaro Nad, việc gửi tiêm kích MiG-29 cho Ukraine cũng là nội dung được ông và người đồng cấp Ba Lan thảo luận tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) ở Thụy Điển hôm 8/3. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho hay hai nước đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
"Tôi nghĩ đã đến lúc đưa ra quyết định. Chúng ta thực sự có thể giúp người Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói.
Máy bay chiến đấu MiG-29. (Ảnh: Airheadsfly.com)
Trước đó, trả lời đài CNN hôm 8/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định nước này sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các tiêm kích MiG-29.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau hôm 8/3 nói Chính phủ Ba Lan "sẵn sàng triển khai" toàn bộ phi đội MiG-29 của nước này tới căn cứ không quân của Mỹ tại Ramstein, Đức, từ đó chúng sẽ được chuyển đến Ukraine.
Không quân Ba Lan sở hữu 29 chiếc MiG-29 đang hoạt động, trong khi Slovakia có 12 chiếc trong kho.
Slovakia và Ba Lan - hai quốc gia thành viên NATO, từng kêu gọi các nước hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine và đã nhắc lại lời kêu gọi này trong những ngày gần đây.
Kiev nhiều lần yêu cầu cả máy bay của Liên Xô và phương Tây sản xuất từ thành viên NATO. Tháng trước, Anh tuyên bố sẽ đào tạo các phi công Ukraine trên "các máy bay chiến đấu tinh vi theo tiêu chuẩn NATO", còn Mỹ được cho là đang đánh giá khả năng huấn luyện phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu F-16 của nước này.
Nga tuyên bố dòng vũ khí phương Tây đổ vào Ukraine chỉ kéo dài cuộc xung đột, không làm thay đổi kết quả chiến sự hiện nay. Tuần trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc cung cấp máy bay chiến đấu là "lằn ranh đỏ" có thể đặt phương Tây vào vị thế đối đầu quân sự trực diện với Nga.