Nguồn tin dẫn lời đại diện Không quân Ba Lan cho biết, việc tập trận mô phỏng này của Ba Lan là nhằm "chống lại những mối đe dọa bất ngờ từ phía Nga". Hệ thống mô phỏng này bao gồm 6 máy chiếu cung cấp hình ảnh 3D khu vực xung quanh buồng lái chiếc MiG-29M.
Có trị giá lên tới 6 triệu USD, hệ thống mô phỏng này được đặt tại căn cứ Không quân số 23 của Ba Lan tại thị trấn Minsk Mazowiecki. Với hệ thống này, các phi công Ba Lan có thể hiểu rõ cơ chế chiến đấu cận chiến, đánh chặn và các tình huống nguy cấp trên chiếc MiG-29M.
Hệ thống buồng lái mô phỏng hoàn toàn chính xác buồng lái của chiếc MiG-29M với đầy đủ các chức năng cùng màn hình hiển thị theo thời gian thực.
Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan tuần tra Baltic
Theo Đại tá Marciej Trelka, Tư lệnh Căn cứ Không quân số 23, các phi công Ba Lan còn có thể làm quen với các loại vũ khí được trang bị trên chiến MiG-29M, bao gồm pháo GSh-30-1, các tên lửa không đối không R-27, R-73, các tên lửa không đối đất S-8 và S-24 cùng các loại bom thông thường OFAB-100-120, OFAB-250 và OFAB-500.
Đợt huấn luyện đối kháng với MiG-29M của Nga dành cho các phi công của Không quân Ba Lan được đưa ra sau khi Ba Lan yêu cầu NATO điều động một lực lượng hiện diện thường xuyên tại khu vực biên giới nước này và được NATO chấp thuận. Cùng với đó, là sự tin tưởng tuyệt đối của Warszawa trước khả năng bảo vệ mình của NATO.
Vì vậy, hồi tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan tuyên bố rằng, nếu có chiến tranh, chỉ một tiểu đoàn NATO cũng có thể cầm chân quân Nga. Bộ trưởng Antoni Macherevich đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Defense News của Mỹ rằng, ông này tin tưởng vào khả năng của quân đội NATO trong việc bảo vệ đất nước mình.
Ông Bộ trưởng cho biết, Ba Lan dự định bố trí trong nội địa đất nước mình chỉ một tiểu đoàn của Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và ông cho rằng, chỉ với lực lượng như vậy cũng đủ để "kiềm chế sự hiếu chiến của Nga" và bảo vệ an toàn cho nước này.
Bộ trưởng Macherevich cũng thừa nhận rằng, bản thân mình hiểu là trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Moscow, Nga sẽ có ưu thế về quân số vượt trội khi tung quân xâm nhập vào lãnh thổ Ba Lan, mà các đơn vị đồng minh hiện diện ở đây sẽ không thể đương đầu nổi.
Tuy nhiên, theo lời ông này mục đích chính của tiểu đoàn NATO đồn trú ở đây không phải là căng sức ra chiến đấu để giành chiến thắng trước đối phương mà là tập trung phòng thủ tuyệt đối để làm trì hoãn, chậm đà tấn công.
Vị Bộ trưởng này phân tích, xét dưới góc độ quân sự, trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược, Liên minh dễ mất địa bàn tấn công dưới áp lực của quân Nga và sẽ buộc phải tái chiếm lại sau đó. Nhưng điều này là rất khó khăn. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải đứng vững trong khoảng thời gian đầu.
Do đó, sự hiện diện của một tiểu đoàn NATO ở Ba Lan là điều rất quan trọng, giúp quân đội nước này có thể cầm chân quân Nga trong một khoảng thời gian đủ lâu để quân đội Liên minh kịp huy động lực lượng và bắt đầu tiến công đáp trả.
Phụ họa với ông Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski cũng phát biểu rằng, không thể giải quyết các vấn đề quốc tế với sự hợp tác với Nga, mà phải dùng các biện pháp cứng rắn, bởi Moscow đã tạo ra ở Đông Âu tình huống rất nguy hiểm.
Ông Waszczykowski cho rằng, quân đội Nga đã trở thành công cụ chính của chính sách đối ngoại của Nga, còn tỉnh Kaliningrad là khu vực bị quân sự hóa lớn nhất trong toàn bộ châu Âu. Do đó, các nước NATO nên trở về với các phương pháp truyền thống đảm bảo an ninh lãnh thổ các nước thành viên là sự hiện diện quân sự mạnh mẽ.