Ông Volodymyr Ishchenko, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Âu, Đại học Freie Berlin bình luận trên trang Al Jazeera mới đây rằng, vào cuối tháng 1/2022, khi các nước phương Tây tăng cường đưa tin về một "cuộc xâm lược sắp xảy ra" từ Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nghi ngờ về vấn đề này trong một cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài. "Tôi là Tổng thống Ukraine và tôi đang sống ở đây, tôi nghĩ tôi nắm tình hình cụ thể ở đây tốt hơn", ông Zelensky nói sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nga triển khai các phương tiện tham gia cuộc tập trận ở vùng Rostov cuối tháng 1/2022. Ảnh: Reutes
Theo ông Ishchenko, cho đến nay, các sáng kiến ngoại giao của Ukraine khá "thiện cận", khai thác nỗi sợ hãi về "cuộc xâm lược sắp xảy ra" để có thêm vũ khí từ phương Tây hoặc chiến dịch tìm kiếm các biện pháp trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, các loại vũ khí hiện đang được cung cấp cho Ukraine sẽ không thể cứu nước này trong trường hợp bị Nga tấn công tổng lực. Tương tự, các biện pháp trừng phạt do phương Tây đề xuất khó có thể làm tổn thương Nga nặng nề.
"Liên minh" với Anh và Ba Lan được công bố vào ngày 1/2, được cho là một biện pháp của Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang gặp rắc rối sâu sắc ở trong nước, hơn là một hiệp ước hiệu quả có thể đảm bảo sự bảo vệ cho Ukraine.
Triển vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine cũng có vẻ khá mờ mịt, mặc dù thực tế là các cường quốc phương Tây đã bác bỏ yêu cầu của Nga để Kiev có thể chính thức trở thành thành viên NATO.
Lúc này, cánh cửa vào NATO coi như đã đóng lại, như chính ông Zelensky đã từng nói về tư cách thành viên NATO: "Tôi không bao giờ đi thăm trừ khi được mời. Tôi không muốn cảm thấy mình kém cỏi, một kẻ hạng hai".
Một trong những thắng lợi của Nga trong trong thời gian vừa qua là vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO trở nên nguy hiểm và gây chia rẽ hơn đối với châu Âu. Giờ đây, một số nước có thể nghi ngờ rằng liệu việc chấp nhận Ukraine có làm cho tất cả các nước NATO khác kém an toàn hơn hay không.
Bối cảnh này có thể dẫn đến ba kịch bản cơ bản trong dài hạn. Đầu tiên là Ukraine gia nhập NATO, có nghĩa là Nga thất bại và mất vị thế cường quốc ở Âu-Á. Đây là hy vọng của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Các thành viên của phong trào này coi Ukraine không chỉ đấu tranh cho chủ quyền của mình mà còn là một phần của việc loại bỏ "Đế chế Nga". Họ hy vọng sẽ chứng kiến các cuộc xung đột kiểu Chechnya nổ ra trên khắp đất nước Nga.
Vấn đề là những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine không quan tâm phần lớn người Ukraine sẽ nghĩ gì về những tổn thất trong một cuộc thập tự chinh lâu dài để khiến Nga trở nên bất ổn. Họ cũng không tính đến việc liệu phần còn lại của thế giới có thực sự muốn chứng kiến sự sụp đổ của Nga và dẫn đến cuộc nội chiến trên lãnh thổ của một cường quốc hạt nhân hay không.
Kịch bản thứ hai là một thỏa thuận quốc tế về sự trung lập của Ukraine, hay cái gọi là "Phần Lan hóa" Ukraine, đề cập đến quyết định lịch sử của Phần Lan trong việc liên kết với châu Âu, nhưng tránh gây thù địch với Nga bằng cách không gia nhập NATO.
Vấn đề đặt ra với đề xuất này là nó không thể thực thi được khi có sự phản đối ở trong nước, trong khi quốc tế có rất ít niềm tin rằng Điện Kremlin sẽ cam kết tình trạng trung lập nhưng có chủ quyền của Ukraine. Ukraine cần những đảm bảo mạnh mẽ hơn một hiệp ước có thể bị Nga phá vỡ bất cứ lúc nào.
Điều này dẫn đến kịch bản thứ ba, bao gồm việc xây dựng một cấu trúc an ninh bao trùm cho toàn bộ châu Âu, bao gồm cả Ukraine và Nga.
Các bên liên quan có thể bắt đầu bằng các cuộc tham vấn an ninh khu vực thường xuyên, xây dựng các chuẩn mực hành vi mới giữa các cường quốc, đồng minh của họ và các quốc gia không liên kết, đồng thời đưa ra các đảm bảo an ninh đa phương chi tiết được khẳng định lại bằng các biện pháp kiềm chế quân sự sâu rộng và xây dựng lòng tin minh bạch.
Chi tiết về cấu trúc như vậy đã được đưa ra trong một đề xuất toàn diện gần đây do một nhóm các chuyên gia phi chính phủ từ Mỹ, EU, Nga và 5 quốc gia nằm giữa Nga và NATO, trong đó có Ukraine, đưa ra.
Một thỏa thuận như vậy có thể thiết lập không gian kinh tế và an ninh chung từ Lisbon (hoặc thậm chí là Vancouver) đến Vladivostok, như một số người hy vọng vào cuối Chiến tranh Lạnh. Ukraine có lợi ích quan trọng là nằm trong số những nước khởi xướng và tham gia tích cực vào quá trình này và định hình các kết quả của nó.
Khôi phục tình trạng không liên kết của Ukraine sẽ là bước đầu tiên cần thiết, điều này đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp Ukraine. Năm 2019, để tái đắc cử, ông Poroshenko đưa mục tiêu "hội nhập Châu Âu" vào hiến pháp Ukraine.
Không kém phần quan trọng, Ukraine cũng cần một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn đối với các thỏa thuận Minsk mà việc thực hiện đã bị đình trệ trong 7 năm, mặc dù chúng tuân theo logic cơ bản của tất cả các thỏa thuận hòa bình lớn trong những thập kỷ qua. Điều này sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán trực tiếp với đại diện của các khu vực đòi độc lập ở Donbass.