Theo Military Today, ban đầu ASRAAM là chương trình hợp tác nghiên cứu phát triển tên lửa không đối không tầm ngắn giữa Đức, Mỹ, Na Uy, Canada và Anh. Mục tiêu của dự án nhằm chế tạo một vũ khí mới thay thế cho tên lửa AIM-9 Sidewinder và vượt trội R-73 của Liên Xô.
Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ, Na Uy và Canada không còn hứng thú với dự án. Người Đức quyết định rút khỏi chương trình để phát triển một tên lửa có tầm bắn ngắn và linh hoạt hơn mang tên IRIS-T.
Chỉ còn chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi và giao cho Tập đoàn MBDA đảm nhận vai trò nhà thầu chính. ASRAAM được đưa vào hoạt động trong Không quân Hoàng gia Anh từ năm 1998.
Đặc tính kỹ thuật vượt trội
ASRAAM là viết tắt của cụm từ “Advanced Short Range Air-to-Air Missile” (Tên lửa không đối không tầm ngắn tiên tiến).
Điểm độc đáo của ASRAAM là nó được dẫn đường bằng cảm biến hồng ngoại tối tân, không chỉ lần theo nguồn nhiệt phát ra từ mục tiêu mà còn có khả năng “nhìn thấy” đối tượng để phân biệt với các loại mồi bẫy.
Tên lửa ARSAAM phóng từ tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Military Today
Ngoài ra, sự kết hợp giữa cảm biến hồng ngoại tiên tiến và đối kháng điện tử mạnh mang lại hiệu suất tác chiến vượt trội cho tên lửa.
Một tính năng “đỉnh” khác của ASRAAM là khóa mục tiêu sau khi phóng (LOAL), khiến cho nó rất phù hợp để lắp trong khoang vũ khí các máy bay tàng hình.
LOAL khiến mục tiêu không nhận thức được rằng mình đang bị tấn công cho đến khi tên lửa phóng đi, đối phương có rất ít thời gian để phản ứng, qua đó nâng cao hiệu suất tiêu diệt.
ASRAAM được trang bị động cơ nhiên liệu rắn với buồng đốt hai lần tạo ra lực đẩy mạnh, giúp tên lửa bay nhanh hơn, các vây kiểm soát ở đuôi đem lại cho nó khả năng cơ động tuyệt vời. Tên lửa có thể chịu quá tải lên đến 60G và tăng tốc rất nhanh.
ASRAAM có tầm bắn từ 300 - 50.000 m, vượt trội nhiều loại tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại khác, nó mang theo đầu đạn phân mảnh nặng 10 kg, lắp ngòi nổ laser hoặc tiếp xúc.
Tầm bắn xa hơn AIM-9
ASRAAM là tên lửa hồng ngoại chủ lực của tiêm kích Typhoon. Ảnh: Military Today
Tại Mỹ, ASRAAM được biết đến với tên gọi AIM-132. Tên lửa này đang cạnh tranh với AIM-9X để trở thành vũ khí đối không tầm ngắn trong chương trình Tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35. Một lợi thế của ASRAAM là nó tương thích gần như 100% với AIM-9.
Điều đó có nghĩa là tất cả những máy bay sử dụng AIM-9 đều có thể bắn ASRAAM mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Cảm biến của ASRAAM tương đương với phiên bản hiện đại nhất trong gia đình tên lửa Sidewinder là AIM-9X.
ASRAAM lại có tầm bắn tới 50 km, sánh ngang với tên lửa không đối không tầm trung (AIM-9 chỉ bay được tối đa 35 km). Trong kịch bản đấu tay đôi, ASRAAM sẽ tiêu diệt máy bay mang tên lửa AIM-9 từ xa.
Ngoài ra, tính năng LOAL của ASRAAM là một lợi thế rất lớn trước AIM-9, phải đến biến thể AIM-9X block II, tên lửa đối không tầm ngắn chủ lực của Mỹ mới có chức năng này. Lưu ý là AIM-9X block II mới chỉ được đưa vào sử dụng từ năm 2008, muộn hơn ASRAAM 10 năm.
Trong khi AIM-9 tập trung vào độ cơ động ở tầm ngắn, ASRAAM lại là sự kết hợp hài hòa giữa tính linh hoạt và tầm bắn xa. Nói cách khác, ASRAAM sở hữu khả năng cơ động của một tên lửa tầm ngắn với tầm bắn của một tên lửa tầm trung.
Hiện tại, ASRAAM là tên lửa không đối không tầm ngắn chủ lực của Không quân Hoàng gia Anh và Không quân Hoàng gia Australia. Năm 2014, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 384 tên lửa ASRAAM để thay thế cho loại R.550 Magic lắp trên máy bay chiến đấu SEPECAT Jaguar.