“Áp lực tối đa” Mỹ áp đặt lên Iran đưa Nga trở thành “vị cứu tinh” cho Syria

Vũ Thu Hương |

Chính sách “gây áp lực tối đa” của Mỹ đang giúp Nga phá hoại ảnh hưởng của Iran và lực lượng Shia của mình cũng như tăng cường vị thế của Moscow ở Syria.

Theo Aljazeera, khu vực Syria đang chịu đựng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở nước này vào năm 2011. Tình trạng thiếu khí đốt, năng lượng và điện khiến nhiều người không hài lòng với sự lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm Assad.

Trớ trêu thay, điều này diễn ra khi chính quyền Syria và các quốc gia hậu thuẫn nước này đang tuyên bố giành chiến thắng trước khủng bố trong nỗ lực duy trì vị thế của ông Assad ở trong khu vực cũng như trên trường quốc tế đồng thời thuyết phục cộng đồng quốc tế đầu tư để quốc gia này tái thiết đất nước.

Một số các nhân tố trong nước cũng góp phần làm gia tăng khủng hoảng nhưng gần đây, chiến dịch "tăng áp lực tối đa" của Washington với Tehran đã để lại tác động mạnh cũng như làm giảm dòng chảy tài chính và năng lượng của Iran tới Damascus. Điều này cũng làm yếu đi ảnh hưởng của Iran với chính quyền Syria và cho phép Nga giành được lợi thế.

Chống lại chính quyền ông Assad

Từ năm 2013 đến 2016, ông Assad đã điều hành đất nước dưới sự hỗ trợ về tài chính, kinh tế và quân sự từ Iran và Nga.

Khi lãnh thổ Syria được mở rộng quyền kiểm soát trong suốt 2 năm qua, nước này phải đối mặt với các thách thức gia tăng trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tới đại đa số người dân và kết quả là nước này ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia khác hậu thuẫn.

Kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Syria vào tháng 3/2011, Iran đã gửi khoảng 15 tỷ USD hàng năm cho Syria.

Syria phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu năng lượng từ nước ngoài với trị giá hơn 2,3 tỷ USD mỗi năm. Nhằm giúp Syria đáp ứng nhu cầu năng lượng, Iran đã chuyển ước tính từ 1-3 triệu thùng dầu một tháng cho Syria.

Nga cũng tiêu tốn nhiều tiền kể từ tháng 9/2015 khi quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Nga tập trung vào các nỗ lực cho cuộc chiến, và tiêu tốn ước tính tới 4 triệu USD một ngày và tới 5,3 tỷ USD trong 3,5 năm cuối.

Để đổi lấy tài chính, ông Assad hẳn nhiên phải trao cho Nga và Iran các nguồn lợi và cơ sở hạ tầng chiến lược của nước này như các cảng, sân bay, nguồn lợi dầu mỏ, mỏ khí đốt và nhiều ích lợi khác.

Điều này đã đẩy sự cạnh tranh khốc liệt giữa Nga và Iran. Cả hai nước này cùng xem việc đảm bảo các cơ hội kinh tế và nhiều nguồn lợi hơn không chỉ là cách lấy lại những gì đã đầu tư để giữ cho chính quyền ông Assad hùng mạnh mà còn là cách để kiểm soát nhiều hơn với chính quyền ông Assad cũng như sự hiện diện chiến lược của mình ở Syria.

Trong bối cảnh này, chính sách "gây áp lực tối đa" mới công bố của Mỹ chính là cách giúp Nga giành được ưu thế mới trước Iran. Kể từ khi áp đặt lệnh trừng phạt Iran tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã ra sức cắt giảm lượng xuất khẩu dầu của Tehran.

Theo Brian Hook, đại diện đặc biệt của Mỹ ở Iran, hậu quả của vòng trừng phạt đầu tiên, Tehran đã mất hơn 10 tỷ USD nguồn thu từ dầu. Và điều này cũng giới hạn lượng đầu tư Tehran chi cho Syria.

Và ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng ngăn cản Iran cung ứng dầu cho Syria. 6 tháng qua, Syria chỉ nhận được một tàu chở dầu duy nhất từ Iran. Việc thiếu dầu, khí đốt, điện cùng với nền kinh tế suy kiệt khiến người dân bất mãn chính quyền.

Nga trỗi dậy khi Iran yếu đi

Khi Iran không thể cung cấp dầu và tiền như đã từng, Syria buộc phải đứng trước 2 lựa chọn: hoặc tiến hành chiến đấu giành lại các khu vực do lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn nhằm chiếm lại các mỏ dầu ở vùng Đông Bắc của đất nước, hoặc đề nghị Nga giúp sức.

Lựa chọn đầu tiên dường như không thể trong thời điểm hiện tại khi mà Mỹ vẫn hiện diện ở Tây Bắc Syria do đó lựa chọn thứ 2 khả dĩ hơn cả nhưng có thể phải trả bằng những "cái giá" về chính trị lớn hơn.

Mặc dù có cơ hội tốt để thay Iran cung cấp dầu cho Syria nhưng Nga dường như không vội vã cứu đỡ cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Trung Đông này. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc Nga dường như chỉ muốn tập trung giúp đỡ những điều thiết yếu hơn khác.

Trong khi đó, chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ đang giúp Moscow phá hoại ảnh hưởng của Iran và lực lượng Shia của mình cũng như tăng cường vị thế của Moscow trong khu vực.

Các báo cáo gần đây cho thấy tình hình kinh tế đang xấu đi ở Iran gây tác động tiêu cực lên các đồng minh Iran trong khu vực.

Nga đang cố giới hạn ảnh hưởng của các nhóm Shia mà không cần đến sự đối đầu trực tiếp với nhóm này. 6 tháng qua, nhiều vụ đụng độ giữa lực lượng ủng hộ Nga và lực lượng ủng hộ Iran gia tăng.

Nga cũng rất thành công trong việc đẩy các lực lượng do Iran hậu thuẫn ra khỏi Idlib hay một số vùng khác tại Syria.

Bằng việc đẩy Iran ra khỏi Syria, Nga có thể đưa vị trí của mình như là "vị cứu tinh" cho chính quyền ông Assad. Syria do vậy cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.

Tương lai của Syria vì vậy có thể nhìn thấy trước được. Đó là việc Iran giảm sự hiện diện ở Syria. Và Nga sẽ tăng cường quyền lực ở quốc gia Trung Đông này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại