Warsaw và London vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nếu việc này được thông qua, Kiev sẽ được đáp ứng yêu cầu mà họ đã đưa ra liên tục trong suốt gần một năm, và sẽ giành được lợi thế đáng kể trước quân đội Nga trong những tháng tới.
Theo NY Times, Ba Lan dự kiến sẽ yêu cầu Berlin đồng ý gửi xe tăng do Đức sản xuất cho Kiev. Hôm thứ Tư (11/1), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng đất nước của ông đã sẵn sàng gửi xe tăng Leopard II do Đức sản xuất tới Ukraine nếu một "liên minh quốc tế" đồng ý làm điều này.
Trước đó, các quan chức quốc phòng Mỹ và châu Âu lo ngại rằng cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc phương Tây trực tiếp tham gia xung đột, và có thể khiến leo thang căng thẳng.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có xe tăng chiến đấu do phương Tây sản xuất nào được gửi đến Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung hôm 11/1 ở Lviv với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, Tổng thống Andrzej Duda cho biết Ba Lan đã quyết định đưa xe tăng Leopard vào gói viện trợ của liên minh. Ông bày tỏ hy vọng rằng những chiếc xe tăng sẽ "sớm di chuyển qua nhiều tuyến đường khác nhau để tới Ukraine".
Tổng thống Duda không nêu rõ những quốc gia nào có thể tham gia vào một liên minh như vậy. Tuy nhiên, giới chức Ba Lan đã nhiều lần thúc giục các quốc gia phương Tây liên kết với nhau để gửi các xe tăng hiện đại hơn cho Kiev.
Tổng thống Ba Lan ôm Tổng thống Ukraine trong chuyến thăm Lviv hôm 11/1. Ảnh: Reuters
Đức từ lâu đã phản đối việc gửi vũ khí tấn công cho Ukraine vì lo ngại xung đột leo thang, và cho biết họ sẽ không phải là đồng minh đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi xe tăng đến Kiev.
Đức cũng đặt ra giới hạn đối với việc xuất khẩu và tái xuất vũ khí, vì vậy Ba Lan hoặc bất kỳ quốc gia nào khác cần phải được Berlin chấp thuận mới có thể gửi cho Ukraine xe tăng do Đức sản xuất.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Tư rằng Kiev mong đợi một "quyết định chung" về việc chuyển giao xe tăng và sẽ nhận sự đóng góp từ các quốc gia để đáp ứng nhu cầu của lực lượng Ukraine.
Thông tin trên của Ba Lan được đưa ra một ngày sau khi Anh cho biết họ đang cân nhắc gửi xe tăng Challenger II cho Kiev, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, bày tỏ hy vọng rằng "cánh cửa" đã được mở để phương Tây gửi xe tăng chiến đấu, sau khi Pháp, Mỹ và Đức tuần trước đồng ý gửi cho Kiev các phương tiện chiến đấu bọc thép nhẹ hơn: Xe trinh sát AMX-10 RC của Pháp, xe chiến đấu M2 Bradley của Mỹ và xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức.
Quyết định gửi xe Marder của Đức đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của Berlin. Các phương tiện bọc thép mà ba nước cam kết viện trợ Kiev là một trong những loại tiên tiến nhất mà Ukraine nhận được kể từ khi bắt đầu xung đột.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn cần các xe tăng chiến đấu như Leopard, mà các nhà phân tích cho rằng có thể là chìa khóa để Ukraine vượt qua sự tiêu hao khí tài nặng nề trong mùa Đông này.