Nguồn tin tình báo của Trung tâm Imagesat International cho biết Nga đã triển khai hệ thống tên lửa Iskander, bao gồm 270 quả đạn đến khu vực Krasnodar, cách không xa biên giới Ukraine.
Các tấm ảnh vệ tinh được Trung tâm Imagesat International cung cấp đã cho thấy có một tổ hợp Iskander cùng với vài boongke và hầm chứa tên lửa gần đó.
Cạnh xe phóng tên lửa có một xe nạp đạn chuyên dụng, một boongke mở cửa và một phương tiện vận tải khác được trông thấy đang đi ra khỏi chiếc boongke này.
Như vậy có thể thấy rằng lo ngại của Quân đội Ukraine đã trở thành hiện thực, khi Nga đang tăng cường ra biên giới tất cả những vũ khí tối tân và đáng sợ nhất của mình.
Câu hỏi được đặt ra lúc này đó là Quân đội Ukraine đã đưa ra được biện pháp nào đủ sức đối phó hiệu quả với mối đe dọa rất lớn đến từ bên kia biên giới hay chưa?
Câu trả lời có lẽ là "có", bởi vì từ vài tháng qua lực lượng phòng không Ukraine đã đẩy nhanh tốc độ sửa chữa và nâng cấp các tổ hợp tên lửa tầm xa S-300 của mình.
Quân đội Ukraine đang nắm giữ số lượng khá lớn các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 ở các phiên bản S-300PS, S-300PM và cả S-300V dành cho phòng không lục quân.
Giới chức quốc phòng tại Kiev cũng nhiều lần khẳng định rõ rằng S-300 là thứ vũ khí hiệu quả nhất để đối phó lại tên lửa đạn đạo Iskander-M và cả Iskander-K của Nga.
Tuy nhiên giữa tuyên bố và thực tế chưa chắc đã trùng khớp nhau trong trường hợp giữa Quân đội Nga và Ukraine nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện và khốc liệt.
Số lượng đạn tên lửa phòng không S-300 của Ukraine có lẽ cũng rất lớn nhưng đa phần đều đã lạc hậu tới vài thế hệ, cho dù trải qua quá trình nâng cấp thì cũng khó mà sánh ngang với những biến thể tối tân của Nga.
Đó là chưa kể đến việc điểm mạnh của S-300 là chống máy bay, nó cũng được đánh giá đủ sức bắn chặn tên lửa hành trình R-500 của Iskander-K nhưng đối đầu tên lửa đạn đạo 9M723 của Iskander-M thì rõ ràng là quá sức.
Tổ hợp S-300V1 của phòng không Ukraine có lẽ chỉ thích hợp đối đầu với tên lửa đạn đạo Tochka-U đời cũ có vận tốc không lớn và quỹ đạo bay đơn giản mà thôi.
Còn gặp phải Iskander-M có diện tích phản xạ radar rất thấp, khả năng thao diễn đánh lừa phòng không đối phương cực cao thì có lẽ S-300 nếu như phóng lên cũng chỉ phí đạn mà thôi.
Hơn nữa do chênh lệch lớn về số lượng máy bay chiến đấu nên đạn tên lửa phòng không S-300 sẽ được Ukraine ưu tiên dành cho tiêm kích Nga chứ chẳng phải là đạn tấn công như Iskander-M/K.
Chiến lược đối phó tốt nhất mà Ukraine có thể làm trong lúc này nên là nhanh chóng chế tạo nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn Grom-2 làm đối trọng với Iskander-M thì hơn là đầu tư cho các hệ thống phòng không S-300.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-s300-ukraine-bat-luc-khi-hang-tram-ten-lua-iskander-nga-ap-sat-bien-gioi/797167.antd