Truyền thông Nga vừa đăng tải thông tin cho biết họ mới cung cấp cho đồng minh Kazakhstan một lô hàng chiến đấu cơ đa năng Su-30SM rất hiện đại.
Số lượng tiêm kích Su-30SM được Nga bàn giao cho Không quân Kazakhstan trong đợt này tổng cộng là 12 chiếc, đủ để thành lập một phi đội cấp trung đoàn.
Các tiêm kích Su-30SM trên thuộc biên chế căn cứ không quân số 604, nó cùng với số chiến đấu cơ mà quốc gia này đã nhận trước đó tạo nên năng lực chiến đấu rất đáng gờm.
Điều đặc biệt trong đợt giao hàng trên đó là do khoảng cách địa lý gần cho nên Nga không sử dụng máy bay vận tải An-124-100 Ruslan như mọi khi.
Toàn bộ 12 tiêm kích Su-30SM này đã cất cánh từ nhà máy chế tạo, dưới sự điều khiển của các phi công người Nga để đến tay người sử dụng mới.
Với vị trí địa lý được như "phên dậu" của nước Nga, Kazakhstan thường được Moskva ưu tiên cung cấp cho những vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự tối tân nhất.
Các tiêm kích Su-30SM mà Không quân Kazakhstan vừa mới tiếp nhận không có hậu tố "E", cho thấy nó mang cấu hình của bản nội địa mà Không quân Nga đang sử dụng.
Đây rõ ràng là một ưu đãi cực lớn mà Nga dành cho đối tác quân sự đặc biệt của mình, điều mà khách hàng mua vũ khí lớn như Ấn Độ cũng không có.
Tiêm kích đa năng Su-30SM là trường hợp "nội địa hóa ngược" điển hình của Nga, nó được chế tạo dựa trên cấu hình của Su-30MKI xuất khẩu cho Ấn Độ.
So với Su-30MKI thì Su-30SM sử dụng hệ thống điện tử hàng không thuần chất Nga chứ không "cấy ghép" thêm nhiều thiết bị có nguồn gốc Pháp hay Israel như máy bay Ấn Độ.
Điều này mặc dù phần nào có thể gây ảnh hưởng tới sức chiến đấu nhưng lại đảm bảo tốt hơn cho công tác bảo dưỡng, duy trì hệ số kỹ thuật cho máy bay.
Các thành phần cốt lõi của chiếc tiêm kích đa năng này cũng tương tự với Su-30MKI của Ấn Độ, đầu tiên là radar mảng pha quét thụ động N011M BARS.
Radar N011M BARS là thế hệ trước của N035 Irbis lắp trên Su-35S, nó cũng có tầm trinh sát tối đa 400 km nhưng kém nhạy hơn với vật thể bay có diện tích phản xạ radar nhỏ.
Động cơ của Su-30SM là loại kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP, nó thua kém một chút so với loại AL-41F1S 3D TVC của Su-35S.
Nhưng nhờ sự kết hợp cùng cánh mũi mà tiêm kích đa năng Su-30SM vẫn có khả năng thực hiện các động tác thao diễn linh hoạt chẳng thua kém Su-35S là bao.
Những chiếc Su-30SM này sẽ bổ sung vào phi đội Su-27SM mà Không quân Kazakhstan đang vận hành, giúp quốc gia này tăng cường khả năng bảo vệ bầu trời.
Thông qua việc trang bị vũ khí hiện đại cho đồng minh thân thiết có vị trí đặc biệt như Kazakhstan, nước Nga có thể yên tâm rằng "phên dậu" của mình đã được giữ vững.
Sau Không quân Kazakhstan, đối tượng tiếp theo có thể sớm tiếp nhận các tiêm kích su-30SM bản nội địa của Nga nhiều khả năng sẽ là Không quân Belarus.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-phi-cong-nga-dich-than-lai-su30sm-noi-dia-ban-giao-cho-dong-minh-than-thiet/796262.antd#p-7