Hiện nay lực lượng không quân ném bom chiến lược của Nga đang được đầu tư những khoản ngân sách rất lớn để tìm lại ánh hào quang dưới thời Liên Xô trước kia.
Không quân Nga đang triển khai các chương trình nâng cấp và chế tạo mới đầy tham vọng, sản phẩm đầu tiên chính là máy bay ném bom siêu âm Tu-160M2 và Tu-22M3M.
Bên cạnh đó, dự kiến trong năm 2019, Không quân Nga sẽ tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa phi đội oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS của mình lên chuẩn Tu-95MSM với sức mạnh vượt trội.
Có thể nói rằng từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay thì Không quân Nga mới quay lại với sức mạnh lớn lao đến vậy, điều này gây quan ngại đặc biệt cho khối quân sự NATO.
Mặc dù vậy cũng có không ít nghi ngờ về hiệu quả của dự án hiện đại hóa cũng như chế tạo mới máy bay ném bom của Nga, khi chúng bị nhận xét chỉ là "bình mới rượu cũ".
Trước tình hình trên, Nga rất cần một địa điểm có thể thử nghiệm các phương tiện mới của mình, qua đó đánh giá thật toàn diện tính năng kỹ chiến thuật của chúng.
Giải pháp mang các máy bay ném bom chiến lược này sang Syria có vẻ kém khả thi do tình hình đã tạm lắng, không còn giao chiến lớn, hơn nữa đối đầu với phiến quân không có tên lửa phòng không sẽ là vô ích khi đánh giá tính năng của chúng.
Bởi vậy trong nội bộ Quân đội Nga đã có ý kiến cho rằng nếu nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện với Ukraine, Quân đội Kiev sẽ là "thuốc thử liều cao" đối với máy bay ném bom Nga nên cần đưa chúng vào trận chiến.
Nhận định trên của giới quân sự Nga là rất có cơ sở vì chiến trường Ukraine sẽ là địa điểm không thể tốt hơn cho những vũ khí mới của Moskva có dịp chứng minh sức mạnh.
Đối đầu với lực lượng phòng không hùng hậu của Ukraine sẽ giúp cho nhà sản xuất biết rõ ưu nhược điểm của phương tiện tấn công do mình chế tạo để hoàn thiện tính năng của chúng.
Nhưng cũng phải xác định rằng nếu cho Tu-160M2, Tu-22M3M và Tu-95MSM đối đầu với các khẩu đội tên lửa phòng không của Ukraine có thể sẽ là "canh bạc tất tay" của Nga.
Trong tay Quân đội Ukraine lúc này đã có hàng chục tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PS/PM, S-300V1, Buk-M1 và nhiều hệ thống tầm trung như S-125 và tầm ngắn bao gồm Tor-M1, Tunguska...
Viễn cảnh xấu nhất xảy đến với Không quân chiến lược Nga đó là các máy bay ném bom đời mới của họ sẽ bị phòng không Ukraine bắn "rụng như sung", điều này chắc chắn khiến cho kế hoạch trang bị mới bị ảnh hưởng.
Cần lưu ý rằng trong cuộc chiến tranh 5 ngày với Quân đội Gruzia hồi năm 2008, một chiếc Tu-22M3 của Nga đã bị Buk-M1 của Gruzia do Ukraine viện trợ bắn hạ, bên cạnh đó còn tới vài chiếc Su-24 và Su-25 cũng bị bắn rơi.
Đối đầu với lực lượng phòng không cực kỳ nhỏ bé như Gruzia trong khoảng thời gian ngắn mà còn hứng chịu thiệt hại nặng nề như trên thì chẳng có gì bảo đảm thảm cảnh sẽ không xảy ra với Nga trên bầu trời Ukraine.
Chính vì vậy nếu có ý định dùng chiến trường Ukraine để thử nghiệm các loại máy bay ném bom chiến lược đời mới, Không quân Nga chẳng thể coi nhẹ mối nguy cơ từ lực lượng phòng không Ukraine, cho nên nhiều khả năng đây vẫn chỉ là cuộc chiến chủ yếu diễn ra trên bộ.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-dung-chien-truong-ukraine-thu-nghiem-tu160m2-tu22m3m-va-tu95msm-coi-chung-da-tang-s300/793309.antd