Trong bối cảnh căng thẳng giữa Venezuela và Mỹ vẫn không ngừng gia tăng, Caracas dường như đã thế chân Havana trở thành đối thủ chính của Washington ở châu Mỹ Latin và đã nhiều lần bị Mỹ đe dọa can thiệp quân sự.
Trước sức ép cấm vận của phương Tây và những yếu kém trong quản lý kinh tế khi nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa sụt giảm, nền kinh tế Venezuela đang đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Ngân sách eo hẹp đã buộc Caracas phải tạm hoãn lại nhiều chương trình mua sắm vũ khí quan trọng, trong khi mối đe dọa từ Mỹ và phương Tây vẫn rất lớn.
Tình thế khó khăn này đã khiến Venezuela phải cầu viện tới sự giúp đỡ từ 3 đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Trong đó, bên cạnh sự trợ giúp về kinh tế của Trung Quốc, Caracas cũng đã tìm cách củng cố và tăng cường các quan hệ quân sự với Nga.
Không lâu sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã gặp nhau tại Caracas và đưa ra các kế hoạch mở rộng hợp tác quốc phòng mới. Cụ thể, Nga sẽ giúp Venezuela hiện đại hóa các lực lượng phòng không - không quân.
Các máy bay tiêm kích Su-30 Venezuela
Quân đội Venezuela là một trong những lực lượng được trang bị hiện đại bậc nhất khu vực với các hệ thống vũ khí tiên tiến từ Nga như máy bay chiếm ưu thế trên không Su-30MK2, tên lửa không đối không R-27ER và hệ thống phòng không tầm xa S-300VM.
Việc hiện đại hóa các hệ thống này cùng với những chương trình mua sắm tiềm năng khác như máy bay chiến đấu Su-35, tên lửa phòng không S-400 có thể giúp Venezuela củng cố hơn nữa sức mạnh quân sự để có thể đáp trả các hoạt động tiếp cận không phận của đối phương trong trường hợp xung đột xảy ra.
Trong một động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ nhằm đẩy mạnh các quan hệ quân sự, đồng thời phát đi một thông điệp sắc lạnh tới Mỹ về sự hiện diện mạnh mẽ của Nga ở Mỹ Latin, Không quân Nga đã đưa tới Venezuela hai máy bay ném bom hạng nặng Tu-160, được tháp tùng bởi một máy bay vận tải An-124 và một phi cơ chở khách đường dài Il-62.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300VM của Venezuela
Binh lính Nga được cho là đã giới thiệu với các đồng nghiệp Venezuela một mẫu Tu-160 nâng cấp, còn phía Venezuela cũng xem đây như một động thái phô diễn sức mạnh quan trọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino Lopez tuyên bố sau khi các máy bay Nga hạ cánh: "Chúng tôi luôn sẵn sàng bảo vệ đất nước bất cứ khi nào và chúng tôi sẽ hành động cùng với những người bạn ủng hộ mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau".
Sự hiện diện của các máy bay Nga ở Venezuela đặc biệt thu hút sự chú ý của phương Tây. Điều này thể hiện rõ khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng các máy bay của Moscow đã bị tiêm kích F-18 Na Uy "hộ tống" trên hành trình bay tới Caracas.
Sự kiện cũng là một thông điệp mạnh mẽ mà Moscow muốn gửi tới Washington, nó cho thấy rằng Nga sẵn sàng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latin, nhất là khi đã từng xuất hiện thông tin Nga đang cân nhắc tái thiết lập các căn cứ quân sự ở Cuba.
Tu-160 thực sự là mối đe dọa đáng gờm đối với nước Mỹ lục địa. Hãy thử tưởng tượng, một máy bay ném bom hạng nặng bay trên bầu trời Caracas, tức nó ở trong tầm giới hạn để thực hiện các đòn tấn công hạt nhân chính xác trên toàn lãnh thổ Mỹ lục địa bằng tên lửa hành trình Kh-102.
Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, hầu hết các lá chắn tên lửa của Mỹ đều tập trung ở ven bờ biển với mục đích đánh chặn các vụ tấn công tiềm ẩn của Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên, còn biên giới phía Nam nước này vẫn chưa được phòng thủ đúng mức để đối phó với các cuộc tấn công như vậy.
Tu-160M2 - “Thiên Nga Trắng” của Không quân Vũ trụ Nga