Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm, Mỹ quyết định đưa B-1B Lancer đến căn cứ không quân Andersen tại đảo Guam.
Những chiếc máy bay B-1B Lancer thay thế cho máy bay ném bom B-52 tại đây, đảm bảo sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến cùng với B-1 Lancer là 300 phi công, nhân viên kỹ thuật.
Với tầm hoạt động lên đến 9.400 km, việc triển khai B-1B Lancer ở Guam và Úc cho phép máy bay ném bom này hoạt động dễ dàng ở Biển Đông. Các chuyên gia quân sự cho biết với tốc độ, phạm vi hoạt động và khả năng bay thấp, B-1B sẽ có lợi thế trong việc đối phó chiến lược "chống tiếp cận" của Trung Quốc tại khu vực.
B-1B Lancer là máy bay ném bom tàng hình cánh cụp cánh xòe, có khả năng di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh ở độ cao dưới 100 m. Những chiếc B-1 ra đời nhằm thay thế vai trò phi cơ ném bom chiến lược của pháo đài bay B-52. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang sử dụng song song hai mẫu phi cơ này.
Mẫu máy bay ném bom tàng hình B-1 xuất hiện lần đầu năm 1960. Nhà sản xuất Rockwell, nay là một phần của Boeing, có tham vọng tạo ra một chiếc máy bay có khả năng di chuyển nhanh gấp 2 lần vận tốc âm thanh với tải trọng và phạm vi hoạt động đương hoặc vượt trội hơn so với pháo đài bay B-52 Stratofortress.
Mỗi chiếc B-1B Lancer dài 44,5 m, cao 10,4 m, với sải cánh 24 m khi cụp và 42 m khi xòe. Máy bay có khả năng bay với vận tốc 1.335 km/h ở độ cao trên 15.000 m và 1.100 km/h trong độ cao 60 m tới 152 m. Phạm vi hoạt động của máy bay đạt 12.000 km.
B-1B Lancer có tải trọng cất cánh rỗng 87 tấn, tối đa 216,4 tấn. Nó có thể mang 57 tấn vũ khí, bao gồm 34 tấn bom ở các khoang chứa trong thân và 23 tấn vũ khí dưới các giá treo bên ngoài. B-1B có khả năng ném tất cả các loại bom, bao gồm cả bom nguyên tử chiến lược và chiến thuật.