Xe tăng - kẻ săn mồi đỉnh cao của chiến tranh trên bộ, lực lượng đột kích chính của Lục quân; Nguồn: wikipedia.org
Xe tăng là kẻ săn mồi đỉnh cao của chiến tranh trên bộ được thiết kế nhằm kết hợp mức độ bảo vệ, hỏa lực và tính cơ động cao để chống lại các đối thủ tiềm năng, đặc biệt bao gồm cả xe tăng của đối phương.
Xe tăng có thể hỗ trợ hỏa lực trực tiếp có thể sống sót và tiết kiệm chi phí trong các cuộc chiến cam go, tấn công mũi nhọn, nhanh chóng đột kích xâm nhập sâu vào chiến tuyến và phản công lại các cuộc tấn công của lực lượng cơ giới của đối phương.
Challenger 2 - biểu tượng sức mạnh một thời
Tăng Challenger 2 (CR2) được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments) phát triển vào năm 1986 dựa trên nguyên mẫu Challenger 1, được sản xuất hàng loạt từ năm 1993, đưa vào biên chế và từ năm 1994, là dòng tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba của quân đội Hoàng gia Anh.
CR2 chính thức có trong biên chế quân đội Anh với hơn 400 chiếc (và Oman - biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa, 38 chiếc).
CR2 được trang bị pháo 120mm L30A1 có rãnh xoắn, tuy có sơ tốc đầu nòng cao, bắn chính xác nhưng dễ bị mài mòn, khó chế tạo hơn pháo nòng trơn. Pháo L30A1 có thể sử dụng nhiều loại đạn - đạn xuyên ổn định bằng cánh đuôi có ốp giữ tự hủy (APFSDS L23); đạn dùng thanh xuyên uranium nghèo (APFSDS L26); và đạn nổ nén (HESH) để tấn công công sự và các xe thiết giáp, tầm bắn đến 8km.
MBT này còn được trang bị súng máy đồng trục L94A1 cỡ 7,62mm có tốc độ bắn 520-550 viên/phút, súng máy L37A2 7.62mm (hoặc cỡ 12,7mm) bên trên tháp pháo, có thể điều khiển từ bên trong xe.
Challenger 2 sử dụng động cơ diesel Perkins CV12 TCA Condor công suất 1.216 mã lực cùng hộp truyền động 8 số và hệ thống treo khí nén, cho phép đạt tốc độ 60km/h trên đường bằng phẳng, có dự trữ hành trình 550km, kíp xe 4 thành viên.
Challenger 2 đã qua thực chiến và được đánh giá cao; Nguồn: forbes.com
Ngoài hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến được số hóa gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính, CR2 còn được tích hợp các hệ thống điện tử hỗ trợ tác chiến.
Từng tham chiến tại Bosnia, Kosovo, Iraq và Afghanistan, CR2 nổi tiếng với độ tin cậy cơ học cao (năm 2003, một số chiếc CR2 đã chịu được hơn 10 lần trúng tên lửa chống tăng mà không bị hạ gục) - là một trong những MTB hiện đại nhất thế giới hiện nay và giữ danh hiệu xe tăng có giáp bảo vệ tốt nhất hành tinh.
Một quyết định gây xốc
Năm 2019, Penny Mordaunt, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố, xe tăng chiến đấu chủ lực Anh đã "lỗi thời" trong chiến tranh hiện đại. Challenger 2 được biên chế mà không trải qua lần nâng cấp lớn nào kể từ năm 1998.
Trong khi đó, Mỹ, Đức và Đan Mạch triển khai hai đợt nâng cấp lớn, Nga cho ra mắt 5 biến thể mới và mẫu thứ 6 đang chờ ra mắt… Hiện tại, giới chức quốc phòng Anh đang xem xét loại bỏ 227 xe tăng chủ lực CR2 kết thúc hơn 100 năm phát triển và triển khai của chính đất nước đã phát minh ra xe tăng.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, loại phương tiện này đã lỗi thời, trong khi tính chất liên tục đổi mới của các biện pháp và phương thức tác chiến đòi hỏi đầu tư quy mô lớn hơn vào vũ khí không gian mạng, các công nghệ vũ trụ và công nghệ tiên tiến khác, cũng như đóng góp trực thăng và binh lính không vận cho bất kỳ lực lượng chiến đấu nào của NATO, trong khi việc hiện đại hóa lại quá đắt đỏ.
Việc cắt giảm lực lượng vũ trang và trang thiết bị quân sự của Anh sẽ được xem xét dựa trên kết quả rà soát, dự kiến hoàn thành vào tháng 11.
Một số chuyên gia cho rằng các trận chiến của thế kỷ 21 dự kiến diễn ra tại khu vực đô thị - nơi vai trò của công nghệ cùng tác chiến trên không gian và chiến tranh thông tin được tăng cường; tương lai thuộc về phương tiện tự hành có hoặc không có người điều khiển; chiến tranh trong thế kỷ 21 sẽ dựa vào năng lực tấn công mạng, cùng với các công nghệ chiến đấu hiện đại và công nghệ không gian , trong khi uy lực của xe tăng đã giảm sút. Nước Anh đang phải lựa chọn giữa hiện đại hóa thiết giáp hay ưu tiên cho hỏa lực và cơ động…
Loại bỏ xe tăng khỏi trang bị có là ý tưởng thức thời?
Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia NATO từ bỏ xe tăng của mình. Năm 2011, Quân đội Hoàng gia Hà Lan đã loại bỏ 60 tăng Leopard 2, cho rằng tương lai thuộc về các phương tiện chiến đấu hạng nhẹ, có thể triển khai nhanh chóng, được thiết kế cho các cuộc xung đột như cuộc chiến chống IS hay Taliban ở Afghanistan.
Người Hà Lan sau đó nhanh chóng hối hận về quyết định này khi Nga tăng cường lực lượng xe tăng hạng nặng. Hiện nay, Hà Lan thuê 18 xe tăng Leopard 2A6M từ Đức và có kế hoạch mua lại nhiều xe tăng hơn cho lực lượng trực chiến của Lục quân.
Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại; Nguồn: wikipedia.org
Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng đang quay lưng với xe tăng, cho rằng họ không còn cần chúng nữa vì tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, chuyển sang khả năng cơ động vì việc mang xe tăng đi khắp thế giới đòi hỏi hỗ trợ vận chuyển và hậu cần rất lớn.
Dù vậy, quân đội Mỹ sẽ vẫn còn đầu tư mạnh vào lực lượng thiết giáp hạng nặng. Thủy quân Lục chiến đã gửi 120 xe tăng M1A1 Abrams đi niêm cất, nhưng các xe tăng của lực lượng này có thể được thay thế bằng loại xe nhỏ hơn, nhẹ hơn với hỏa lực tương tự xe tăng.
Các đơn vị xe tăng của NATO đã đạt được một số thành công trong chiến đấu khi triển khai tới Afghanistan và Bosnia.
Tuy nhiên, những người chỉ trích xe tăng cho rằng đội xe tăng chiến đấu chủ lực của Vương quốc Anh bị thu hẹp là một sự hy sinh hợp lý để giải phóng nguồn vốn cho các phương tiện quân sự dễ sử dụng hơn, chẳng hạn như máy bay phản lực tàng hình F-35, khinh hạm chống ngầm, xe bọc thép Ajax và Boxer nhẹ hơn, và đặc biệt là nhiều đơn vị vệ tinh, phòng không và tác chiến mạng.
Theo chuyên gia quân sự Nga - Đại tá về hưu Alexander Zhilin - rất có thể, quân đội Anh đã nhận ra một điều, các cuộc chiến tranh hỗn hợp đang diễn ra trên khắp thế giới vẫn có hiệu quả ngay cả khi không sử dụng các vũ khí truyền thống.
Ngoài ra, một số quốc gia đang tập trung vào việc chế tạo vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới... Ý định loại khỏi biên chế xe tăng đang nhận được sự phản đối từ một số sĩ quan cấp cao Anh trong đó có Tư lệnh Không quân Stirrup.
Theo một sĩ quan cấp cao khác, Quân đội Anh không có xe tăng sẽ bị các nước NATO coi là “không đáng tin cậy”. Trong thực tế, xe chiến đấu bọc thép vẫn rẻ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu phản lực nhưng khó sử dụng hơn.
Đó là bởi vì rất khó vận chuyển hàng chục chiếc xe nặng 70 đến 80 tấn đến các vùng chiến sự xa xôi và đảm bảo cung ứng cho những con quái vật ngốn xăng với lượng nhiên liệu khủng khiếp này.
Xe tăng chỉ đơn giản là không áp dụng cho các loại hình tấn công tầm xa và các chiến dịch đặc biệt hạng nhẹ mà quân đội phương Tây ưa chuộng ở Trung Đông và Bắc Phi. Đối với các cuộc xung đột cường độ thấp, các phương tiện bọc thép nhẹ hơn thường mang lại hỏa lực tương xứng và kinh tế hơn về mặt chi phí và hậu cần.
Tuy nhiên, có một đấu trường mà MBT khá khó bị thay thế là giúp NATO ngăn chặn đội quân xe tăng hạng nặng đông hơn của Nga ở vùng Baltics.
Ý tưởng loại bỏ xe tăng khỏi trang bị của giới chức quốc phòng Anh liệu có đường đột?; Nguồn: wikipedia.org
Kể từ chiến tranh Arab-Israel 1973, người ta cho rằng, tên lửa chống tăng có lái dẫn đã khiến xe tăng bị mất vai trò. Gần đây nhất, các nhà phân tích chỉ ra các cuộc xung đột ở Lebanon, Syria và Yemen, trong đó cả xe tăng M60 Patton và xe tăng do Nga chế tạo cũ hơn, cũng như xe tăng Abrams, Merkava và Leopard 2 được bọc thép dày hơn đều bị tổn thất nặng nề trước tên lửa chống tăng.
Tuy vậy, các loại vũ khí chống tăng hiệu quả và giá cả phải chăng cũng tồn tại lâu như xe tăng và gây ra tổn thất đáng kể nhưng vẫn không ngăn cản xe tăng đóng vai trò quyết định trong các Thế chiến, các cuộc xung đột Arab-Israel và Ấn Độ-Pakistan.
Bắt đầu từ những năm 1980, khả năng phòng thủ của xe tăng trước tên lửa bắt đầu được cải thiện nhờ các công nghệ bao gồm vỏ giáp composite, giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động có thể làm mồi nhử hoặc thậm chí bắn hạ đầu đạn đang bay tới. Tuy nhiên, những cải tiến này cũng góp phần làm tăng chi phí và trọng lượng của xe tăng.
Các vấn đề hậu cần vốn có khi đưa xe tăng chiến đấu chủ lực ra tiền tuyến không làm thay đổi thực tế là chúng vẫn được yêu cầu cao ở bất cứ nơi nào có khả năng xảy ra chiến tranh ác liệt trên bộ.
Vương quốc Anh có thể làm nên lịch sử một lần nữa khi đánh giá tổng hợp các nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng cho nghỉ hưu đội MBT CR2 của Quân đội nước này. Điều đó có thể khiến Anh có khả năng trở thành cường quốc quân sự đầu tiên từ bỏ hoàn toàn xe tăng chiến đấu chủ lực.
Số phận của các phương tiện chiến đấu bọc thép của Quân đội Anh có liên quan đến những câu hỏi cơ bản về vai trò của Vương quốc Anh trong NATO và các liên minh quân sự trong tương lai.
Quyết định cho nghỉ hưu đội xe tăng Anh về cơ bản là sự thừa nhận của London rằng nước này không còn đủ khả năng duy trì toàn bộ năng lực quân sự và muốn chuyên về các lĩnh vực tác chiến điện tử, trên không và trên biển, là xu hướng của thế kỷ 21.
Điều đó có thể có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế nghèo nàn về quy mô vốn có của đội xe tăng đang thu hẹp của Vương quốc Anh, nhưng rủi ro vẫn là một khi kiến thức thể chế và năng lực bị loại bỏ hoàn toàn, rất khó để có lại nếu cần./.