Khu trục hạm phòng không lớp Iver Huitfeldt là biến thể lớn nhất dựa trên thiết kế lớp Sachsen của Đức với lượng giãn nước đầy tải 6.645 tấn; chiều dài 138,7 m; chiều rộng 19,75 m và mớn nước 5,3 m.
Hiện có tổng cộng 3 khu trục hạm phòng không lớp Iver Huitfeldt đang phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Đan Mạch, chúng được khởi đóng trong giai đoạn 2008 - 2009 và chính thức làm nhiệm vụ từ năm 2011.
Tương tự nguyên mẫu Sachsen của Đức, mặc dù lớn hơn đáng kể nhưng thiết kế của Iver Huitfeldt vẫn rất tiên tiến với nhiều góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ radar và hạn chế bộc lộ trước các thiết bị trinh sát thủy âm.
Tàu được trang bị 4 cụm ống phóng Mk 41 với 32 tên lửa phòng không tầm xa SM-2 Block IIIA và 2 cụm ống phóng Mk 56 chứa 24 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM.
Ngoài ra trên tàu còn có 8 - 16 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon cùng 1 module pháo bắn nhanh Millennium cùng 1 hải pháo Oto Melara cỡ 76 mm.
Tàu còn được tích hợp thiết bị định vị thủy âm tiên tiến, trọng tâm là sonar gắn liền thân Atlas ASO 94, 6 ngư lôi hạng nhẹ MU 90 Impact và mang được 1 trực thăng săn ngầm Lynx hoặc MH-60R.
"Con mắt" của lớp khu trục hạm phòng không này là APAR (Active Phased Array Radar) - loại radar mảng pha quét điện tử chủ động đa năng đầu tiên trang bị cho tàu chiến do Thales Nederland phát triển.
Tổ hợp APAR gồm 4 mảng radar cố định quay về 4 góc cho tương tự như AN/SPY-1 của hệ thống tác chiến Aegis, cho khả năng bao quát 360 độ, mỗi mảng có 324 phần tử thu/phát hoạt động trên băng tần X.
Radar APAR có thể theo dõi đồng thời 200 mục tiêu trên không từ cự ly 150 km và 75 km với mục tiêu mặt nước, dẫn đường cho 32 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.
Bên cạnh APAR là SMART-L (Signaal Multibeam Acquisition Radar for Tracking, L band) - radar cảnh giới tầm xa làm việc ở chế độ thụ động với 16 phần tử phát và 8 phần tử thu và cũng do Thales Nederland phát triển.
Theo công bố của nhà sản xuất, radar cảnh giới SMART-L có tầm hoạt động tối đa lên tới 400 km đối với mục tiêu là máy bay và 65 km đối với tên lửa tàng hình.
Một phần mềm nâng cấp sau đó đã mở rộng phạm vi trinh sát của radar SMART-L lên tới 480 km và nhận diện được tên lửa đạn đạo liên lục địa từ cự ly 1.000 km
Radar SMART-L có khả năng theo dõi cùng lúc 1.000 mục tiêu trên không hoặc 100 mục tiêu mặt nước, con số cực kỳ đáng nể và không có đối thủ trên thế giới.
Nếu kế hoạch mua sắm khu trục hạm phòng không lớp Iver Huitfeldt của Hải quân Indonesia trở thành hiện thực thì quốc gia Vạn đảo sẽ có trong tay phương tiện tác chiến cực kỳ lợi hại, vượt xa các nước ASEAN khác.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-hai-quan-indonesia-vuon-len-hang-dau-dong-nam-a-nho-khu-truc-ham-cuc-manh/803196.antd#p-14