Tàu hộ vệ tên lửa 015 - Trần Hưng Đạo của hải quân nhân dân Việt Nam đã cập cảng Thanh Đảo ngày 21/4, đây là một trong những chiến hạm nước ngoài đầu tiên có mặt tại Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đã dành sự quan tâm khá nhiều đến lớp tàu chiến mặt nước mạnh nhất của hải quân Việt Nam và cho rằng nó có sức mạnh tương đồng với loại Type 056 của họ.
So với cặp Gepard 3.9 đầu tiên mang số hiệu 011 và 012 thì các tàu 015 và 016 được bổ sung năng lực tác chiến chống ngầm, khiến nó trở thành một chiến hạm đa năng đúng nghĩa.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov - dự án 22350 dẫn đầu biên đội chiến hạm gồm 4 tàu hải quân Nga tham dự cuộc duyệt binh trên biển do Trung Quốc tổ chức.
Điều đặc biệt đó là nguyên gốc chiếc Đô đốc Gorshkov mang số hiệu 417, nhưng khi tới Trung Quốc để duyệt binh hải quân thì nó lại được sơn số hiệu mới là 454.
Những chiến hạm thuộc dự án 22350 là lớp tàu chiến mặt nước mạnh nhất được hải quân Nga đóng mới và đưa vào sử dụng từ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.
Một lớp tàu chiến cực kỳ đáng chú ý khác cũng vừa có mặt tại Thanh Đảo, đó chính là khu trục hạm đa năng INS Kolkata số hiệu D63 của hải quân Ấn Độ.
INS Kolkata là lớp tàu chiến mặt nước mạnh nhất do Ấn Độ tự thi công đóng mới trong nước, nó mang trong mình nhiều vũ khí, khí tài có nguồn gốc từ Israel bao gồm radar ELM/2248 MF-STAR và tên lửa phòng không Barak-8.
Chiếc INS Kolkata của hải quân Ấn Độ thường được so sánh với Type 052C của hải quân Trung Quốc do có lượng giãn nước tương đồng, tàu chiến Ấn Độ mạnh hơn về chống hạm nhưng yếu hơn về phòng không.
Khu trục hạm DD-117 Suzutsuki lớp Akizuki của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản là một trong những tàu chiến nước ngoài lớn và mạnh nhất đang có mặt tại Thanh Đảo vào lúc này.
Đây là lớp chiến hạm đa năng rất mạnh do Nhật Bản tự thiết kế và thi công, nó được trang bị các radar mảng pha quét điện tử chủ động quay về 4 góc tương tự như AN/SPY-1 của hệ thống Aegis.
Vũ khí của các khu trục hạm lớp Akizuki rất mạnh và toàn diện, giúp nó đảm trách tốt cả chức năng phòng không, chống hạm lẫn chống ngầm, hệ thống tác chiến điện tử là điểm sáng nhất của con tàu.
Cuối cùng là tàu hộ vệ tên lửa lớp FFX-1 Incheon của hải quân Hàn Quốc, đây là chiếc mang tên Gyeonggi-do số hiệu PF-812 với lượng giãn nước đầy tải 3.200 tấn.
Chi tiết đặc biệt của lớp Incheon đó là nó được hải quân Hàn Quốc đặt đóng mới để thay thế "người tiền nhiệm" - tàu hộ vệ chống ngầm lớp Pohang đang bị loại biên hàng loạt.
Khinh hạm lớp Incheon có dàn vũ khí khá ấn tượng nếu so sánh với lượng giãn nước của nó, khi mang theo tới 16 tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-gepard-39-viet-nam-sanh-vai-cung-dan-chien-ham-hien-dai-tai-trung-quoc/807782.antd