Anh tăng cường ngân sách quốc phòng nhằm hỗ trợ hoạt động tại các vùng biển châu Á.
Động thái của Anh trong vài năm trở lại đây cho thấy nước này đã có sự điều chỉnh chiến lược rất rõ ràng sau khi rời khởi EU, đó là chuyển hướng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những năm qua, khu vực này trở thành chiến lược địa kinh tế và địa chính trị nhận được sự quan tâm của nhiều bên.
Xu hướng hiện thực hóa khái niệm này cũng rất rõ rệt khi Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ đều lần lượt đẩy mạnh động thái chuẩn bị. Các nước châu Âu cũng từng bước chấp nhận khái niệm này, cho rằng nó có thể tạo nên nền tảng quan trọng cho sự ra đời của trật tự thế giới trong tương lai, đồng thời nhận định rằng các bên cần sớm nhập cuộc để chiếm ưu thế.
Một trong những nước hành động nhanh chóng là Pháp khi nước này công bố báo cáo an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019. Đến tháng 9-2020, Chính phủ Đức đã tuyên bố phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sau đó Hà Lan cũng đưa ra chiến lược ở khu vực này.
Việc 3 nước Pháp, Đức và Hà Lan cùng tuyên bố chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho lập trường chung về chiến lược cho khu vực trên.
Mặc dù Anh không chính thức tuyên bố văn kiện chính sách về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng những dàn xếp và động thái của nước này trong vài năm qua cũng không thua kém các quốc gia châu Âu khác.
Brexit đã khiến cho uy tín, danh dự và cảm tình đối với Anh ở khu vực châu Âu bị tổn hại nhưng họ vẫn hy vọng có thể dựa trên danh nghĩa “bên bảo vệ trật tự”, “nước cống hiến cho đồng minh”, “bên trung gian chính nghĩa” hay “bên đối thoại bình đẳng” để thể hiện mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự chuyển hướng này của Anh cũng phù hợp với logic quan trọng “bỏ gần tìm đến xa” của Brexit, phù hợp với quyết sách chính trị khi rời khỏi EU của họ.
Nước Anh từng có một lãnh thổ thuộc địa rộng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện nay, một số “di sản” của nước Anh vẫn còn ở khu vực này, chẳng hạn như quần đảo Diego Garcia quan trọng về mặt chiến lược, hay các vùng lãnh thổ thuộc Anh khác ở Ấn Độ Dương.
Vẫn còn nhiều nước trong khu vực này coi Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia và duy trì quan hệ ngoại giao sâu sắc với Anh. Nước Anh cũng đã tham gia nhiều cơ chế hợp tác an ninh khu vực có lịch sử lâu đời, chẳng hạn như Liên minh Ngũ nhãn hay Hiệp ước phòng thủ chung 5 nước.
Trong vòng 2 năm qua, chủ đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được thảo luận sôi nổi trong giới tinh hoa Anh và Chính phủ Anh cũng đã có những biện pháp thực tế.
Thương mại chính là trọng điểm trong chính sách này. Đáng chú ý, nội hàm đầu tiên của “nước Anh toàn cầu” là một hiệp định thương mại tự do rộng lớn toàn cầu, giúp khôi phục vị thế “quốc gia thương mại vĩ đại” của Anh.
Tăng cường thương mại với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rõ ràng là phương hướng quan trọng, là yếu tố then chốt để Anh mở rộng mạng lưới thương mại, bù đắp tổn thất sau khi rời khỏi EU.
Tháng 6-2020, Anh bày tỏ mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được một số nước thành viên ủng hộ. CPTPP được Anh coi là biện pháp quan trọng để chuyển hướng thương mại sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù lợi ích kinh tế thu được chỉ ở mức hạn chế nhưng Anh hy vọng có thể dựa vào đó để mở cánh cửa thương mại dịch vụ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tham gia xây dựng quy tắc kinh tế khu vực.
Các hoạt động ngoại giao cũng được tiến hành tích cực hơn. Cơ quan ngoại giao Anh đã bố trí chức Vụ trưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ sớm tiến hành bổ nhiệm.
Tổ chức tư vấn chính sách Policy Exchange cũng đề xuất thành lập Ủy ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trực thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Anh và bố trí chức vụ Đặc phái viên của Thủ tướng Anh phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong năm qua, Anh đã đẩy mạnh hoạt động ở khu vực này. Ngoại trưởng Anh Dominique Raab đã có các chuyến thăm tới Australia, Nhật Bản, Singapore và Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Chuyến thăm của Thủ tướng Johnson ban đầu dự định đến thăm Ấn Độ để tham gia lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của nước này dự định diễn ra vào tháng 1-2021 nhưng bị hủy vì đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Anh đang tích cực phấn đấu trở thành đối tác đối thoại chính thức của ASEAN. Nước này cũng đang tận dụng cơ hội đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của G7 vào năm 2021 để mời Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm chuẩn bị cho sáng kiến “10 nước dân chủ”.
Những động thái quân sự cũng diễn ra sôi động. Tháng 9-2018, Anh lần đầu tiên điều động tàu đổ bộ đi vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 1-2019, Anh và Mỹ lần đầu tiên tổ chức tập trận chung ở Biển Đông.
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình tài chính công của Anh chịu ảnh hưởng rất lớn, Bộ Quốc phòng Anh vẫn nhận được 16,5 tỷ bảng đầu tư bổ sung. Khoản đầu tư này chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của Anh tại các vùng biển châu Á.
Tóm lại, việ chuyển hướng của Anh sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có 2 đặc điểm chính: Theo đuổi lợi ích thương mại và phát huy quan hệ với các đối tác truyền thống trong khu vực.
Chỉ có điều, nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề, dù sao cũng là chậm chân hơn thì Anh cần phải tìm ra cho mình một vị thế riêng, nếu không muốn nhạt nhòa ở khu vực đang trở thành tâm điểm của các mối quan tâm như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.