Đạn tên lửa của tổ hợp QRSAM được thiết kế đánh chặn các mục tiêu trên không tầm thấp và trung bình đã tiêu diệt thành công mục tiêu giả lập trong vụ bắn thử.
DRDO phối hợp với các công ty công nghệ quốc phòng nội địa Bharat Dynamics Limited (BDL) và Bharat Electronics Limited (BEL) phát triển QRSAM từ năm 2014 theo đề nghị của Bộ Quốc phòng nước này và thay thế cho chương trình phát triển tên lửa phòng không Maitri hợp tác với Tập đoàn MBDA không đạt được kết quả như mong muốn.
Tổ hợp QRSAM
Theo các thông tin công khai, QRSAM sử dụng một biến thể của tên lửa không đối không tầm trung Astra được nối tầm bằng một động cơ đẩy nhiên liệu rắn và radar bám bắt mục tiêu chủ động.
Tầm bắn của đạn tên lửa Astra sửa đổi này vào khoảng 25 - 30 km. Trong quỹ đạo bay, đạn tên lửa có kết nối với trung tâm điều khiển để hiệu chỉnh đường bay giúp tăng xác suất đánh chặn mục tiêu.
Cơ cấu của mỗi tổ hợp QRSAM là 4 đại đội hỏa lực với hai bệ phóng (6 đạn trên bệ) và một hệ thống radar dẫn bắn đa kênh Pin Multi-Function Radar băng tần X-band cho mỗi đại đội.
Đảm nhiệm chức năng nhìn vòng và cảnh giới của tổ hợp QRSAM là hệ thống radar băng tần C-band BSR (Battery Surveillance Radar). Toàn bộ các thành phần của tổ hợp được đặt trên khung gầm xe vận tải đặc chủng 8x8 Ashok Leyland Super Stallion HMV.
Hình ảnh của bệ phóng tổ hợp QRSAM
Quân đội Ấn Độ dự kiến sẽ chi ra tới 2,1 tỷ USD để mua sắm các tổ hợp QRSAM và đạn tên lửa kèm theo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định thời điểm QRSAM được chính thức trang bị cho Quân đội quốc gia Nam Á này.