Ấn Độ nói mất 300 km vuông đất vào tay Trung Quốc ở Himalaya

Huệ Bình |

Khi quân đội trên dãy Himalaya tập trung cho mùa đông tàn khốc, kết quả của cuộc đụng độ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang trở nên rõ ràng: Trung Quốc đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ từng do Ấn Độ tuần tra.

Theo các quan chức Ấn Độ, mùa hè giao tranh vừa rồi đã chứng kiến Ấn Độ mất quyền kiểm soát đối với khoảng 300 km vuông đất dọc theo địa hình miền núi tranh chấp. Binh lính Trung Quốc hiện ngăn cản các cuộc tuần tra của Ấn Độ trong khu vực có diện tích gấp 5 lần khu Manhattan của Mỹ.

Sáu tháng qua đã vạch ra các chiến tuyến mới trên sa mạc ở độ cao đóng băng, làm gia tăng căng thẳng lên mức cao nhất kể từ khi Ấn Độ và Trung Quốc gây chiến ở khu vực này sáu thập kỷ trước. Quân đội của hai nước hiện đang chuẩn bị giữ vững trận địa của họ ở những địa hình hầu như không có người ở trong những tháng mùa đông, nơi nhiệt độ có thể xuống âm 40 độ C.

Trung tướng D. S. Hooda, cựu tư lệnh Lục quân miền Bắc, người chịu trách nhiệm về một khu vực trải dài trên dãy Himalaya đến đèo cao nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở độ cao 5.540 m, cho biết: "Chúng tôi chưa thấy một đợt triển khai mùa đông nào được mở rộng kể từ cuộc chiến năm 1962. Chúng ta có thể thấy một thời gian căng thẳng kéo dài có thể gây ra những hậu quả không lường trước được".

Mối đe dọa đối với cả hai bên là quyền kiểm soát các tiền đồn chiến lược như đèo Karakoram, chạy từ Ấn Độ vào khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Việc giữ lại tuyến đường thuộc con đường tơ lụa cổ xưa có thể giúp Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với Pakistan, một đồng minh lâu đời, mở ra các hành lang thương mại vào các nước Trung Á, vốn là chìa khóa cho sự thành công của Sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Ấn Độ nói mất 300 km vuông đất vào tay Trung Quốc ở Himalaya - Ảnh 2.

Hãng tin ANI của Ấn Độ hồi tháng 9 công bố những bức ảnh cho thấy binh sĩ Trung Quốc vừa đeo súng vừa cầm dao phay tiến sát đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Đông Ladakh. Ảnh: ANI

Trong khi Ấn Độ tiến hành ít hoạt động ở khu vực biên giới trong nhiều năm sau chiến tranh, trong thập kỷ qua, nước này đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Gần đây, họ mở đường hầm đầu tiên trong số bảy đường hầm ở những phần quan trọng của dãy Himalaya để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của quân đội.

Ngoài ra còn hoàn thành con đường dài 255 km nối một thành phố lớn trong khu vực với đèo Karakoram. Các bãi đáp và sân bay thời thế chiến thứ 2 trên toàn bộ chiều dài của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cũng được tân trang lại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi cơ sở hạ tầng của Ấn Độ là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng.

Cách đèo Karakoram vài trăm km về phía tây nam là Sông băng Siachen - thường được mô tả là chiến trường cao nhất thế giới - nơi binh lính Ấn Độ và Pakistan vẫn ở trong tầm bắn của súng trường của nhau. Một động thái phối hợp của các đồng minh Trung Quốc và Pakistan sẽ khiến Ấn Độ nắm giữ khu vực này trở nên khó khăn hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ Bloomberg năm 2020, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar mô tả tình trạng bất ổn ở biên giới là nghiêm trọng và nói rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành. Ông Jaishankar nói: "Nếu nền tảng của mối quan hệ bị xáo trộn, bạn không thể không biết rằng nó sẽ gây ra hậu quả".

Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ Bipin Rawat lo ngại căng thẳng biên giới leo thang có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn. Tổng tham mưu trưởng ngày 6-11 xác nhận với trang Bloomberg rằng tình hình dọc theo đường kiểm soát thực tế ở Đông Ladakh vẫn còn căng thẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại