Cuối tháng 9-2016, Ấn Độ đã ký với Pháp một thỏa thuận liên chính phủ về thương vụ 36 tiêm kích Rafale (28 chiếc Rafale EH 1 chỗ ngồi và 8 chiếc Rafale DH 2 chỗ ngồi) trị giá tới 8,8 tỷ USD cùng điều khoản New Delhi có thể mua thêm 12 máy bay nữa nếu có nhu cầu.
Không quân Ấn Độ còn nhận thêm những thiết bị và vũ khí đi kèm, trong đó có Meteor - một trong những loại tên lửa không đối không hiệu quả nhất hiện nay - nhưng sẽ sau mỗi đợt bàn giao máy bay khoảng vài tháng.
Yêu cầu trên được đưa ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Pháp để dự lễ tiếp nhận chính thức máy bay Rafale đầu tiên vào đầu tháng 10-2019. Theo ông Singh, Pháp đang cân nhắc đề nghị này.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Không quân Ấn Độ mong muốn phía Pháp sẽ tích hợp trước khoảng 8-10 tên lửa Meteor cho lô 4 chiếc Rafale đầu tiên mà lực lượng này sẽ nhận tại căn cứ Ambala, bang Haryana, Ấn Độ vào tháng 5-2020.
Tiêm kích Rafale của Ấn Độ. Ảnh: Flight Global.
Những tiêm kích Rafale sẽ giúp tạm thời bù đắp nhu cầu về máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ, trong khi chính quyền New Delhi đang bắt đầu các tiến trình triển khai gói thầu mua 114 máy bay trị giá tới hơn 20 tỷ USD. Ngoài ra, phi đội tiêm kích Rafale sẽ dần thay thế các đơn vị Mig-21, Mig-27 sẽ hết niên hạn sử dụng vào năm 2022.
Tên lửa Meteor là sản phẩm của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh với nhà thầu chính là công ty sản xuất quốc phòng châu Âu MBDA, được nghiên cứu phát triển vào những năm 1990 và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Tiêm kích đầu tiên được trang bị tên lửa Meteor là Saab JAS-39 Gripen.
Tên lửa Meteor tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Defence Horizon.
Tên lửa được trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho phép nó đạt tốc độ hành trình tới Mach 4. Điều đặc biệt là động cơ này có thể hoạt động trong môi trường khí quyển lẫn trong môi trường không gian nên tên lửa không cần mang theo nhiều oxy để đốt cháy nhiên liệu hydro lỏng.
Đây cũng là loại tên lửa đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ này.
Theo nhà sản xuất, tên lửa có nhiệm vụ tiêu diệt các loại mục tiêu bay ngoài tầm nhìn thẳng, bất kể ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Tầm bắn tối đa của tên lửa là 185km, độ cao đánh chặn hiệu quả 25km, "khu vực không thể trốn thoát" (NEZ) là 60-100km - lớn nhất trong số các tên lửa không đối không hiện nay.
NEZ là thuật ngữ để chỉ khu vực mà trong đó máy bay đối phương không thể sử dụng tính năng cơ động đơn thuần để tránh tên lửa.