Ấn Độ lập chiến tuyến đối phó Trung Quốc từ Himalaya đến Ấn Độ Dương

Hồng Anh |

Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt động thái quân sự từ khu vực biên giới trên dãy Himalaya đến Ấn Độ Dương, nhằm đối phó Trung Quốc.

Xe lục quân Ấn Độ trong một lần được điều đến vùng Ladakh. Ảnh: Reuters

Xe lục quân Ấn Độ trong một lần được điều đến vùng Ladakh. Ảnh: Reuters

Củng cố tuyến phòng thủ trên dãy Himalaya

Ấn Độ vừa tiến hành một cuộc điều binh “lịch sử” khi triển khai thêm ít nhất 50.000 binh sỹ tới khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, nâng tổng số binh sỹ hiện có lên đến 200.000.

Với đợt triển khai mới nhất này, quân số của Ấn Độ tăng hơn 40% so với thời điểm diễn ra các cuộc đụng độ giữa hai nước tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng điều máy bay chiến đấu đến khu vực biên giới phía bắc và điều tàu chiến tới các tuyến đường biển quan trọng ở Ấn Độ Dương. Động thái trên diễn ra cùng thời điểm hải quân của Ấn Độ và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương .

Các diễn biến mới nhất này cho thấy căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn leo thang, bất chấp việc hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình.

Nguyên nhân nằm ở việc New Delhi cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát các khu vực biên giới, thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, trong đó có các tuyến đường sắt đến và đi từ Tây Tạng hay kết nối với nước láng giềng Nepal.

Ấn Độ cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ khi Washington tìm cách gây sức ép từ nhiều phía với Trung Quốc nhằm kiềm chế tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Giới phân tích đánh giá, Mỹ và Ấn sẽ có lợi ích chung khi bắt tay hợp tác đối phó Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương.

New Dehli từ lâu đã coi tuyến đường thủy này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình, nhưng Trung Quốc thời gian gần đây đã có sự can dự sâu hơn vừa để bảo vệ các hoạt động giao thương của nước này, lại vừa nhằm mục đích gây sức ép.

Chính sách tự chủ chiến lược của Ấn Độ cùng những hoài nghi giữa New Dehli và Washington khiến kịch bản hình thành một liên minh mạnh mẽ chống Trung Quốc ít có khả năng xảy ra.

Ấn Độ đặc biệt cảnh giác trước mối quan hệ chiến lược lâu dài của Washington với Pakistan – đối thủ chính của nước này, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn củng cố sự liên kết với Islamabad để tạo ra hàng rào chiến lược khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Về phần mình, Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng khi Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tuy vậy, hai bên đã tăng cường hợp tác quân sự trong một động thái rõ ràng nhằm đối phó với Trung Quốc. Ngày 23 và 24/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cùng nhóm tàu hộ tống và phi đội máy bay chiến đấu F/A-18 đã tham gia tập trận với tàu chiến và máy bay cường kích phản lực Jaguar của Ấn Độ. Cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển phía Tây Nam Ấn Độ.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận tập trung vào “các bài huấn luyện phòng không nâng cao, vận hành trực thăng trên boong tàu và tác chiến chống tàu ngầm”.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ cho biết đã phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar – 1 trong 7 lãnh thổ liên bang của Ấn Độ, nằm gần Eo biển Malacca - nơi trung chuyển 80% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc.

Ấn Độ Dương - tuyến đầu trong cuộc chiến tranh Lạnh tại châu Á

Mối quan tâm của Bắc Kinh đối với Ấn Độ Dương xuất phát từ mong muốn bảo vệ các tuyến đường thương mại của nước này với Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi. Tuy vậy, sự xuất hiện của tàu ngầm và tàu chiến của nước này trong khu vực đã khiến Ấn Độ lo ngại.

Trung Quốc đã lấy lý do tiến hành các hoạt động chống cướp biển để mở rộng sự hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương và tìm cách kéo dài chiến lược này bằng cách thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi vào năm 2017.

Theo giới phân tích, Ấn Độ Dương, dù có hay không có sự tham gia của Mỹ, sẽ nhanh chóng trở thành tuyến đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh mới tại châu Á. David Scott, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Hàng hải Corbett - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh nhận xét:

“Chiến lược của Ấn Độ đối với Ấn Độ Dương trong những năm 2010 đã gia tăng gấp 3 lần, bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, triển khai các khí tài phô diễn sức mạnh và tăng cường quan hệ với các quốc gia ngày càng lo ngại về Trung Quốc”.

Những quốc gia này chính là các thành viên trong nhóm Bộ Tứ (gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ).

Tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO nhưng Bộ Tứ được xem là liên minh tiềm năng đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ấn Độ cũng là nước đứng ra tổ chức cuộc tập trận thường niên Malabar, nhằm kéo các bên xích lại gần nhau hơn.

Cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, vào năm 2001 Ấn Độ đã thành lập Bộ tư lệnh Andaman và Nicobar nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của nước này ở vùng biển phía đông và đặc biệt để giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.

Hiện, New Delhi đang đàm phán với Australia để được tiếp cận quần đảo Cocos – nằm ở Ấn Độ Dương thuộc lãnh thổ Australia.

Việc tiếp cận quần đảo này sẽ giúp Ấn Độ mở rộng phạm vi hiện diện ở Đông Nam Ấn Độ Dương. Bước tiếp theo của Ấn Độ sẽ đóng 3 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và nâng cấp các căn cứ hải quân.

Còn quá sớm để đánh giá liệu chiến lược đối phó Trung Quốc của Ấn Độ có thành công hay không.

Nhưng rõ ràng, New Delhi đã vạch ra các chiến tuyến từ dãy Himalaya đến vùng biển Ấn Độ Dương. Việc điều động thêm binh sĩ tới khu vực biên giới trong tuần qua cho thấy nước này sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc trong trường hợp xung đột nổ ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại