Ấn Độ hướng Đông và tham vọng bán vũ khí

Ngọc Anh |

Nhờ chính sách hướng Đông, Ấn Độ đang nuôi tham vọng xuất khẩu vũ khí sang các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN.

Hướng Đông để tăng xuất khẩu vũ khí

Theo tờ The Diplomat của Nhật, cuối tháng 10/2013, lần đầu tiên Cơ quan Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cùng ngành công nghiệp nước này tham dự thành công một cuộc triển lãm quốc phòng ADEX 2013 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, đưa ra trình diễn các loại vũ khí mới nhất, hiện đại nhất do Ấn Độ chế tạo.

Đây là cuộc triển lãm diễn ra ngay sau khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ và bán hệ thống phát hiện tàu ngầm và rađa cho hai quốc gia láng giềng là Myanmar và Bangladesh, đồng thời thắng thầu cung cấp 2 tàu khu trục cho Philippines kèm theo dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, huấn luyện quân sự cho một số nước tại khu vực Đông Nam Á.

Theo giới phân tích, chính sách hướng Đông của New Delhi được xem là khá nhạy bén và mang tính thời sự.

Bằng việc tham gia triển lãm nói trên chứng tỏ mối quan hệ Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đang ấm lên, nhất là khi yếu tố Trung Quốc tại các khu vực biển đang đang gây căng thẳng.

Ấn Độ cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội cùng Mỹ và Nga tham gia thị trường vũ khí sôi động ở khu vực, đồng thời là tiền đề giúp lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) vũ khí, khí tài của Ấn Độ phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn mà lâu nay đang ngủ quên, đúng như lời ông Avinash Chander, cố vấn khoa học Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ bên lề triển lãm.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ (MOD), một số hệ thống thiết bị, vũ khí được trưng bày tại Seoul đã và đang quân đội Ấn Độ sử dụng thành công và phát huy tác dụng tốt.

Ví dụ như phiên bản nhỏ gọn hệ thống giám sát ngầm quét mạng sóng âm (HUMSA) của DRDO rất phù hợp các tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống và tàu tuần tra ngoài khơi (OPV).

Hệ thống HUMSA của Ấn Độ đã từng được xuất khẩu sang Myanmar, tăng cường sức mạnh cho các tàu nhỏ OPV mới và tàu khu trục có kích thước khiêm tốn.

Ngoài các HUMSA, Ấn Độ còn cung cấp cho Myanmar các trang thiết bị khác như hệ thống BEL-built RAWL-02 Mk III L-band 2D dò tìm radar định vị thương mại để lắp trên các tàu khu trục lớp Aung Zeya trang bị các loại vũ khí của Nga và Trung Quốc, trong đó có cả tên lửa chống tàu Kh- 35 Uran của Nga.

Sản phẩm vũ khí của Ấn Độ đang được xem là "đắt khách" với Myanmar và Bangladesh, nhất là trong bối cảnh Myanmar đang chạy đua với Bangladesh, tranh chấp khai thác khí đốt tại vịnh Bangal hồi năm 2008.

Sự kiện trên được xoa dịu nhờ sự can thiệp của Trung Quốc, nhà thầu cung cấp các thiết bị chính cho cả hải quân Myanmar lẫn Bangladesh.

Và cũng từ đây, cả hai nước đều nhận ra sự hai mặt của Trung Quốc nên đã đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời hạn chế sự lệ thuộc và tránh xa hiểm họa lâu dài phía Trung Quốc tạo ra. Vì vậy vũ khí của Ấn Độ được xem là ứng cử viên hàng đầu cũng như trong tương lai gần, giá cả phải chăng, hợp với ngân sách của các quốc gia ASEAN.

Vũ khí Ấn Độ ngày càng có giá tại thị trường châu Á

Trong chuyến thăm đến Ấn Độ tháng 7/2013, Phó Tư lệnh hải quân Myanmar, Đô đốc Thura Thet Swe đã trực tiếp đề nghị Ấn Độ hỗ trợ các tàu tuần tra và hộ tống, cung cấp thiết bị cảm biến hải quân và thiết bị quân sự khác để tăng cường sức mạnh cho hải quân Myanmar, đồng thời hợp tác cùng Ấn Độ tiến hành tập trận tại vùng Vịnh Benagal và đảo Coco mà từ lâu Ấn Độ tình nghi có tàu do thám SIGINT của Trung Quốc lởn vớn tại khu vực này.

Ấn Độ hướng Đông và tham vọng bán vũ khí - Ảnh 3.

Xưởng sửa chữa, đóng tàu của hải quân Ấn Độ.

Riêng Myanmar lại muốn có một hạm đội hải quân và các thiết bị cảm biến tối tân hơn hải quân Bangladesh có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cùng với việc bán vũ khí cho Myanmar và Bangladesh, với cuộc triển lãm ở ADEX 2013 và những chuyến thăm của các quan chức ĐNA đến Ấn Độ đã mở ra một cơ hội hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia trong khu vực.

Ngay cả Philippines cũng đang có kế hoạch hiện đại hóa hải quân để đối phó với các tranh chấp tại biển Đông.

Trong chuyến thăm Manila mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid được cho là đã thảo luận về khả năng cung cấp 2 tàu khu trục cho hải quân Philippines. Dựa án tiếp tục được thảo luận trong cuộc họp của Ủy ban Hợp tác Quốc phòng Philippines - Ấn Độ (JDCC) được tổ chức tại New Delhi sau đó.

Hai tàu khu trục nói trên thuộc loại nhỏ, trang bị tên lửa hành trình chống tàu ngầm tầm ngắn (khoảng 6 km) và tên lửa đối không (SAM). Hồ sơ dự thầu của Philippines cho 2 tàu khu trục đã quy định thời gian chế tạo 1460 ngày, hoặc 48 tháng.

Đây là tiêu chí khá ngặt nghèo nhưng Ấn Độ hoàn toàn có thể đáp ứng được cho dù phải hợp với bên thứ ba nước ngoài.

Ngoài các loại vũ khí truyền thống, Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cùng với tàu chiến bề mặt cho các nước ASEAN. Tuy nhiên, ngoài những vấn đề có liên quan đến thiết bị do Nga chế tạo, thì vấn đề kinh phí cũng là yếu tố quan trọng.

Ấn Độ hướng Đông và tham vọng bán vũ khí - Ảnh 4.

Tàu khu trục INS Sahyadri (F49) vừa được biên chế cho hải quân Ấn Độ.

Ví dụ như hải quân Philippines đang tìm kiếm các hợp đồng vũ khí giá rẻ nhưng lại đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp của các đối tác trong ASEAN.

Nga có nhiều thuận lợi hơn bởi đã từng thâm nhập và xuất ât khẩu tên lửa Yakhont/Onyx và tên lửa hành trình BrahMos cho một số quốc gia trong khu vực và nay Ấn Độ muốn xuất khẩu loại vũ khí này họ phải tìm kiếm sự tương thích để giảm chi phí cho khách hàng, kể cả chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng.

Tại triển lãm ADEX 2013, gian hàng của DRDO được dư luận quan tâm với nhiều thế hệ vũ khí hiện đại.

Điều này cho thấy quan điểm "hướng Đông" của Ấn Độ là rất cụ thể, một mũi tên "bắn trúng nhiều đích", giúp Ấn Độ khẳng định bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tăng cường kiểm soát xuất khẩu vũ khí như đề cập trong công ước Waasenaar Arrangement, tăng cường mối quan hệ quốc phòng với các quốc gia ASEAN và xa hơn là cùng các nước ASEAN bảo vệ an ninh biển đảo trong bối cảnh rối ren như hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại