Gần đây, tàu tuần dương tên lửa USS Antietam (CG 54), lớp Ticonderoga đã mắc cạn tại vịnh Tokyo.
Tuy nhiên, theo trang mạng We are the Mighty, đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ gặp sự cố kiểu này. Từng có một số vụ việc nghiêm trọng hơn xảy ra trước đây.
(We are the Mighty là một trang web chuyên về thông tin giải trí và đời sống của cộng đồng quân đội Mỹ. Facebook của trang này hiện có gần 1 triệu lượt like).
1. USS Guardian (MCM 5)
Tàu quét mìn MCM-5 tại vị trí mắc cạn. Ảnh: Hải quân Mỹ
Đây là một tàu quét mìn thuộc lớp Avenger. MCM 5 bị mắc cạn tại đá Tubbataha, biển Sulu, Philippines vào ngày 17/1/2013. Hải quân Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng Bảo vệ bờ biển và Hải quân Philippines để giải quyết sự cố mà không gây tổn hại đến môi trường.
Cuối cùng, họ buộc phải tháo dỡ con tàu ngay tại chỗ để không gây tác động xấu đến môi trường biển, chấm dứt quá trình hoạt động 23 năm qua của nó. MCM 5 là tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ bị phá hủy do tai nạn kể từ vụ mất tích của tàu ngầm USS Scorpion (SSN 589) vào năm 1968.
2. Thảm họa Honda Point
7 tàu khu trục mắc cạn cùng lúc, sự cố hy hữu và tồi tệ nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ
7 chiếc tàu khu trục Mỹ đã cùng gặp nạn trong một ngày.
Theo website của Bộ Tư lệnh di sản và lịch sử hải quân Mỹ, vào tối ngày 8/9/1923, một lỗi điều hướng nghiêm trọng đã khiến 7 tàu khu trục cùng đâm vào bãi đá ngầm ở Honda Point (cách Santa Barbara, bang California vài kilomet về phía bắc) ở tốc độ 20 hải lý/giờ.
Vụ việc đã khiến 23 thủy thủ thiệt mạng. 7 tàu khu trục cùng lớp Clemson khi đó mới được Hải quân Mỹ đưa vào sử dụng khoảng 5 năm.
3. USS Decatur (DD 5)
USS Decatur trong một thử nghiệm trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ
Vụ mắc cạn này không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng đến sự nghiệp của sĩ quan chỉ huy tàu. Theo một bài viết đăng trên Military Review năm 2004, tàu khu trục USS Decatur đã mắc cạn tại một bãi bồi ở Philippines vào ngày 7/7/1908.
Tàu được kéo ra khỏi vị trí mắc cạn vào ngày hôm sau. Đô đốc Chester W. Nimitz, sĩ quan chỉ huy tàu nộp đơn từ chức và phải hầu tòa. Ông bị kết tội bỏ bê nhiệm vụ.
Tuy nhiên, may mắn là sự nghiệp của Chester W. Nimitz đã không kết thúc như vậy. Sau này, ông trở thành Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
4. USS Port Royal (CG 73)
Tuần dương hạm CG-73 mắc cạn gần cầu cảng ở Trân Châu Cảng. Ảnh: Hải quân Mỹ
Một vài sự cố mắc cạn khiến Hải quân Mỹ không biết giấu mặt vào đâu, chẳng hạn như trường hợp của tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Port Royal (CG 73), lớp Ticonderoga.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ năm 2009, con tàu đã bị mắc cạn khi cách một trong những đường băng tại sân bay quốc tế Honolulu khoảng nửa dặm. Vì thế, khách du lịch khi đến sân bay đã có dịp chứng kiến một cảnh tượng lạ trong vòng vài ngày.
5. USS Hartford (SSN-768)
Ảnh chụp thiệt hại nghiêm trọng đối với tàu ngầm SSN-768 sau khi mắc cạn. Ảnh: Hải quân Mỹ
Ngày 25/10/2003, SSN-768, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ đã bị mắc cạn ngoài khơi đảo Sardinia.
Sự cố khiến mái vòm sonar, bánh lái và một số thiết bị điện tử khác trên tàu hỏng nặng. Theo thông báo của Hải quân Mỹ năm 2004, để sửa chữa tàu, họ phải vận chuyển các thiết bị cần thiết từ Louisiana tới Bahrain.
213 thợ lặn được điều động để khắc phục tạm thời các thiệt hại, giúp tàu tự trở về cảng nhà ở Norfolk với một nửa tốc độ tiêu chuẩn.
"Vận đen" của Hartford chưa dừng lại ở đó. 6 năm sau, nó lại xảy ra va chạm với tàu đổ bộ trực thăng USS New Orleans (LPD 18).