Ấn Độ gấp rút tìm phương án thay thế tiêm kích MiG-21

Anh Tuấn |

Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây đã gửi thư yêu cầu đến các hãng sản xuất máy bay trên thế giới tham gia đấu thầu hỗ trợ nước này sản xuất một loại máy bay chiến đấu nội địa mới.

Các hãng sản xuất máy bay sẽ được mời gửi những đề xuất khác nhau, trong đó bao gồm kế hoạch chuyển giao công nghệ chế tạo máy bay, từ lâu là một trong những điều kiện khó thỏa mãn nhất khi hợp tác với Ấn Độ. Lực lượng không quân nước này hiện đang cần khoảng 300 máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới.

Ấn Độ gấp rút tìm phương án thay thế tiêm kích MiG-21 - Ảnh 1.

Ấn Độ đang có mong muốn được các hãng nước ngoài chuyển giao công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu

Theo chỉ huy Không quân Ấn Độ Arup Raha, Ấn Độ đã nhận được đề nghị từ các hãng Lockheed Martin, Boeing và Saab để sản xuất lần lượt các máy bay F-16, phi cơ F/A-18 Super Hornet và Gripen E ở Ấn Độ.

“Tất cả các máy bay trên đều có khả năng chiến đấu cao, vì vậy hãng nào có thể cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ tốt nhất cũng như có giá hợp lý sẽ thắng thầu. Cơ hội của các hãng là ngang nhau”, ông Raha cho biết.

“Đây sẽ không đơn thuần chỉ là sản xuất có giấy phép các máy bay chiến đấu của hãng, mà sẽ là một cuộc chuyển giao công nghệ hoàn toàn. Chúng tôi mong rằng Ấn Độ có thể trở thành một trung tâm sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa và cải tạo các máy bay chiến đấu cho các nước trong khu vực”, ông nói thêm.

Trước đây, hai tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ gồm Boeing và Lockheed Martin đều thua cuộc khi tham gia đấu thầu trong khuôn khổ dự án máy bay chiến đấu đa chức năng của Ấn Độ vào năm 2011.

Khi đó, New Delhi đã chọn hãng Dassault Aviation của Pháp và có mong muốn sản xuất máy bay Rafale của hãng này trong nước. Tuy nhiên, dự án này đã bị hủy bỏ vào tháng 7/2015 sau nhiều năm đàm phán không có kết quả. 

Cuối cùng, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 36 máy bay Rafale có sẵn của hãng Dassault vào tháng 9 vừa qua. Tổng trị giá của hợp đồng này vào khoảng 7,87 tỉ euro (tương đương 8,7 tỉ USD).

Saab cũng đã có cuộc trao đổi với hãng máy bay Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ để cùng phát triển phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Tejas Mark-I, mang tên Mark-IA. 

“Chúng tôi có thể bắt đầu sản xuất loại máy bay này vào khoảng năm 2020-2021 và hi vọng rằng trong vòng 5 đến 7 năm sau đó, chúng tôi sẽ có 80 phi cơ Tejas Mark-IA”, ông Raha cho biết.

Không quân Ấn Độ có kế hoạch đưa vào sử dụng 20 máy bay Tejas Mark-I vào đầu năm 2018, song dự án chế tạo đã nhiều lần bị trì hoãn và thư mời thầu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho thấy Không quân Ấn Độ sẽ không phụ thuộc vào một mình máy bay Tejas để thay thế các phi cơ MiG-21 của mình.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại