Theo thông báo từ phía Nga thì việc đàm phán sẽ được bắt đầu vào mùa Đông năm nay tại Ấn Độ và hiện tại công việc mới chỉ ở giai đoạn đầu. Số lượng, phiên bản cũng như nơi đóng tàu Gepard cho New Delhi vẫn chưa được quyết định.
Có một chi tiết cần lưu ý đó là thực ra không phải bây giờ Ấn Độ mới tỏ ý quan tâm đến chiếc Gepard, mà nhiều thông tin cho biết vào đầu thập niên 2000 họ đã tiến hành một số hoạt động khảo sát, đánh giá tính năng của lớp tàu này.
Nhưng sau đó trước yêu cầu nhanh chóng đưa hải quân vươn tới các vùng biển xa và ngành đóng tàu nội địa nhận kỳ vọng rất lớn mà Ấn Độ đã bỏ qua chiếc Gepard, họ đặt hàng Nga chế tạo khinh hạm lớp Talwar - Dự án 11356 và đóng trong nước khu trục hạm P17 Shivalik cùng với lớp tàu hộ vệ săn ngầm P28 Kamorta đều có lượng giãn nước vượt trội.
Khu trục hạm INS Satpura (F48) lớp Shivalik (P17) của Hải quân Ấn Độ
Đáng tiếc rằng sau giai đoạn phát triển nóng ban đầu, ngành đóng tàu nội địa Ấn Độ đang chững lại, thậm chí còn có dấu hiệu tụt lùi khi họ liên tiếp phải "khất lần" ngày bàn giao tàu chiến đóng mới cho hải quân. Trong khi đó, số lượng chiến hạm nghỉ hưu vẫn ngày một gia tăng, dẫn tới thiếu hụt lực lượng chiến đấu.
Thậm chí mọi việc còn trở nên tồi tệ hơn khi mới đây một sự cố hy hữu lại xảy ra tại Nhà máy GRSE - cơ sở sản xuất chính của họ, khi chiếc cần cẩu siêu trọng bị đổ sập và gây hư hại nặng nề cho một khu trục hạm P17A của hải quân nước này đang trong quá trình thi công.
Việc khắc phục hậu quả dự báo sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi đối thủ chính của Ấn Độ là Trung Quốc vẫn tăng cường bành trướng xuống Ấn Độ Dương, trong tình cảnh này thì lựa chọn một lớp tàu hộ vệ có lượng giãn nước trung bình để hoạt động ở vùng biển gần nhằm cấp tốc lấp khoảng trống có thể xem như một giải pháp hợp lý.
Hiện trường vụ cần cẩu siêu trọng bị sập tại Nhà máy GRSE và gây hư hại nghiêm trọng chiến hạm P17A của Hải quân Ấn Độ
Với những điều kiện thực tế trên, Ấn Độ đã buộc phải quay lại với lớp chiến hạm mà năm xưa chính họ đã từng quay lưng. Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng New Delhi bị thuyết phục bởi hiệu suất hoạt động tin cậy của chiếc Gepard trong biên chế Hải quân Việt Nam, cũng như uy lực mạnh của các tàu Gepard nội địa trong Hạm đội Caspian của Hải quân Nga.
Còn nhớ, trong năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng lớp Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam đã vượt gần 5.000 hải lý từ biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương để tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam (Ấn Độ).
Đây là lần đầu tiên một tàu hải quân Việt Nam thăm Ấn Độ. Chuyến thăm này có ý nghĩa lớn đối với mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ.
Sự tham gia của một tàu hải quân Việt Nam vào Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế, mặc dù về bản chất chỉ là một nghi thức, nhưng qua đó, Hải quân Ấn Độ lần đầu tiên có dịp được chứng kiến năng lực hoạt động của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 hiện đại của Việt Nam, qua đó ít nhiều có những đánh giá tích cực về hiệu quả hoạt động của lớp tàu này.
Và với các lý do trên, việc Ấn Độ sớm đặt mua Gepard là điều không có gì phải ngạc nhiên.
Nếu không xuất hiện diễn biến quá bất ngờ thì với tiềm lực tài chính và tham vọng của mình, Ấn Độ sẽ đặt hàng Nga đóng mới phiên bản nâng cấp mới nhất của tàu Gepard 3.9 nhưng sẽ tiến hành một số sửa đổi nhỏ như thay thế bệ phóng đa năng UKSK của tên lửa chống hạm siêu âm Kalibr bằng BrahMos, hay thay thế pháo AK-176MA bằng loại Oto Melara Super Rapid...
Nếu Ấn Độ đặt đóng mới tàu Gepard 3.9, ước chừng số lượng sẽ không dưới 6 chiếc, điều này có tác dụng giúp giảm giá thành chế tạo khi chi phí nghiên cứu được phân bổ cho nhiều sản phẩm, đây có thể xem như điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nếu chúng ta quyết định mua thêm 1 cặp Gepard 3.9 nữa.
Tuy nhiên cũng có một vấn đề cần lưu tâm đó là Nga thường ưu tiên hoàn thành đơn hàng cho những đối tác có nhiều tiền trước, do vậy sẽ ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao tàu cho Hải quân Việt Nam.
Khu trục hạm (tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn) INS SAHYADRI (F49) - P17 của Hải quân Ấn Độ