Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 8-11, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Đoàn kiểm tra gồm đại diện các Bộ: Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo kết quả kiểm tra, Vinastas không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch trong vụ khảo sát nước mắm.
“Theo thông tin do Vinastas cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy không bảo đảm tính độc lập như quy định tại điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra chỉ rõ.
Tuy nhiên, với kết quả trên, nhiều DN ngành nước mắm cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm đến nơi đến chốn. Ngày 10-11, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc DNTN Chế biến thực phẩm Hạnh Phúc (TP Hồ Chí Minh) cho biết:
“Cộng đồng DN chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải làm rõ vụ việc để giải tỏa cho người tiêu dùng (NTD), đồng thời ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Nếu vụ việc không được giải quyết đến nơi đến chốn thì sợ rằng tình trạng này sẽ tái phát.
Xét về mặt vật chất, hành vi của Vinastas không chỉ ảnh hưởng đến DN sản xuất mà còn gây thiệt hại cho nông dân và đặc biệt là ảnh hưởng chung đến kinh tế.
Còn về tinh thần, nước mắm truyền thống vẫn luôn xứng đáng được bảo tồn và phát triển vì đây là sản phẩm “quốc hồn, quốc túy”, không thể thiếu được trong bữa ăn hằng ngày của người Việt.
Trong khi đó, nhưng thông tin bất lợi trong thời gian qua đã thật sự làm mất uy tín của ngành sản xuất nước mắm truyền thống không chỉ trong nước và cả ngoài nước”.
Là đơn vị có hai sản phẩm có tên trong danh sách nhiễm asen của Vinastas, ông Hùng cho biết, ngay khi Vinastas công bố kết quả, khách hàng gọi điện đến công ty phản ánh, thậm chí đòi trả lại sản phẩm, doanh thu bán hàng của DN vì thế giảm đến gần 40%.
Hiện cơ quan chức năng đã có kết luận, nhưng việc kinh doanh của DN chưa thể phục hồi trở lại như trước.
“Trong việc này, một phần lỗi là do cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc quá chậm. Thạch tín thì đã có quy định rồi, chỉ cần xác minh thông tin thạch tín hữu cơ hay vô cơ là ra vấn đề rồi”, ông Hùng cho biết.
Ông Trần Hữu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Bảy Hồng Hạnh (sản phẩm nước mắm nhãn hiệu Hồng Hạnh) cho rằng, sau khi thông tin về asen trong nước mắm được công bố thì ngay lập tức việc kinh doanh của công ty bị chựng lại.
Khách hàng đề nghị công ty tạm thời ngưng cung cấp hàng. Chỉ sau khi nhiều nhà khoa học lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch, giải thích rõ asen hữu cơ trong nước mắm vẫn an toàn, các đại lý mới tạm yên tâm.
“Người dân ở các thành phố lớn có điều kiện cập nhật thông tin, kiến thức nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Nhưng còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, NTD còn thiếu thông tin nên vẫn còn rất hoang mang, đó là khó khăn của DN".
“Là hội viên Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, không riêng DN tôi mà tất cả các DN hội viên đều mong muốn các bộ, ngành làm sáng tỏ vấn đề để các DN đều bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, rõ ràng minh bạch.
Các DN hội viên cũng đã đề đạt nguyện vọng này với Hội để Hội có cơ sở làm việc với cơ quan chức năng”, ông Hiền bộc bạch.
Trở lại nhiều làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống tại khu vực Nam Trung Bộ, PV Báo CAND cũng ghi nhận thái độ bức xúc của các chủ cơ sở, doanh nghiệp.
Tại Gành Đỏ - làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng nằm trên con đường xuyên Việt qua địa phận phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), chúng tôi gặp ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở chế biến nước mắm Tân Lập.
Ông Cảnh cho biết từ bao đời nay, ngoài nguyên liệu cá cơm, muối và kỹ thuật, những cơ sở chế biến nước mắm ở đây không sử dụng, pha chế bất kỳ loại phụ gia nào khác.
Hàng loạt cơ sở ở đây gắn với thương hiệu: Ông Già, Bà Mười, Vạn Tín, Thanh Hải, Thanh Tân, Bà Bảy, Thanh Thủy… cũng thế.
Tại làng nghề này, chỉ tính riêng gần 10 cơ sở chế biến nước mắm có đăng ký thương hiệu, tiêu chuẩn đo lường chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi năm một cơ sở đưa vào ướp chượp từ 150-200 tấn cá cơm với tổng sản lượng khoảng 150 ngàn lít nước mắm, sản phẩm chế biến cung cấp nhiều nơi trong nước nhưng chưa bao giờ người tiêu dùng chê trách, chưa cơ sở nào vi phạm về tiêu chuẩn đo lường, an toàn vệ sinh thực phẩm bị các cơ quan chức trách xử lý.
“Sản phẩm của làng nghề truyền thống chúng tôi đã được du khách xuôi Nam ngược Bắc tiêu dùng lâu đời, thế nhưng trước thông tin nước mắm có hàm lượng thạch tín từ phía Vinastas đã khiến cho nhiều DN, cơ sở sản xuất vấp phải khó khăn, NTD lo ngại.
Từ Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… nhiều khách hàng “ruột” của thương hiệu nước mắm Tân Lập đã điện thoại chia sẻ thông tin nêu trên, khiến cho tôi bức xúc”, ông Cảnh cho biết.
Theo ông Cảnh, bất kỳ một cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nào có hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm đó tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải công bố kết quả kiểm tra, biện pháp xử lý.
Ngược lại, hành vi công bố nước mắm nhiễm asen không có chứng cứ khoa học, tung tin sai sự thật nhằm mục đích cạnh tranh thị trường sản phẩm không lành mạnh… cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe NTD.
“Hiện chúng tôi cũng rất muốn biết là ai đứng đằng sau giật dây cho Vinastas làm điều đó”, ông Cảnh bức xúc.
Như Báo CAND đã thông tin, sau khi Vinastas công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm trên toàn quốc thì có đến 67,33% mẫu kiểm nghiệm có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép đã xảy ra "làn sóng" phản ứng dữ dội trong DN và người tiêu dùng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-10-2016, Bộ Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đồng thời lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.
Kết quả, không phát hiện thành phần asen độc hại (asen vô cơ) trong sản phẩm; không phát hiện nước mắm làm từ nước và hóa chất. Nước mắm sản xuất truyền thống đã được giải oan.