IS khuất phục ác điểu Mỹ
Đoạn video được công bố dài khoảng 50 giây được cho là xảy ra hôm 21/11 đã ghi lại cảnh chiếc MQ-9 Reaper mất độ cao và lao nhanh xuống đất tại địa điểm chưa được xác định gần khu vực Mosul, Iraq. Dù khoe chiến tích của mình nhưng IS không hề tiết lộ loại vũ khí đã thực hiện vụ bắn hạ nói trên.
Được biết, đây là lần thứ 2 từ đầu năm 2016 khủng bố IS đã bắn hạ MQ-9 Reaper và là lần thứ 3 loại UAV này bị bắn hạ khi tham chiến tại Trung Đông. Theo xác nhận của Không quân Mỹ ngày 5/7, một chiếc MQ-9 Reaper bất ngờ bị rơi khi đang làm nhiệm vụ chống IS tại Syria.
Không quân Mỹ xác nhận, vụ việc xảy ra vào ngày 5/7 tại miền Bắc Syria khi chiếc MQ-9 Reaper đang làm nhiệm vụ tiêu diệt khủng bố IS. Đồng thời với xác nhận về vụ việc, Không quân Mỹ cho biết chiếc máy bay này không bị bắn rơi, song nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra.
Đại diện Không quân Mỹ cũng cho biết thêm, ngay sau khi chiếc MQ-9 Reaper gặp sự cố, máy bay của liên quân đã thực hiện không kích để phá hủy chiếc UAV này để không để rơi vào tay phiến quân IS. Tuy nhiên trái với thông tin từ Mỹ, lực lượng khủng bố này khẳng định rằng chiếc MQ-9 Reaper rơi là do các tay súng của họ bắn hạ.
Được biết, hồi tháng 2/2016, một chiếc MQ-9 Reaper cũng bất ngờ bị rơi ở Nam Afghanistan khi tham gia nhiệm vụ chống khủng bố. Reuters dẫn tuyên bố của Đại úy Bryan Bouchard thuộc Phi đội Viễn chinh 455 của Không quân Mỹ cho biết, chiếc MQ-9 Reaper rơi ở miền Nam Afghanistan vào tối 20/2 và không có thương vong trên mặt đất.
Chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc từ năm 2014, tuy nhiên Mỹ vẫn thực hiện nhiều đợt không kích bằng UAV và một số máy bay khác ở Afghanistan, nhằm vào Al-Qaeda, IS và Taliban.
Ngoài ra, hồi đầu năm 2015, một chiếc UAV loại này cũng bất ngờ gặp nạn gần căn cứ không quân Ali Al Salem của Mỹ tại Kuwait. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân khiến chiếc MQ-9 gặp nạn vẫn không thực sự rõ ràng.
Tuyên bố của Syria
Trước khi chiếc MQ-9 Reaper gặp nạn tại Syria, hồi đầu năm 2015, lực lượng phòng không Syria vừa gây bất ngờ khi bắn hạ một chiếc UAV do thám của Mỹ trên bầu trời tỉnh Latakia - tỉnh quan trọng ở Tây Bắc Syria, nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Dù nguồn tin không cho biết loại UAV nào bị Syria bắn hạ nhưng ngay sau đó, Mỹ đã công khai thông báo họ đã mất liên lạc với một máy bay MQ-1 Predator không vũ trang. Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết máy bay cất cánh từ một căn cứ tại Thổ Nhĩ Kỳ và xác nhận nó đang bay ở Latakia.
Vì vậy gần như chắc chắn rằng chiếc UAV bị bắn hạ là Predator bởi theo hãng AP đưa tin trước đó, Mỹ đã quyết định triển khai các máy bay do thám bao gồm cả MQ-1 Predator tại Syria nhằm mục đích dò tìm và tấn công phiến quân IS.
Khi trả lời câu hỏi Mỹ có thông báo cho phía Syria về kế hoạch do thám hay không, các quan chức Nhà Trắng tiết lộ Washington không hề có ý định thông báo cho chính quyền Syria về các chuyến bay do thám.
Ngay sau tuyên bố của người đứng đầu Nhà trắng, đại diện cấp cao của quân đội chính phủ Syria khẳng định, lực lượng phòng không nước này sẽ bắn hạ bất kỳ chiếc UAV nào tiến vào không phận nước này mà chưa nhận được sự đồng ý từ Damascus.
Theo thông tin được Mỹ công bố ngoài khả năng do thám, chiếc MQ-1 Predator có thể được trang bị nhiều loại tên lửa khác nhau để tấn công các mục tiêu mặt đất và không chiến. Chiếc MQ-1 Predator đầu tiên được Mỹ triển khai từ năm 1995 nhưng phải đến năm 2001 phiên bản trang bị vũ khí mới chính thức hoạt động.
MQ-1 Predator có chiều dài 8,22 m, sải cánh từ 14,8 - 16,8 m, cao 2,1 m. Về khả năng hoạt động, MQ-1 Predator đạt tốc độ tối đa 217 km/h, tầm bay 1.100 km và trần bay 7,6 km. Thông thường, loại UAV này có thể bay liên tục trong 24 giờ mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
MQ-1 Predator có thể mang theo 2 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire (tầm bắn 8 km), hay 4 tên lửa đối không AIM-92 Stinger (tầm bắn 4,5 km), hoặc 6 tên lửa đối đất AGM-175 Griffin dẫn đường bằng laser hoặc vệ tinh (tầm bắn 20 km).
Với đặc tính kỹ thuật của mình, MQ-1 Predator sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với những mục tiêu nó hướng đến. Tuy nhiên chỉ với trần bay 7,6 km và tốc độ 217 km/h, vì vậy không quá khó hiểu vì sao Syria đã thực hiện vụ bắn hạ này ngay cả khi Mỹ không hề thông báo về những chuyến bay do thám trên bầu trời Syria.