Sự hiện diện của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio tại thành phố cảng Busan của Hàn Quốc đã được Bộ Quốc phòng nước này thông báo vào chiều qua (18/7).
Tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) lớp Ohio xuất hiện ở Hàn Quốc giữa lúc điều phối viên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell đang tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm Tư vấn Hạt nhân (NCG) tại Seoul.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.
NCG là một ủy ban chung của Mỹ và Hàn Quốc được thành lập sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi tháng 4 năm nay.
Sự xuất hiện của SSBN lớp Ohio diễn ra sau một giai đoạn căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa và đe dọa bắn hạ máy bay trinh sát quân sự của Mỹ mà nước này cho là đang tiến hành các hoạt động "gián điệp thù địch" gần lãnh thổ của họ,
Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là một quan chức cấp cao của Triều Tiên hôm 17/7 tuyên bố, việc triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới bán đảo sẽ làm hỏng các đường dây liên lạc vốn đã bị rạn nứt giữa hai bên.
"Các đề nghị đàm phán của Mỹ chỉ là thủ đoạn. Họ ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể đạt được mục tiêu giải trừ quân bị. Việc Mỹ mở rộng hành động răn đe sẽ chỉ ngày càng đẩy Triều Tiên ra xa bàn đàm phán", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời bà Kim Yo Jong cho hay.
"Chúng tôi sẵn sàng đáp trả nghiêm khắc bất kỳ hành động nào vi phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, đe dọa hạnh phúc người dân và phá hủy hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng nên dừng những hành động có thể đe dọa an ninh của họ thông qua việc khiêu khích chúng tôi", bà Kim Yo Jong nói thêm.
Tàu ngầm có thể mang 80 đầu đạn
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tối đa 20 tên lửa đạn đạo Trident II. Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin ước tính, mỗi tên lửa Trident có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân, nghĩa là mỗi tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể mang tới 80 đầu đạn hạt nhân.
Chuyến cập cảng lần này của SSBN Mỹ nằm trong thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khi họ gặp nhau tại thủ đô Washington tháng 4/2023. "Tuyên bố Washington" bao gồm một loạt biện pháp nhằm khiến Bình Nhưỡng phải suy nghĩ kỹ nếu có ý định tiến hành một cuộc tấn công vào nước láng giềng.
"Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta [Mỹ và Hàn Quốc – ND] là sắt thép và bao gồm cam kết của chúng ta trong việc mở rộng khả năng răn đe – và điều đó bao gồm mối đe dọa hạt nhân, khả năng răn đe hạt nhân", Tổng thống Biden nói vào thời điểm đó.
Nhóm Tư vấn Hạt nhân (NCG) cũng đã ra được ra mắt sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Yoon.
Trong một tuyên bố chung hôm 18/7, hai đồng minh cho biết NCG sẽ tăng cường "tư thế phản ứng và răn đe kết hợp".
"Do đó, sức mạnh tập thể của hai quốc gia chúng ta sẽ trực tiếp đóng góp vào hòa bình và ổn định liên tục trên Bán đảo Triều Tiên và trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," tuyên bố có đoạn.
"Cuộc họp của NCG đã tạo cơ hội cho Mỹ tái khẳng định và củng cố cam kết của Washington nhằm cung cấp khả năng răn đe mở rộng đối với Hàn Quốc được hỗ trợ bởi toàn bộ khả năng của Mỹ, bao gồm cả hạt nhân," tuyên bố nhấn mạnh thêm.
Ít giá trị quân sự
Các nhà phân tích cho rằng, sau "Tuyên bố Washington" thì sự hiện diện của tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ tại một cảng của Hàn Quốc hoàn toàn chỉ mang tính biểu tượng - và trên thực tế thậm chí còn làm giảm giá trị quân sự của tàu ngầm.
"Về mặt chiến thuật, (Mỹ và Hàn Quốc) đang làm giảm sức mạnh lớn nhất của tàu ngầm – cụ thể là khả năng tàng hình của nó", Carl Schuster, cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii nhận định.
Tên lửa Trident có tầm bắn 7.400 km, nghĩa là chúng có khả năng tấn công mục tiêu ở Triều Tiên từ những vùng rộng lớn trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương hoặc Bắc Băng Dương.
Blake Herzinger, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ cho biết: "Về mặt quân sự, (những tàu ngầm này) không cần phải ở bất cứ đâu gần Triều Tiên để tiếp cận các mục tiêu tiềm tàng ở đó".
Một trong những chìa khóa để răn đe hạt nhân là chính sự mơ hồ, không chắc chắn.
Một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ ẩn nấp ở độ sâu hàng trăm mét dưới bề mặt đại dương, cách Triều Tiên hàng nghìn dặm vẫn sẽ đặt Bình Nhưỡng trong tầm tấn công, nhưng Triều Tiên gần như không thể phát hiện ra.
Theo ông Schuster, nếu một tàu ngầm hạt nhân như vậy ghé thăm cảng của Hàn Quốc cần có sự sắp xếp trước 24-48 giờ. Sự xuất hiện công khai như vậy sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Triều Tiên.
"Nếu Triều Tiên muốn thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ, chúng ta đã cung cấp cho họ vị trí và thời điểm tàu ngầm tới đó", ông Schuster nói.