Bề ngoài, châu Âu dường như sẵn sàng làm vậy. Các quan chức trong Liên minh châu Âu (EU) và lãnh đạo các quốc gia thành viên cam kết sẽ phối hợp với Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga nếu bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở Ukraine xảy ra.
Sau chuyến thăm khu vực xảy ra căng thẳng giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai hôm 5/1, Cao ủy EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, "bất kỳ hành vi gây hấn nào về quân sự nhằm chống lại Ukraine đều sẽ khiến Moscow phải trả giá nặng nề và đối mặt với những hậu quả to lớn".
Ảnh minh họa: Reuters
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong chuyến thăm Washington ngày 5/1 cũng khẳng định, Nga sẽ hứng chịu "hậu quả kinh tế to lớn" nếu hành động quân sự, mặc dù nhà ngoại giao này không nêu cụ thể các biện pháp hoặc cam kết hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Thậm chí những quốc gia không thuộc NATO như Phần Lan và Thụy Điển cũng đang tập trung thảo luận về Nga. Với mối liên hệ về thương mại giữa các nước châu Âu và Nga, một phản ứng thống nhất của châu lục này có thể phá hủy nghiêm trọng nền kinh tế Nga, thậm chí còn lớn hơn cả lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, rõ ràng EU đang có sự chia rẽ về việc sẽ đi xa đến đâu trong phản ứng với Nga - một thực tế có thể làm phức tạp những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm hướng đến một giải pháp thống nhất.
9 người 10 ý
Trong khi phần lớn các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic đang đặt trong mức độ cảnh báo cao thì đây không phải vấn đề hàng đầu trong các chương trình nghị sự ở những nước này và hầu hết châu lục bởi hiện nay. Đối phó với đại dịch Covid-19 và hướng đến phục hồi kinh tế mới là ưu tiên số 1.
Tại Brussels, các nhà chức trách EU đang đặt câu hỏi về việc tại sao họ không được mời đàm phán trong các cuộc trao đổi ngày 10/1 giữa các quan chức Mỹ và Nga ở Geneva, vốn tập trung thảo luận về tình hình biên giới Nga và Ukraine.
Một số quốc gia ngần ngại hủy hoại mối quan hệ kinh doanh giữa họ và Nga, trong đó có Đức, vốn phụ thuộc vào khí tự nhiên Nga và ủng hộ việc thi công đường ống dẫn khí gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2.
Hiện nay, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì một lập trường tích cực về phản ứng của châu Âu. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đánh giá: "Châu Âu đang chia rẽ nhưng cho tới nay, chúng tôi rất ấn tượng về lập trường của họ. Qua thử thách mới biết hay dở, nhưng rõ ràng, không ai phủ nhận rằng những lệnh trừng phạt nặng nề sẽ được áp dụng nếu tấn công quân sự xảy ra".
Một quan chức khác cũng cho rằng: "Bất kỳ điều gì chúng tôi quyết định dựa trên sự phối hợp với các đối tác và đồng minh đều là hướng đi đúng đắn cho an ninh và lợi ích tập thể của chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị những biện pháp khiến nền kinh tế Nga phải trả giá nặng nề, đồng thời giảm thiểu tối đa những hệ quả không mong muốn".
Các cựu quan chức Mỹ thì nhận định, lập trường của các nước châu Âu nhằm phản ứng với khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào những hành động của Nga. Ngoài ra, một nhân tố làm phức tạp thêm lập trường của EU là việc họ không chắc chắn liệu lập trường cứng rắn của Mỹ với Nga sẽ kéo dài bao lâu, đặc biệt nếu ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng sau năm 2024.
Mặc dù chính quyền cựu Tổng thống Trump từng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt chống lại Nga nhưng bản thân ông Trump lại có quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Putin.
"Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, chúng tôi sẽ phải tự lực cánh sinh", một quan chức châu Âu bình luận.
Ngoài những vấn đề kể trên, các nhà lãnh đạo châu Âu không phải lúc nào cũng có tiếng nói chung về Nga. Bất chấp những sức ép hoặc đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, Đức vẫn theo đuổi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bày tỏ lo ngại về tác động của việc cứng rắn với Nga sẽ đe dọa đến mối quan hệ thương mại đáng kể giữa Berlin và Moscow.
Dù vậy, các cựu quan chức Mỹ nhận định, vẫn có những lĩnh vực phương Tây có thể khiến Nga phải trả giá thông qua các biện pháp trừng phạt.
Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt mới hoặc lệnh trừng phạt bổ sung lên các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Washington cũng có thể nhắm đến một số ngành của Nga như vận tải, khai thác mỏ, kim loại...
Một lựa chọn nữa được cân nhắc là loại Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) - một mạng lưới trao đổi thông tin tài chính toàn cầu. Đây sẽ là một động thái gây khó khăn đặc biệt cho ngành tài chính Nga mặc dù các nhà phân tích Nga đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của việc này và cho biết họ đang phát triển giải pháp thay thế.
Hiện nay, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đang muốn hạ nhiệt căng thẳng với Nga, thậm chí cả khi điều đó đồng nghĩa với việc đưa ra một số nhượng bộ hoặc thỏa hiệp.
Ngay trước Giáng sinh năm 2021, Thủ tướng Áo Karl Nehammer nhận định rằng, "việc liên hệ giữa hành vi của Nga trong vấn đề Ukraine với quá trình thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 là một điều không đúng đắn". Tuyên bố trên được coi là một dấu hiệu cho thấy Áo sẽ không ủng hộ bất kỳ hành động nào trừng phạt Nga ngoài lĩnh vực mỹ phẩm.
Phản ứng trước "tối hậu thư" của Nga
Một quan chức châu Âu nhận định, có một sự nhất trí chung trong NATO về việc từ chối những yêu cầu đảm bảo an ninh mà Nga đưa ra hồi tháng trước.
Đề xuất được điện Kremlin đưa ra này kêu gọi NATO từ chối chấp nhận tư cách thành viên của những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, đồng nghĩa với việc đóng băng tư cách thành viên của Latvia, Litva và Estonia.
Nhà ngoại giao này cho rằng những yêu cầu trên là "không thể chấp nhận được" trong khi một quan chức quốc phòng EU thì gọi đó là "một nỗ lực nhằm hủy hoại NATO. Không nước phương Tây nào đồng ý với toàn bộ đề xuất đó. Điều này đã rõ ràng".
Nga cho biết nước này muốn nhận được đảm bảo pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông và dừng triển khai vũ khí ở những nước gần biên giới với Nga.
Chính quyền Tổng thống Biden nhận định, bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào Ukraine sẽ là những gì mà lực lượng đối lập với Tổng thống Putin mong muốn, đồng thời cam kết sẽ đưa thêm quân Mỹ tới biên giới để bảo vệ các đồng minh khu vực Baltic.
Các quan chức Pháp và Đức đang nỗ lực giải quyết tình hình trong những cuộc trao đổi với các nhà chức trách Nga và Ukraine ở Moscow. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có kế hoạch sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Putin sau các cuộc trao đổi ở Geneva.
Các yếu tố chính trị trong nước cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tại Đức, trong khi đảng Xanh muốn duy trì lập trường cứng rắn với Nga và dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 thì đảng của Thủ tướng Scholz - đảng Dân chủ Xã hội lại muốn có một biện pháp mềm mỏng hơn. Mặc dù Thủ tướng Scholz thường có những tuyên bố cứng rắn về Nga nhưng ông cũng đối mặt với sức ép mạnh mẽ trong đảng về việc cần có một hướng tiếp cận thận trọng.
Nhiều thành viên trong đảng này và phần lớn người dân Đức tin rằng NATO có một phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay khi mở rộng liên minh sang những khu vực mà Nga coi là phạm vi ảnh hưởng của mình. Những cuộc khảo sát còn cho thấy những người này cũng quy trách nhiệm cho Ukraine khi khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn bằng thái độ gây hấn với Nga.
"Chúng ta phải làm mọi thứ có thể trong phạm vi quyền lực của mình để làm giảm mối đe dọa chiến tranh", Rolf Mützenich - một lãnh đạo trong đảng Dân chủ Xã hội nhận định.
Nói cách khác, điều đó tức là Đức sẽ không đảo ngược quyết định của mình. Đó là từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như không thực hiện bất kỳ bước đi nào khác mà có thể Nga cho là gây hấn.
Ở thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden, cũng giống như các đồng minh châu Âu của mình, tránh đề cập chi tiết về các khả năng trừng phạt hoặc các đợt vận chuyển vũ khí mới nhằm để ngỏ cánh cửa đàm phán./.