Đối với các sinh viên, dù là mới ra trường hay vẫn còn... nợ môn, xin việc là cả một trận chiến. Bạn phải gây ấn tượng ngay từ vòng hồ sơ, cho đến khi làm các bài test tuyển dụng và rồi bước vào cuộc quyết đấu thực sự mang tên: phỏng vấn.
Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu vòng phỏng vấn thực sự quan trọng như thế nào. Đó là nơi các nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá về tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm, mà còn tính đến sự tự tin, khả năng hùng biện, tâm lý... cùng nhiều yếu tố khác.
Và câu hỏi đặt ra là: bằng cách nào chúng ta có thể khiến bản thân trở nên nổi bật trong vòng phỏng vấn, qua đó làm tăng cơ hội được bước chân vào công ty?
Yên tâm, bạn đã có khoa học ở bên. Dưới đây là những mánh khóe được các nhà tâm lý học đưa ra, có thể giúp bạn đạt được ước mơ một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất
1. Đừng hẹn phỏng vấn vào thứ 2 hoặc thứ 6
Bạn nghĩ phỏng vấn thì lúc nào cũng giống nhau? Ồ không đâu! Các chuyên gia tâm lý và nhà tuyển dụng kỳ cựu cho biết có những khoảng thời gian hoàn hảo hơn để bạn chiếm được cảm tình của doanh nghiệp.
Theo như Kate Parham, tác giả của nhiều cuốn sách về tuyển dụng nổi tiếng, thời gian đẹp nhất là khoảng 10h - 15h thứ 3 trong tuần, để bạn có thể gây được ấn tượng tốt nhất. Lý do là bởi thứ 2 thường là ngày khó chịu nhất, và đội nhân sự cũng cảm thấy thế. Thứ 6 thì đa số đều hướng đến một cuối tuần được nghỉ ngơi, nên họ sẽ có tâm lý không muốn dồn việc cho tuần sau và buộc bạn phải thể hiện cực kỳ tốt nếu không muốn bị thải loại.
Thứ 4 và thứ 5 cũng là lựa chọn không tồi. Ngoài ra, đừng đặt lịch hẹn vào sáng sớm, vì đó là lúc chính bạn cũng chưa chắc đã đủ minh mẫn và tự tin.
2. Dáng chân có thể hủy hoại ấn tượng ban đầu
Những thứ có thể gây ảnh hưởng đến dáng chân của bạn nằm ở trang phục và giày dép. Hãy mặc một bộ trang phục thoải mái và thể hiện được sự chuyên nghiệp - quan trọng nhất là phải giữ cho dáng chân không được mở rộng, nhất là với phụ nữ. Theo một khảo sát vào tháng 5/2019, phụ nữ có dáng chân mở thường bị đánh giá là kiểu người phù phiếm, khó được giao cho chức vụ quan trọng.
Ngoài ra, phụ nữ nên đi giày cao gót khi đi phỏng vấn. Về mặt tâm lý, những người cao thường có tầm vóc của một leader và thể hiện được sự chuyên nghiệp. Hơn nữa, đã có nghiên cứu cho thấy chiều cao cũng gây ảnh hưởng đến mức lương mỗi người được nhận.
3. Mánh khóe từ trang phục
Đầu tiên là màu sắc - yếu tố đầu tiên mà mọi người nhận ra khi nhìn vào trang phục của bạn. Theo Parham, một bộ suit màu nâu hoặc xanh sẫm cho thấy bạn là một ứng viên nghiêm túc. Ngược lại, đồ màu cam sẽ gây ác cảm cho nhà tuyển dụng.
Nhưng màu sắc cũng không phải thứ duy nhất bạn cần quan tâm về trang phục. Có một khái niệm trong tâm lý học mang tên: positive reinforcement (tạm dịch: tích cực củng cố), xảy ra khi bạn tạo ra một hiệu ứng tốt và có xu hướng khiến đối phương lặp lại nó trong tương lai.
Nghe hơi khó hiểu đúng không? Nhưng đại khái thì hãy làm sao để bạn và nhà tuyển dụng có điểm chung (đôi khi chỉ đến từ một chiếc khăn cài trên ngực áo). Dù là người khắt khe nhất, tất cả đều có tâm lý dễ dãi hơn khi giữa cả hai có điểm chung (có thể là sở thích đọc sách hoặc về gu ăn mặc). Ngay cả khi bạn không phải ứng viên tốt nhất, nhà tuyển dụng vẫn sẽ bị bạn thu hút nhờ yếu tố này.
4. Có những từ ngữ tuyệt đối không nói ra
Có những từ ngữ tuyệt đối không nói ra
Parham cho biết, nhà tuyển dụng có xu hướng cau mày nếu nghe thấy những từ đệm, ví dụ: "kiểu như là"... Đó là các từ cho thấy sự ngập ngừng, và người ngập ngừng thì thường không được nhận.
Tuy nhiên, quy tắc này thường chỉ đúng với các nhà tuyển dụng trong khoảng 30 - 40 tuổi, hoặc già hơn. Những nhà tuyển dụng trẻ thường không quan tâm đến cách bạn sử dụng từ ngữ lắm đâu.
5. Đừng cười
Nụ cười thể hiện sự thân thiện, nhưng nhà tuyển dụng sẽ không thích điều đó, đặc biệt là với những ai có nụ cười quá rộng. Không phải vì họ khô khan đâu, mà lý do hoàn toàn liên quan đến tính chuyên nghiệp.
Việc bạn cười quá nhiều có thể tạo cảm giác cuộc phỏng vấn không hề nghiêm túc. Những vị trí cho phép nụ cười xuất hiện thường chỉ là nhân viên kinh doanh mà thôi.
6. Sẵn sàng chia sẻ những thông tin không có trong CV
Có một điểm chung khi phỏng vấn của các công ty, đó là nhà tuyển dụng sẽ hỏi về thông tin có sẵn trong CV, và luôn mong đợi nghe được câu trả lời trơn tru, hoàn hảo của ứng viên.
Tuy nhiên, có một mánh khóe để giúp bạn nổi bật hơn, đó là nói về những điều không được nêu trong đó. Hãy mở đầu bằng câu: "Để em chia sẻ thêm về một số thứ không có trong CV". Câu này sẽ lập tức khiến nhà tuyển dụng chú ý, hạ thấp cảnh giác và nhìn bạn bằng một con mắt khác.
7. Mánh khoé trao đổi
Ai cũng vậy, luôn muốn người nghe phải chú ý những gì họ nói, kể cả nhà tuyển dụng. Nhưng khi họ nói, bạn không nên chỉ đứng đó lắng nghe rồi gật gù. Thứ cần làm là cho thấy bạn thật sự hiểu những gì họ đang nói, bằng việc chia sẻ thêm quan điểm về điều đó. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong thương thuyết.
8. Khu vực gây chú ý nhất trên khuôn mặt
Khi trò chuyện, tất cả đều chỉ chú ý vào vùng tam giác trên khuôn mặt: mắt - mũi - môi. Vậy nên, đừng bao giờ trang điểm quá đậm, vì điều đó khiến nhà tuyển dụng xao nhãng khỏi những thứ đáng chú ý hơn trên khuôn mặt bạn. Trường hợp tệ nhất, họ còn chẳng nhớ bạn là ai cơ.
9. Điều bạn làm khi đợi phỏng vấn có thể quyết định thành bại trong phút chốc
Trước một cuộc phỏng vấn, mọi thứ đều có thể gây ảnh hưởng. Rất nhiều khả năng bạn đã bị theo dõi ngay từ khi đặt chân đến phòng chờ phỏng vấn.
Theo Parham, các ứng viên không nên trò chuyện điện thoại trong thời gian này, vì bạn sẽ không biết nhà tuyển dụng đến vào lúc nào. Tốt nhất là hãy để tay chân thật thoải mái, đừng vướng bận gì để có thể phản ứng lời gọi của họ. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc sách trong lúc chờ, nhằm giảm bớt sự căng thẳng.
Tham khảo: BS, VT.co