9 cách nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ ngay từ nhỏ: Yêu cầu tiên quyết là cha mẹ phải trao cho con quyền quyết định!

Đinh Kim |

Con trẻ là đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng và cũng dễ uốn nắn. Vậy nên, nếu muốn con trở thành nhà lãnh đạo thành công trong tương lai, bạn nên rèn ngay cho con những kỹ năng và phẩm chất này từ khi còn nhỏ.

Mọi ông bố bà mẹ dường như đều có chung một mục tiêu: nuôi dạy con sao cho sau này chúng sẽ là những người thành công và lương thiện.

Thế nhưng, chẳng có một công thức chuẩn mực nào để giúp cha mẹ nuôi dưỡng ra những đứa trẻ hoàn hảo cả.

Thay vào đó, cha mẹ nên để cho con tự trải nghiệm và đưa ra những quyết định của riêng mình. Những việc tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là hãy thúc đẩy, giáo dục và ủng hộ chúng.

Một nhà lãnh đạo tốt không chỉ là người quyết đoán, mà còn phải là người nhạy cảm, có ích, thông minh, đáng tin và có ý chí nữa. 

Vậy nên, nếu muốn con thành nhà lãnh đạo tương lai thì cha mẹ nên sớm xây dựng và phát triển những phẩm chất này trong con bằng cách thực hiện 9 việc sau.

1. Phát triển khả năng nhận thức của trẻ

Khả năng nhận thức không chỉ "gói gọn" trong sự thành công ở khía cạnh học tập mà nó còn liên quan tới trí thông minh tự nhiên của trẻ. Con bạn hiểu các khái niệm tốt ra sao? Khả năng phân tích của con như thế nào? 

Con xử trí thế nào khi phải đối mặt với một vấn đề? Đây là số ít những điều mà bạn nên rèn luyện sớm cho con.

Việc học tập ở trường đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thực hiện nhiều cách khác để nâng cao kỹ năng nhận thức của trẻ. 

Một trong số đó là hãy cho chúng tiếp cận với nhiều quan điểm và lựa chọn khác nhau, tiếp đó khuyến khích con tự đưa ra quyết định độc lập.

2. Nuôi dưỡng sự cảm thông

Dễ xúc động hay nhạy cảm không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối bởi cảm thông là lúc mà một người nỗ lực có chủ đích để thực sự hiểu những gì mà người khác đã và đang trải qua. 

Do đó, bạn nên khuyến khích các con làm việc tốt, sống lương thiện, hào phóng và có ích đối với những người xung quanh chúng.

9 cách nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ ngay từ nhỏ: Yêu cầu tiên quyết là cha mẹ phải trao cho con quyền quyết định! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một nhà lãnh đạo tốt không chỉ cần có khả năng tiếp cận được với tất cả các nguồn tài nguyên, mà còn phải biết sử dụng những tài nguyên đó theo cách có lợi cho mọi người. 

Bên cạnh đó, cha mẹ nên rèn cho con sự tự lực và độc lập vì những điều này sẽ giúp trẻ vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống.

3. Sự thành thạo về công nghệ

Công nghệ dường như đã len lỏi vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống hiện đại của chúng ta. Nó thay đổi cách chúng ta giao tiếp, đi lại và điều hành doanh nghiệp. 

Vậy nên, sẽ thật tệ hại nếu bạn cứ cấm đoán và ngăn cản con tiếp cận với các phương tiện truyền thông và thiết bị tiên tiến.

Thay vì nghiêm cấm, bạn nên kiểm soát các nội dung mà trẻ tiếp cận, các hoạt động trực tuyến cũng như thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ. 

Nhưng bạn cũng đừng quên cho trẻ không gian để khám phá không gian ảo và trải nghiệm nhiều công cụ khác nhau trên các thiết bị. Đồng thời, hãy giúp trẻ hiểu được cách hoạt đông của mạng Internet.

4. Khuyến khích trí tò mò và thích đặt câu hỏi

Con trẻ vốn đã hay tò mò về thế giới xung quanh chúng. Một minh chứng là chúng thường đặt câu hỏi về những điều chúng ta vẫn coi là điều hiển nhiên. 

Thế nhưng, chính sự tò mò đó sẽ là yếu tố giúp trẻ trở nên thực sự sáng tạo và khác biệt.

Vậy nên, bạn đừng để tinh thần ham hỏi của con bị mài mòn và biến mất bằng cách khuyến khích con hỏi nhiều câu hỏi hơn nhưng theo một cách có lý trí và có cấu trúc hơn. 

Ngoài ra, bạn cũng đừng áp đặt những ý kiến của bạn lên con trẻ và từ từ rèn cho con biết phát triển ý kiến của riêng mình.

5. Xây dựng khả năng giao tiếp

Kỹ năng diễn thuyết và khả năng làm chủ ngôn ngữ mạnh mẽ là một đặc điểm thường thấy ở phần lớn các nhà lãnh đạo vĩ đại. 

Do vậy, bạn hãy khuyến khích con đọc nhiều sách nhất có thể vì việc này giúp chúng phát triển vốn từ vựng ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ cũng thấm dần cách sử dụng ngôn từ sao cho đúng ngữ cảnh.

9 cách nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ ngay từ nhỏ: Yêu cầu tiên quyết là cha mẹ phải trao cho con quyền quyết định! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Những điều đó là nguồn trợ lực rất lớn cho con trẻ trong quãng đường sau này bởi ngôn từ là một công cụ thao túng tuyệt vời và có thể được sử dụng để điều khiển đám đông. 

Những nhà lãnh đạo tài năng thường nổi tiếng với khả năng điều hành, quản lý những nhóm đông và đưa ra quan điểm của mình theo cách tự tin và quyết đoán nhất.

6. Thực hành viêc xây dựng đội nhóm

Một nhà lãnh đạo giỏi không bao giờ được sinh ra trong sự cô lập. Trái lại, họ luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ mọi người. 

Bên cạnh đó, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của nhà lãnh đạo chính là khả năng làm việc nhóm và tài ngoại giao.

Vì thế, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tích cực trong các hoạt động đội nhóm ở trường, cho trẻ tham gia vào một số các hoạt động ngoại khóa và các cuộc tranh luận để gia tăng thêm sự tự tin ở các con.

Khả năng lãnh đạo không phải là việc ép buộc hay thống trị người khác. Thay vào đó, nó liên quan tới việc thể hiện quan điểm, ý kiến và làm việc hướng tới lợi ích chung của mọi người.

7. Thúc đẩy con biết đàm phán

Trẻ em lớn lên trong môi trường có nhiều bạn bè tới từ các dân tộc và cộng đồng khác nhau thường biết khoan dung và chấp nhận hơn. 

Bằng cách giới thiệu cho con biết về các nhóm người và những nền văn hóa khác nhau, bạn đang bình thường hóa điều có thể khiến mọi người bị chia rẽ.

Việc làm này đồng thời cũng giúp phát triển khả năng giao tiếp và kỹ năng tương tác giữa trẻ với mọi người xung quanh. 

Con bạn sẽ được trang bị tốt hơn để đàm phán với nhiều nhóm người và đạt những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Sự thương lượng là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng nên được rèn luyện và phát triển. Có thể nói trong xã hội hiện tại, đó là một kỹ năng sống còn sẽ hỗ trợ con bạn trên một chặng đường dài.

8. Nêu gương tốt cho con

Con trẻ học từ việc mô phỏng những hành động của cha mẹ và người lớn xung quanh nhiều hơn so với những lời quát mắng. 

Vậy nên, nếu bạn muốn "gieo" những thói quen tốt ở con thì bạn phải lấy mình làm gương cho con noi theo.

Hãy cố gắng sống là một người tốt bụng và hào phóng. Hãy biết khoan dung và chấp nhận hơn. Và hãy mạnh mẽ, quyết đoán, chủ động và có ý chí trong những mối quan hệ hàng ngày của mình.

Ngoài ra, bạn cũng cần học cách chủ động lên tiếng khi cần thiết và đối xử với mọi người với sự tôn trọng cơ bản, bình đẳng và là người thật đáng tin.

9. Khuyến khích sự kiên trì và nhẫn nại ở trẻ

Kiên trì là một phẩm chất nữa mà trẻ nên được phát triển ngay từ khi còn bé. Cha mẹ nên khích lệ tinh thần không bao giờ từ bỏ ở con, nhưng cũng để chúng được thất bại và rồi tự rút ra bài học từ lần vấp ngã đó.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng có màu hồng và đôi khi mọi thứ sẽ không diễn ra theo cách mà bạn muốn. 

Đó là khoảng thời gian mà bạn sẽ thực sự được thử thách và rèn luyện bản thân. Do vậy, bạn nên khuyến khích con dần bước ra khỏi vùng an toàn của mình, thúc đẩy chúng chấp nhận rủi ro, thử nghiệm những điều mới mẻ, và dũng cảm đối mặt với nghịch cảnh.

Tham khảo Addicted 2 Success

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại