Câu hỏi của nhà sư với cô gái bán hoa
Ngày xưa, có một nhà sư sống gần một ngôi đền thờ thần Shiva - một trong số 3 vị thần tối cao của đạo Hindu, được cho là Thần Hủy diệt, sở hữu sức mạnh vô song. Là người sùng bái thần Shiva, nhà sư rất hay lui tới ngôi đền này bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Tuy nhiên, trớ trêu thay, đối diện đền thờ này, và cũng ngay gần ngôi nhà của nhà sư, lại là nhà của một cô gái bán hoa.
Hàng ngày, khi đến thờ cúng thần Shiva, nhà sư thường thấy có rất nhiều đàn ông ra vào nhà của cô gái nọ. Lần thứ nhất, thứ hai, nhà sư bỏ qua, nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, ông ta tỏ ra rất khó chịu.
Một hôm, nhìn thấy cô gái ra tận cửa tiễn khách, nhà sư mới quyết định phải lên tiếng. Ông ta nghĩ rằng cô gái đang đi trên một con đường sai lầm, và chẳng ai khác ngoài ông sẽ là người phải nói ra cho cô gái biết để quay lại con đường đúng đắn.
"Cô đúng là một kẻ tội lỗi đầy mình. Cả ngày lẫn đêm cô đều chẳng tôn trọng Thần Shiva chút nào. Cô có nghĩ đến việc sau khi chết mình sẽ như thế nào không?".
Cứ nghĩ mình đang làm việc tốt, nhưng nhà sư lại tự mang tai họa tới cho mình. (Ảnh minh họa)
Cô gái đáng thương run lên khi nghe những lời nhà sư nói. Tối hôm đó, cô cầu nguyện trước Thần Shiva, xin được Ngài tha thứ. Cô cũng mong các vị thần có thể giúp cô tìm một công việc khác để kiếm sống để có thể từ bỏ con đường tội lỗi này.
Thế nhưng, sau khi cô gái quyết định từ bỏ việc làm gái bán dâm và đi kiếm một công việc khác, thì chẳng ai thuê cô, vì họ ghê tởm quá khứ của cô gái. Sau khi đói khát trong vòng một tuần, cộng thêm với sự chán nản, cô gái bất hạnh đành quay trở lại con đường cũ. Tuy nhiên, mỗi lần tiếp khách là mỗi lần cô cảm thấy tuyệt vọng và tội lỗi, luôn cầu xin sự tha thứ từ thần Shiva.
Quyết định kỳ lạ mang đến tai họa cho nhà sư
Sau khi thấy lời khuyên của mình chẳng mang lại tác dụng gì, nhà sư rất không hài lòng. Ông ta nghĩ: "Từ nay trở đi, mình sẽ đếm từng người đàn ông nào đến nhà cô ta, để xem đến khi cô ta chết thì có bao nhiêu người".
Và thế là, từ đó nhà sư bỏ cả việc thờ cúng thần Shiva, cả ngày chỉ chuyên tâm vào việc đếm những vị khách đến và đi khỏi nhà cô gái bán hoa. Với mỗi người đàn ông, nhà sư lại thêm vào một hòn đá vào đống đá bên cạnh mình.
Vài ngày sau, sững sờ vì đống đá đã cao ngất, nhà sư lại gọi cô gái ra và nói: "Cô nhìn thấy đống đá kia không? Mỗi một hòn đá tượng trưng cho một tội lỗi cô gây ra đấy. Tôi đã cảnh báo cô rồi mà. Đừng tiếp tục lún sâu vào sai lầm nữa".
Nhìn thấy đống đá đó, cô gái lại run lên, nức nở. Cô quay về nhà, không ngăn nổi những giọt nước mắt cay đắng cho số kiếp của mình. Tối đó, cô chẳng buồn tiếp khách nữa, mà ngước nhìn lên cao rồi hỏi đầy đau khổ: "Thần Shiva, bao giờ thì Ngài mới đưa con đi để thoát khỏi cuộc sống cơ cực này?".
Thế rồi, lời nguyện cầu của cô gái đã vang được tới trời xanh. Ngay tối hôm đó, Tử Thần đã đến nhà cô gái và mang cô đi. Thế nhưng, có một điều kỳ lạ là, ông ta cũng được lệnh bắt đi cả nhà sư kia nữa. Và còn kỳ lạ hơn, khi linh hồn cô gái thì được lên Cõi Trời, còn linh hồn nhà sư thì bị đày xuống Địa Ngục.
Khi họ đi lướt qua nhau, nhà sư đã hiểu rõ ngọn ngành, tỏ ra không phục. Ông ta hét lớn và hỏi thần Shiva, rằng chẳng phải đây là sự bất công lớn nhất sao? Chẳng phải ông ta đã thờ phụng, thậm chí cung phụng thần Shiva cả đời, bằng tất cả của cải, tâm huyết của mình mà lại bị đày xuống Địa ngục, trong khi cô gái bán hoa cả đời làm chuyện tội lỗi thì lại được lên Cõi Trời?
Nghe thấy nhà sư hét lên như vậy, một trong những sứ giả truyền tin của thần Shiva xuất hiện và nói: "Ông nghĩ Thần Shiva sẽ phán xét hành động của người hàng xóm nhà ông. Thế nhưng, có một điều ông không biết, đó là trái tim của cô gái ấy rất lương thiện, luôn cảm thấy bị dằn vặt bởi những hành động của mình. Chính những giọt nước mắt của cô ấy đã khiến tâm hồn cô ấy nhẹ bẫng, và bay lên được trời cao.
Trong khi đó, ông tưởng mình đang giúp người khác quay đầu, nhưng thực ra, trái tim ông chỉ có lỗi lầm của người khác. Tâm hồn của ông đã bị đá nặng đè xuống, chẳng thể bay lên cao".
Nghe những lời này, nhà sư chẳng còn biết nói gì, đành im lặng bước đến nơi mà ông ta phải đến.
Lời bàn:
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều người giống như nhà sư trong câu chuyện nói trên. Họ chẳng tiếc thời gian để săm soi, đong đếm những lỗi lầm của người khác, với vỏ bọc để "giúp đỡ cho người khác tiến bộ lên" mà chẳng bao giờ nhìn lại bản thân. Dù vô tình hay cố ý, dù với mục đích nào, thì nhiều khi, việc làm đó có thể sẽ "Gậy ông đập lưng ông", đem lại hậu quả cho chính họ.
Nên nhớ, nếu muốn thực sự giúp đỡ hay đưa ra lời khuyên cho người khác, hãy làm điều đó với dụng ý xây dựng, thay vì mỉa mai, chế nhạo hoặc với những dụng ý khác, vì những lời nói và hành động của bạn có thể sẽ phản tác dụng.