Xin giới thiệu phần bình chọn trên trang WarHistoryOnline về 8 lãnh đạo quân sự có năng lực yếu kém nhất trong lịch sử quân sự thế giới:
Publius Quintilius Varus
Là người họ hàng của Hoàng đế La Mã Augustus, Publius Quintilius Varus nắm chức vụ thống đốc quân sự vùng Syria trước khi được điều chuyển sang làm nhiệm vụ trấn áp một cuộc nổi loạn ở Đức. Về mặt kỷ luật và huấn luyện, ông ta rất lỏng lẻo. Varus nắm quyền nhờ vào quan hệ gia đình chứ không phải là năng lực.
Vào năm thứ 9 sau Công nguyên, Varus chỉ huy các lực lượng của mình hành quân qua vùng rừng núi Teutoburg Wald đầy phiến loạn. Ông không chuyển binh lính của mình sang trạng thái cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, đã thế còn để cho nhiều dân thường đi cùng với họ.
Bị các bộ tộc Đức phục kích trong rừng, Varus và quân lính của ông bị cô lập và bao vây.
Trong quá trình diễn ra trận đánh kéo dài, 1/10 số đơn vị lê dương của La Mã đã bị tiêu diệt. Không thể tìm lối thoát ra khỏi cảnh bao vây, Varus tự sát trên chiến địa để khỏi bị bắt. Nhiều chỉ huy của Varus bắt chước làm theo, khiến cho quân đội của Varus rơi vào cảnh rắn mất đầu.
Vua Edward II
Đây là một trong các quân vương yếu kém năng lực nhất từng bước lên ngai vàng nước Anh. Edward II là một lãnh đạo vừa yếu vừa thiếu quyết đoán. Không kiểm soát nổi giới quý tộc, Edward II xua quân xâm chiếm Scotland mà không có sự hậu thuẫn của người họ hàng đầy thế lực tên là Thomas xứ Lancaster.
Tại thị trấn Bannockburn, các thuộc hạ của vị vua này tranh cãi về các vị trí lãnh đạo trước khi mở cuộc tấn công vào người Scotland ở khu vực do đối phương của Edward chọn. Phe Anh, vốn chỉ mạnh vào một thế hệ trước đó, đã bị đánh bại hoàn toàn.
Edward vẫn giữ được ngôi báu trong 20 năm, nhưng đấy không phải nhờ năng lực mà là vì đối thủ của ông, Thomas, cũng rất yếu kém, thậm chí còn nôn nóng và ít hiệu quả hơn cả Edward.
Công tước xứ Cambridge
Hoàng tử George là một quý tộc Anh và là họ hàng của Nữ hoàng Victoria. Vị Công tước xứ Cambridge này là Tổng tư lệnh Quân đội Anh trong suốt thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria. Ông ta rời khỏi vị trí này vào năm 1895.
Bảo thủ tới mức bất tài, Công tước này ghét mọi sự cải cách. Ông ta từ chối thay đổi kể cả khi các cuộc chiến ở châu Âu và châu Mỹ chứng minh rằng công nghệ hiện đại đang thay đổi bộ mặt của chiến trận.
Đối với Hoàng tử George, việc lãnh đạo chỉ đơn giản là điều gì đó mà người ta làm, và ông ta lên án bất cứ sĩ quan nào chịu khó nghiền ngẫm nghệ thuật chỉ huy quân sự. "Nhờ có" vị công tước này, binh thư trình bày bằng tiếng Anh vào năm 1900 chỉ bằng chưa đến 1/50 so với binh thư viết bằng tiếng Đức. Người Anh khi ấy chịu thiệt thòi lớn về tri thức quân sự.
George Armstrong Custer
Danh sách các tướng lĩnh kém nhất thế giới hẳn sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới vị tướng Custer khét tiếng của lục quân Mỹ.
Custer là một cựu binh của Nội chiến Mỹ. Ông ta hay khoe khoang và phô trương bản thân, thường xuyên bất tuân thượng cấp. Custer mặc một bộ quân phục lòe loẹt do mình tự thiết kế. Khi không tham gia chinh chiến, ông tìm cách lấy lòng các chính trị gia và các tờ báo, xây dựng danh tiếng của mình.
Một mặt Custer thuộc diện can đảm, mặc khác ông rất "bướng". Khi không được trao vai trò chỉ huy chiến dịch mà ông tham gia vào năm 1876, Custer tự hành động theo ý mình. Phớt lờ lời khuyên của các trinh sát và từ chối chờ đợi lực lượng quân đội phía sau lên tiếp ứng, Custer đã chia nhỏ lực lượng ít ỏi của mình và dẫn vài trăm kỵ binh đi đương đầu với hàng ngàn chiến binh bộ tộc Sioux và Cheyenne.
Đây là một thảm họa. Custer và quân lính của ông ta đã bị tàn sát mà không thu được kết quả gì. Cái huyền thoại về việc Custer chống trả quyết liệt đến giọt máu cuối cùng chủ yếu nói lên sự nổi tiếng của Custer trên báo chí Mỹ chứ không phải năng lực lãnh đạo của ông.
Tướng Nogi Maresuke
Tướng Nogi khá hiếm hoi trong số các tướng lĩnh thảm họa vì ông "biết ăn năn" về các thất bại của mình.
Năm 1904, trong chiến tranh Nga-Nhật, Nogi được trao nhiệm vụ chỉ huy quân Nhật đánh chiếm cảng Arthur. Ông điều hàng ngàn lính tiến công vào hệ thống phòng ngự của cảng. Thế nhưng, Nogi nhầm lẫn các pháo đài bằng bê tông cốt thép với các ngôi nhà bằng kính có cửa sổ.
Kết quả, binh sĩ của Nogi bị thảm sát ghê rợn. Cuộc tấn công đơn lẻ này đã khiến phía Nhật thương vong tới 16.000 người. Con số thương vong gia tăng trong các tháng tiếp theo.
Bất chấp có những lời yêu cầu cách chức Nogi, vị tướng này vẫn tiếp tục được ở lại vị trí chỉ huy cho tới khi chiếm được cảng Arthur. Nogi không bao giờ bình thường trở lại sau cú sốc và nỗi xấu hổ vì tất cả những tổn thất này. Ông đã bỏ nhiều tiền hỗ trợ cho các thương binh và sau đó đã tự sát để chuộc lại các lỗi lầm quân sự của mình.
Tướng Aitken
Vị tướng thảm họa này phụ trách cuộc viễn chinh của Anh sang Tây Phi vào đầu Thế chiến thứ 1.
Aitken có đầu óc phân biệt chủng tộc nên trong quá trình chỉ huy binh sĩ người Ấn Độ chống lại các đối thủ Đức, ông ta đã thể hiện sự khinh miệt của mình đối với binh sĩ và thường xuyên đánh giá thấp quân thù.
Aitken đánh mất yếu tố bất ngờ khi dong thuyền quá sát bờ, hành động lại quá chậm chạp khiến phía Đức dư thừa thời gian chuẩn bị. Đã thế lúc đầu ông còn không chịu cho oanh tạc mục tiêu do muốn đánh chiếm mục tiêu "nguyên vẹn". Kết quả là quân Anh đã thất bại "toàn tập" trong trận chiến Tanga.
Tướng Hajianestis
Khi Hy Lạp lâm chiến với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1921, họ bổ nhiệm tướng Hajianestis làm người chỉ huy chiến dịch này. Hajianestis thiên về một chính trị gia hơn là một quân nhân. Ông sử dụng chiếc du thuyền của ông tại Smyrna làm sở chỉ huy, để ông có thể vừa chỉ huy một cách thoải mái vừa tiện bề ghé thăm các nhà hàng địa phương.
Hajianestis vừa điên rồ vừa suy đồi. Ông dành nhiều thời gian nằm ườn, nghĩ rằng mình đã chết. Thỉnh thoảng, Hajianestis tin rằng chân mình làm bằng thủy tinh và sẽ vỡ vụn nếu ông bước ra khỏi giường. Ngay cả khi đầu óc Hajianestis minh mẫn, ông vẫn đưa ra các mệnh lệnh lộn xộn theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Tướng Maurice Gamelin
Trước Thế chiến thứ 2, tướng Pháp Maurice Gamelin được các đồng minh và đối thủ ngưỡng mộ. Là một cựu binh Thế chiến 1, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, Gamelin có công hiện đại hóa và cơ giới hóa lục quân nước này.
Tướng Gamelin của quân Pháp. Ảnh: WHO.
Nhưng chẳng phải nỗ lực hiện đại hóa nào của Gamelin cũng hiệu quả. Ông giám sát việc xây dựng chiến lũy Maginot – một hệ thống phòng ngự vừa tốn kém vừa khiếm khuyết vì nó chỉ có hiệu quả khi quân Đức không biết "đi vòng" qua hệ thống này và vô hiệu hóa nó.
Gamelin mắc chứng giang mai thần kinh, với các triệu chứng như suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ, năng lực phán xét và tư duy. Ông bị chứng hoang tưởng và vĩ cuồng.
Năng lực lên kế hoạch yếu kém của Gamelin cùng lối lãnh đạo cố chấp của ông đã tạo điều kiện cho quân Đức nắm thế chủ động trong suốt giai đoạn mở màn Thế chiến 2. Các cơ hội đã bị bỏ lỡ, quân Pháp bị đẩy lui, và thế trận của Pháp tan vỡ.
Sau thất bại này, Gamelin sa thải 20 tư lệnh tiền phương thay vì nhận trách nhiệm về mình. Nhưng rốt cuộc ông vẫn rơi vào tay Đức Quốc xã.