Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ

Minh Hoàng |

Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine là quốc gia thừa kế lượng tăng-thiết giáp lớn thứ hai sau Nga. Song, khi chiến sự ở Donbass nổ ra, chưa đến một nửa số khí tài này còn có thể hoạt động.

Tháng 12/1991, Liên bang Xô Viết tan rã, các nước Cộng hòa Xô Viết thuộc nhà nước Liên bang cũ ký quyết định thành lập Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG).

Trên cơ sở của hiệp định phân chia tài sản cho các nước thành viên, Quân đội Xô Viết vì thế cũng bị chia nhỏ theo nguyên tắc đơn vị nào đóng quân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xô Viết nào thì sẽ thuộc Quân đội của nước Cộng hòa đó sau khi độc lập.

Năm 1992, Lục quân Cộng hòa Ukraine được thành lập với nền tảng là 38 sư đoàn của Quân đội Xô Viết cũ. Trong số này có 23 sư đoàn bộ binh cơ giới và xe tăng với tổng số phương tiện chiến đấu bọc thép là 14.858 chiếc. Cụ thể bảo gồm:

- Xe tăng: 4775 chiếc T-54/55, T-62, T-64, T-64BM, T-72 và T-80.

- Xe bọc thép: 5310 chiếc BTR-60, BTR-70, BTR-80, BRDM-2, BTR-D và MT-LB.

- Xe chiến đấu bộ binh: 3405 chiếc BMP-1, BMP-2, BMP-3, BMD-1, BMD-2 và BRM-1K.

- Pháo-cối tự hành: 1368 chiếc 2S1, 2S3, 2S5, 2S19, 2S7 và 2S9.

Lưu kho và thanh lý hàng loạt

Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ - Ảnh 1.

Binh sĩ Congo tham gia huấn luyện sử dụng xe tăng T-64B1M tại Ukraine năm 2014.

Nền kinh tế trì trệ và lạm phát của nhà nước Ukraine độc lập không đủ khả năng cung cấp kinh phí cho quân đội để duy trì hoạt động của toàn bộ số lượng phương tiện chiến đấu trên. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Ukraine quyết định thực hiện niêm cất, lưu kho và bán thanh lý để giảm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng.

Theo số liệu thống kê bởi Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 20 năm, từ năm 1994-2014, Ukraine đã bán 700 xe tăng T-72 trên tổng số 1320 chiếc cho 4 quốc gia gồm Ethiopia, Sudan, Kenya và Macedonia. Số tăng này bao gồm các biến thể T-72A, T-72UA1, T-72AV và T-72AK.

Tính đến năm 2014, Quân đội Ukraine còn sở hữu khoảng 600 xe T-72, tuy nhiên thực tế chỉ còn khoảng 200-250 chiếc còn sử dụng được.

Loại xe tăng chiếm số lượng nhiều nhất trong kho vũ khí của Ukraine là T-64, gồm 3 phiên bản T-64B, T-64BM và T-64BV với tổng số lượng là 2345 chiếc.

Tương tự T-72, giai đoạn 2010-2014, Ukraine cũng bán thanh lý khoảng 100 chiếc -64B1M cho Cộng hòa Dân chủ Congo.

Hợp đồng này được cho là có nhiều uẩn khúc. Các xe tăng trước khi được chuyển sang cho đối tác đều đã được sửa chữa và nâng cấp lên phiên bản T-64B1M. Theo đánh giá, mỗi chiếc xe này phải có giá gần 2 triệu USD.

Tuy nhiên, hợp đồng lại chỉ thu về cho Ukraine 20 triệu USD, nghĩa là bình quân mỗi chiếc xe tăng chỉ có giá 200.000 USD, rẻ gấp 10 lần so với thực tế.

Để so sánh, năm 2007, Ukraine nâng cấp 14 xe tăng T-64BM lên chuẩn BM "Bulat". Giá của mỗi chiếc xe tăng nâng cấp này là 600.000 USD, gấp 3 lần so với giá bán nguyên chiếc T-64B1M đã được đại tu và nâng cấp cho Congo. Điều này làm dấy lên nghi vấn về các hoạt động quan liêu và tham nhũng phía sau hợp đồng này.

Hiện nay Ukraine còn khoảng 120 xe T-64BM "Bulat", 500 xe T-64BV đang hoạt động, số T-64B xấp xỉ 1000 chiếc nhưng đa số đã ngừng hoạt động và được đem niêm cất.

Phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất trong biên chế quân đội Ukraine hiện nay là T-80. Họ sở hữu hai biến thể là T-80UD và T-80BV với tổng cộng là 345 chiếc vào năm 1992. Mặc dù vậy, theo các thông tin đăng tải trên trang web unian.net thì hiện nay Ukraine chỉ còn 179 chiếc T-80, bao gồm 25 chiếc T-80BV và 154 chiếc T-80UD.

Ngoài ra năm 1992, Ukraine cũng nhận được 680 chiếc T-54/55 và 85 chiếc T-62. Toàn bộ số tăng này đã được bán cho Congo, Uganda, Zambia, Campuchia và Việt Nam trong giai đoạn 1994-2014.

Về xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, SIPRI không có thống kê cụ thể về các đối tác và các chủng loại phương tiện được Ukraine xuất khẩu. Tuy nhiên trong giai đoạn này, có vẻ Ukraine đã xuất khẩu hàng trăm xe BTR-60PB và BMP-1 cho các quốc gia Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông.

Nâng cấp và sản xuất mới

Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ - Ảnh 2.

Xe tăng T-84 Oplot-M được mang ra biểu diễn nhân chuyến thăm Kharkov của thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman.

Những năm cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, nền sản xuất Công nghiệp, đặc biệt là Công nghiệp Quốc phòng của Ukraine bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Dưới thời tổng thống Viktor Yushchenko, dây chuyền sản xuất xe tăng, thiết giáp tại Xí nghiệp quốc phòng Kharkov (nay là nhà máy quốc phòng Malyshev) quay lại hoạt động được được 30-40% so với công suất thời Xô Viết. Con số này tăng lên 60% dưới thời tổng thống Victor Yanukovich.

Viện thiết kế kỹ thuật Morozov của Ukraine trong giai đoạn này cũng đưa ra được nhiều thiết kế vũ khí mới, mang tính đột phá, nổi bật nhất là xe tăng T-84 Oplot và xe bọc thép BTR-4. Tính năng kỹ chiến thuật hai loại vũ khí trên đều được giới chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, thay vì sản xuất các phương tiện mới thay thế các vũ khí cũ trong quân đội, Ukraine lại chỉ tập trung sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong số 35 chiếc T-84 "Oplot-M" (phiên bản nâng cấp của T-84) ra lò, chỉ có 10 chiếc nằm trong biên chế Lục quân Ukraine, 25 chiếc còn lại được xuất khẩu sang Thái Lan.

BTR-4 cũng tương tự, 205 chiếc xe bọc thép loại này đã được sản xuất, chỉ có 62 chiếc trong số đó là phục vụ Quân đội Ukraine.

Khi sự kiện lật đổ chính quyền tổng thống Viktor Yanukovych xảy ra năm 2014, hoạt động của nhà máy Malyshev bắt đầu điêu đứng và suy yếu. Nhà máy hoạt động cầm chừng, liên tục nợ tiền lương cho công nhân, chi phí sản xuất gia tăng trong khi tiền ngân sách đổ xuống ngày một ít.

Ukraine từng có mục tiêu nâng năng suất của nhà máy từ 40 phương tiện/năm trong năm 2014 lên 120 phương tiện/năm trong năm 2016, thì nay, nhà máy chỉ còn đủ khả năng sản xuất 5 phương tiện/năm.

Thái Lan và Iraq đã phải hủy hợp đồng với phía Ukraine vì không hoàn thành đúng hạn vào năm 2015 và 2016. Việc Quân đội Ukraine liên tục đặt hàng và gửi vũ khí đến nâng cấp trong khi ngân sách từ chính phủ đổ xuống nhỏ giọt đã khiến nhà máy Malyshev phải tự đi gặp các cấp lãnh đạo của chính quyền Ukraine để xin vay vốn hoạt động.

Nạn quan liêu và tham nhũng tràn lan trong chính quyền cũng gây không ít khó khăn cho các hoạt động của nhà máy.

Nhiều xe tăng T-64 và BTR-4 chưa hoàn thành nghiệm thu đã được các lãnh đạo quân đội vội vã tung ra chiến trường. Quá trình sản xuất và nâng cấp nay cũng được phía quân đội yêu cầu rút ngắn nhiều nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu chiến trường. Hiện tượng này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chất lượng của phương tiện chiến đấu.

Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ - Ảnh 3.

Hàng dài các xe tăng T-72 và T-64 bị vứt bỏ ngoài bãi chứa xe tăng thuộc nhà máy Kharkov hơn 20 năm qua.

Quá trình bảo quản vũ khí cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhiều xe tăng đã không được bảo vệ theo đúng các quy định về bảo quản trang thiết bị bọc thép, nhiều phương tiện phơi nắng phơi mưa hàng chục năm nay giờ không thể sử dụng lại.

Khi chiến tranh xảy ra, chỉ có vài chiếc trong số 179 xe tăng T-80 có thể mang ra sử dụng. Một kế hoạch kiểm tra và sửa chữa toàn diện các xe tăng này đã được thực hiện vào năm 2015 để có thể đưa chúng quay trở lại sử dụng trong hai năm 2016 và 2017.

Các thiệt hại tại Donbass

Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ - Ảnh 4.

Xe bọc thép BTR-80 của quân chính phủ Ukraine bị dân quân Novorossiya bắt giữ.

Trong vòng 10 tháng, từ thời điểm chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko phát động cuộc chiến "tiễu trừ khủng bố ở vùng ATO" vào tháng 4/2014 đến khi hiệp định ngừng bắn Minsk 2.0 được ký kết vào tháng 2/2015, lực lượng Tăng – Thiết giáp Ukraine luôn là lực lượng chịu tổn thất nặng nề nhất về phương tiện chiến tranh.

Tổng số thiệt hại lên tới 427 phương tiện, hơn 300 trong số đó là phương tiện chiến đấu bọc thép.

Theo trang web tiếng Nga lostarmour.info, số liệu thiệt hại cụ thể của tăng-thiết giáp Ukraine theo từng chủng loại phương tiện là như sau:

Xe tăng: Thiệt hại 93

- T-64: 33 bị phá hủy, 45 bị bắt

- T-72: 15 bị bắt.

Xe chiến đấu bộ binh BMP: Thiệt hại 111.

- BMP-1: 2 bị phá hủy, 1 bị bắt.

- BMP-2: 70 bị phá hủy, 38 bị bắt.

Xe bọc thép thả dù BMD: Thiệt hại 20

- BMD-1: 1 phá hủy, 1 bị bắt.

- BMD-2: 6 bị phá hủy, 6 bị bắt

- BTR-D: 2 bị phá hủy, 4 bị bắt.

Pháo tự hành: Thiệt hại 31

- 2S1 Gvozdika: 2 bị phá hủy, 6 bị bắt.

- 2S3 Akatsiya: 6 bị phá hủy, 3 bị bắt.

- 2S9 Nona: 5 bị phá hủy, 7 bị bắt.

- 2S19 Msta-S: 1 bị phá hủy, 1 bị bắt.

Xe bọc thép BTR: Thiệt hại 110

- BTR-60: 1 bị phá hủy, 2 bị bắt.

- BTR-70: 1 bị phá hủy, 9 bị bắt

- BTR-80: 20 bị phá hủy, 28 bị bắt.

- BTR-4K: 3 bị bắt.

- BRDM-2: 14 bị bắt.

- MT-LB: 32 bị bắt.

Phương tiện cơ giới khác: Thiệt hại 62

Lực lượng tăng - thiết giáp Ukraine: Cái bóng của quá khứ - Ảnh 5.

Xe tăng T-64BV của quân đội Ukraine bị dân quân Novorossiya tiêu diệt tại Donetsk.

Nếu đem những con số trên so sánh với thiệt hại của quân đội tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria trong cuộc chiến khủng bố và nổi dậy 6 năm qua, thì Quân đội Ukraine trong 10 tháng giao tranh đã phải chịu mức tổn thất lớn bằng tổn thất của Quân chính phủ Syria trong 3 năm đầu tiên.

Cái bóng của quá khứ

Ukraine là quốc gia thừa kế lượng tăng-thiết giáp lớn thứ hai sau Nga khi Liên bang Xô Viết sụp đổ với 14.858 xe tăng, xe thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành các loại. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Donbass nổ ra, chưa đến một nửa số khí tài trên còn có thể hoạt động.

Do bệnh quan liêu, tham nhũng trong quá trình quản lý, hiện tượng tắc trách của các cấp liên quan khi bảo dưỡng khí tài chiến đấu, cùng việc bán thanh lý ồ ạt không kiểm soát các vũ khí chiến tranh đã làm Ukraine phải chịu sự thất thoát vô cùng lớn về cả phương tiện lẫn tiền bạc.

Từ một quân đội có số lượng khí tài chiến đấu bọc thép đông đảo nhất nhì Châu Âu, những gì sót lại ở Ukraine hiện nay chỉ là còn là cái bóng của năm xưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại