Nhân viên bán hàng được đào tạo để sở hữu những kỹ năng nhất định có thể khiến khách hàng chi nhiều tiền hơn trong cửa hàng mà không hề nhận ra. Nhưng tất nhiên không phải vị khách nào cũng dễ bị “bắt bài” như vậy. Để tăng doanh số, các cửa hàng quần áo còn rất nhiều thủ thuật tiếp thị khác nữa và có thể bạn chưa hề biết hết:
Đồ thanh lý, đại hạ giá được để lộn xộn là có lý do
Không phải vì hàng thanh lý thường bị để thành đống, lộn xộn trên bàn hay các hộp là vì người bán không còn “coi trọng” chúng nữa. Cách sắp xếp này còn một lý do nữa là để khách hàng thấy… chán sau một hồi bới tìm đồ và muốn quay trở lại nơi trưng bày các bộ sưu tập mới đầy ngăn nắp và có tổ chức trên giá. Tất nhiên chúng là các mặt hàng đắt tiền hơn và người bán muốn bạn mua nhiều hơn.
Các nhân viên bán hàng kênh kiệu ở cửa hàng đồ hiệu để “kích thích” người mua
Theo một nghiên cứu, khách hàng có nhiều khả năng mua hàng hơn nếu họ được hỗ trợ bởi một nhân viên bán hàng hợm hĩnh, thay vì một người thân thiện niềm nở. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với các cửa hàng bán đồ hiệu đắt tiền.
Khi đến thăm các cửa hàng này, khách hàng sẵn sàng mua một thứ gì đó thực sự đắt tiền. Và nếu nhân viên có thái độ kiểu “Bạn không thể mua được món này” thì khách hàng nhiều khả năng sẽ mua đồ càng giá trị hơn nữa và rất vui khi mua hàng vì cảm thấy mình đã chứng minh được điều ngược lại.
Các mặt hàng được bày trên bàn phẳng có nhiều khả năng được mua hơn
Ở nhiều cửa hàng, quần áo và giày dép được bày trên những chiếc bàn phẳng. Thiết kế này nhằm giúp khách hàng có nơi đặt đồ của họ xuống và chạm, xem sản phẩm trên bàn bằng cả hai tay. Thực tế là việc chạm vào các mặt hàng là yếu tố then chốt trong việc chuyển từ việc chiêm ngưỡng sang mua hàng. Vì vậy, không giống như các mặt hàng treo trên giá, những mặt hàng được đặt trên bàn có nhiều khả năng được bán nhanh hơn.
Cách thiết kế của mác giá đóng một vai trò lớn
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mong muốn mua hàng của khách hàng, bao gồm cả mác ghi giá. Thông thường, giá của các mặt hàng đắt được viết mà không có dấu phẩy làm dấu phân cách hàng nghìn. Bằng cách này, con số trông ngắn hơn và không quá “đáng sợ” đối với khách hàng. Các cửa hàng nhận thức được thủ thuật này sẽ viết 1500 trên mác chứ không phải 1.500.
Bạn chưa chắc tìm thấy các mặt hàng bán online ở cửa hàng
Mua sắm trực tuyến và mua sắm ngoại tuyến là 2 việc khác nhau. Thông thường, danh sách các mặt hàng được hiển thị trên trang web của công ty không tương ứng với danh sách có sẵn trong các cửa hàng. Vì vậy, nếu bạn muốn tiết kiệm phí vận chuyển bằng cách ra cửa hàng mua, bạn có thể sẽ phải thất vọng.
Các thương hiệu theo dõi hoạt động mua sắm của bạn
Các cửa hàng bán lẻ, nhất là chuỗi thương hiệu theo dõi các giao dịch mua và trả lại của tất cả khách hàng của họ. Nếu một người trả lại hàng đã mua quá thường xuyên, họ có thể bị cấm vào cửa hàng do nghi ngờ có hoạt động gian lận.
Bạn khó có thể tìm thấy quần áo của các thương hiệu nổi tiếng trong cửa hàng outlet
Về lý thuyết, cửa hàng outlet là một phát minh tuyệt vời vì người ta tin rằng bạn có thể tìm thấy hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng với mức giá chiết khấu ở đó. Thật không may, đây không phải là cách outlet hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, các cửa hàng này hoạt động như một nơi bán thương hiệu riêng biệt của riêng họ. Outlet bán hàng hóa được sản xuất riêng cho họ và điều này có nghĩa là chúng vốn đã khá rẻ. Vì vậy, giá bị gạch chéo trên mác áo chỉ là một chiêu tiếp thị vì quần áo trên giá của các cửa hàng outlet thường có chất lượng kém hơn.
Nhân viên bán hàng được yêu cầu bán những sản phẩm nhất định
Bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi khi không mua những sản phẩm nhân viên nhiệt tình giới thiệu cho mình hay chọn mua món đồ mà họ đã nhận xét là không hợp. Thực tế là đây là trách nhiệm công việc của họ, và nếu họ không thực hiện theo thì có thể bị phạt hoặc giảm thu nhập hoa hồng. Việc nhân viên phải giới thiệu một số loại hàng hóa nhất định là khá bình thường và bạn cần cân nhắc kỹ mình có thực sự thích món đồ không khi họ khen ngợi bạn trông thật đẹp.
Nguồn: Bright Side