Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi đến Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại ở 9 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên cả nước.
Không phải lần đầu
Theo KTNN, quá trình kiểm toán 9 dự án BOT cho thấy Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bộ Giao thông Vận tải không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, tình trạng này xảy ra tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Đặc biệt, KTNN phát hiện hầu hết các dự án đều chỉ định nhà thầu thi công.
Kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án tổng cộng 56,4 năm so với phương án ban đầu.
Trong đó, dự án cầu Hòa Trung giảm 15,8 năm; dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình giảm 1 năm; dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre giảm 7 năm.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc cũng được kiến nghị giảm thời gian thu phí 7,5 năm; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc giảm 6,3 năm và dự án đầu tư xây dựng đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo Quốc lộ 26 (tỉnh Khánh Hòa) giảm 4,9 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên KTNN kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT.
Trước đó, qua kiểm toán 8 dự án BOT năm 2018, cơ quan này cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí 16,2 năm đối với 7/8 dự án. Từ năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án BOT.
PGS-TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá đây là "căn bệnh cố hữu" đối với các dự án BOT.
Việc giảm thời gian thu phí cho thấy việc quyết toán dự án chưa hợp lý, KTNN đã phát hiện ra các điểm "vênh" này nên kiến nghị giảm thời gian tương ứng. Không loại trừ khả năng có khuất tất trong việc quyết định thời gian thu phí của các dự án BOT.
Xem xét trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết việc kiến nghị giảm thời gian thu phí đã lặp đi lặp lại nhiều lần qua các năm mỗi khi cơ quan kiểm toán vào cuộc với các dự án BOT.
Nhà đầu tư sẽ thu lợi từ quãng thời gian dôi ra so với thời gian ban đầu, trong khi đối tượng chịu thiệt lại là người dân, doanh nghiệp vận tải.
"Có những dự án kiến nghị giảm rất lớn về số năm thu phí từ 13 đến 15 năm. Tại sao lại có sự vênh lớn như vậy trong khi hợp đồng BOT đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định theo nhiều bước. Như vậy, lỗ hổng ở đâu, do quy trình chưa chặt chẽ hay có người làm ngơ" - ông Bùi Danh Liên đặt vấn đề.
Theo ông Bùi Danh Liên, việc tính toán mức phí và thời gian thu phí được thực hiện theo các quy định của pháp luật về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Do đó, để xây dựng được phương án thời gian thu phí đúng, đủ, bảo đảm quyền lợi các bên, cần thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực hoặc quyết định thời gian thu phí theo hướng có lợi cho nhà đầu tư dự án BOT.
Để tình trạng "ăn gian" thời gian thu phí không lặp lại, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các khâu trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là quyết toán dự án. "Phải xem xét, quy trách nhiệm trong việc quyết toán dự án, bởi nếu số liệu quyết toán không đúng sẽ làm thời gian thu phí dự án tăng lên.
Ví dụ, một dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng, thời gian thu phí tương ứng 20 năm nhưng khi quyết toán thì giảm còn 1.500 tỉ đồng, lúc đó phải giảm thời gian thu phí tương ứng.
Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trong khâu này để không xảy ra tình trạng như thời gian qua" - ông Ngô Trí Long kiến nghị.
Giảm trừ chi phí nhiều dự án BOT
Qua kiểm toán các dự án BOT, cơ quan kiểm toán cũng đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 665,8 tỉ đồng, gồm: sai khối lượng 74,5 tỉ đồng, sai đơn giá 186,9 tỉ đồng, sai khác 404,3 tỉ đồng.
Một số dự án có tỉ lệ xử lý lớn được KTNN chỉ rõ là dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc 17,345 tỉ đồng (5,18%); đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1) 34,3 tỉ đồng (6,39%); dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ 340,4 tỉ đồng (7,63%).
Ông NGUYỄN TƯƠNG, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam:
Hài hòa lợi ích các bên
Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi luôn mong muốn phí BOT và thời gian thu phí hợp lý, đúng pháp luật để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Việc kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn là trên cơ sở kết quả kiểm toán của KTNN.
Mức phí và thời gian thu phí đều được quy định rõ ràng trên cơ sở thống nhất giữa 2 chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư dự án BOT nên việc giảm thời gian thu phí cũng phải dựa trên các quy định đã ký kết giữa hai bên.
Việc xử lý giảm thời gian thu phí phải tuân thủ các nguyên tắc theo hợp đồng để tránh các tranh chấp, khiếu nại từ phía nhà đầu tư dự án BOT với cơ quan nhà nước.
Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM:
Thiếu công khai, minh bạch
Những sai phạm ở các dự án BOT này không mới, bởi hàng loạt dự án có những vấn đề tương tự cũng đã được chỉ ra trong thời gian qua. Hiện nay, rất nhiều dự án BOT không được công khai, minh bạch với người dân, doanh nghiệp bởi gần như nằm trong "nội bộ" một số cơ quan quản lý.
Dù đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp vận tải thành viên - một trong những đối tượng chính sử dụng các tuyến đường có dự án BOT - nhưng từ trước tới nay, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM chưa từng được tham gia góp ý hay có các đề xuất liên quan với những dự án này.
Luật sư VÕ ĐAN MẠCH, Đoàn Luật sư TP HCM:
Sai phạm ở nhiều chủ thể
Nguyên nhân chính của các hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều dự án BOT có dấu hiệu sai phạm về mặt dân sự, hành chính và thậm chí là hình sự.
Đơn cử như những dự án chỉ định thầu mà không tổ chức đấu thầu, nhiều sai phạm về tài chính, thực hiện không đúng quy trình, quy định, không có số liệu để chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của dự án...
Những sai phạm nêu trên có thể có dấu hiệu cấu thành tội phạm liên quan đến các nhóm tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (mục 3, chương III, Bộ Luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự cũng còn nhiều bất cập. Các sai phạm từ các dự án BOT không chỉ thuộc về một, hai chủ thể mà liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cả các cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức, nhà đầu tư... Do vậy, rất khó khăn trong việc chứng minh cấu thành tội phạm và áp dụng pháp luật để xử lý.