6 nhân tố ảnh hưởng đến cục diện xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2023

Kiều Anh |

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã sắp bước sang năm thứ hai. Giữa bối cảnh hồi kết cho cuộc xung đột này vẫn còn xa với, dưới đây là 6 nhân tố ảnh hưởng đến cục diện chiến trường trong những tháng đầu năm 2023.

Thời tiết

Địa hình hiện tại ở Ukraine vẫn trong tình trạng bùn lầy. Mặc dù nhiệt độ đã xuống dưới ngưỡng đóng băng nhưng vẫn không đủ thấp để khiến mặt đất cứng lại. Thậm chí, các loại xe có bánh xích cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển. Trên hầu khắp các mặt trận, nhịp độ xung đột giữa Nga và Ukraine đã chậm lại.

6 nhân tố ảnh hưởng đến cục diện xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Binh lính Ukraine sử dụng súng máy phòng không ở khu vực Kharkiv ngày 24/8. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khi mặt đất cứng lại, cường độ giao tranh sẽ gia tăng. Một số nhà quan sát cho rằng điều này có thể mang lại lợi thế cho Ukraine khi quân đội nước này có khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng, dù Kiev vẫn gặp thách thức trong việc đào hào và bảo vệ các vị trí mới. Ngoài ra, Ukraine cũng đang nhận được sự hỗ trợ của phương Tây từ các trang thiết bị đối phó với mùa đông đến các vũ khí hiện đại. Tuyến hậu cần của Ukraine cũng ngắn hơn nên quân đội nước này có thể di chuyển linh hoạt, đồng thời có thời gian để nghỉ ngơi và hồi sức.

Tuy nhiên, cục diện cuộc xung đột có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới khi Nga cải thiện năng lực phòng thủ và huy động nhiều lực lượng hơn trên chiến trường. Điều này sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc giành lại các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát.

Bakhmut

Nga có những tính toán riêng trong nỗ lực kiểm soát thành phố Bakhmut ở khu vực Donetsk. Thành phố này là một trong những nơi chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội nhất giữa Nga và Ukraine thời gian gần đây.

Bakhmut nằm trên tuyến hậu cần chiến lược giữa Donetsk và Lugansk, 2 khu vực ở Donbass mà Nga vừa tuyên bố sáp nhập cách đây một vài tháng. Các chuyên gia nhận định, việc giành được Bakhmut có thể thay đổi cục diện xung đột và tạo đà tiến công để Nga tiến hành các chiến dịch rộng hơn tại nhiều khu vực của Ukraine.

6 nhân tố ảnh hưởng đến cục diện xung đột Nga – Ukraine đầu năm 2023 - Ảnh 2.

Binh lính Ukraine đi qua một cây cầu tạm ở Bakhmut. Ảnh: Wall Street Journal

Việc giành được Bakhmut cũng mở đường cho quân đội Nga tới Slovyansk và Kramatorsk, hai trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine tại khu vực Donbass giàu năng lượng. Gregory Simons, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nga và Á - Âu tại Đại học Uppsala, Thụy Điển tin rằng Bakhmut sẽ là một "trận đánh quyết định" trong xung đột ở Ukraine.

Chiến thắng ở Bakhmut có thể giúp Nga tạo đà tiến công ở khu vực Donbass, cũng như giúp Tướng Sergei Surovikin, chỉ huy mới của quân đội Nga ở Ukraine, củng cố tính đúng đắn trong quyết định rút quân khỏi thành phố Kherson ở phía Nam Ukraine để huy động lực lượng chiến đấu ở những nơi khác.

Các cuộc tấn công của Ukraine

Hầu hết các nhà phân tích quân sự đều tin rằng Ukraine vẫn muốn tiếp tục tấn công trong mùa đông. Ông Mykola Bielieskov, học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Kiev, cho rằng thời điểm cho những cuộc tấn công tiếp theo không quan trọng.

"Nếu chúng tôi có năng lực và khả năng, cũng như nếu cánh cửa cơ hội mở ra vào mùa đông, chúng tôi có thể tiến hành tấn công. Nhưng nếu phải chờ tới mùa xuân, thì chúng tôi đành chờ đợi tới lúc đó và tiếp tục kế hoạch".

Theo các nhà phân tích quân sự, 2 hướng tiến công của Ukraine khá rõ ràng. Hướng tiến công đầu tiên nhắm vào con đường nối các thành phố Svatove và Kreminna ở khu vực Lugansk, đồng thời giao với con đường cao tốc R-66 có vai trò quan trọng. Hướng tiến công thứ hai của Ukraine sẽ nhắm vào các thành phố Melitopol và Berdyansk tại khu vực Zaporizhzhia ở phía Nam. Nếu đạt được mục tiêu này, Ukraine có thể cắt đứt tuyến hậu và tuyến liên lạc chủ chốt giữa Nga và Crimea.

Hệ thống phòng thủ của Nga

Việc rút quân vào mùa thu vừa qua khiến Nga thu hẹp phạm vi cần bảo vệ. Mặt trận này đã giảm từ 1.126km xuống còn 885km với 385km là sông, đóng vai trò như một lớp phòng thủ tự nhiên. Ngoài ra, Nga cũng có thể dễ dàng tính toán được các hướng tiến công của Ukraine.

Nga hiện tập trung vào việc củng cố các vị trí phòng thủ và xây dựng hào chiến. Theo đó, các lực lượng của Moscow đã đào hào để bảo vệ các khu vực rộng lớn trong và ngoài tiền tuyến. Nga thậm chí đã đào hào tới Crimea và các bãi biển ở đây để chặn trước chiến dịch đổ bộ của Ukraine. Các công sự cũng được xây dựng ở sâu bên trong.

Mục tiêu hiện nay của Nga, ngoại trừ ở Bakhmut và một vài khu vực khác, là hạn chế tấn công để tránh tổn thất lực lượng. Nhà phân tích Michael Clarke chuyên nghiên cứu về phòng thủ thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho biết, Nga dường như đang chờ đợi một điều gì đó sẽ thay đổi, chẳng hạn như việc phương Tây giảm hỗ trợ khi mùa đông tới hoặc việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ làm suy yếu sự ủng hộ cho Ukraine.

Kế hoạch tấn công của Nga

Các quan chức cấp cao Ukraine gần đây cho biết Nga đang chuẩn bị các chiến dịch tấn công lớn hơn vào Ukraine trong thời gian tới. Lãnh đạo quân sự cấp cao Ukraine - Tướng Valeriy Zaluzhnyi nhận định với The Economist rằng, Nga đang huy động 200.000 binh lính mới và có thể thúc đẩy cuộc tấn công nhằm vào Kiev sớm nhất là vào tháng 1. Ông đề nghị phương Tây hỗ trợ thêm cho nước này hàng trăm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và lựu pháo để đẩy lùi các lực lượng của Nga cũng như tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng nhận định, những nỗ lực huy động lực lượng và việc di chuyển các vũ khí hạng nặng của Nga gần đây cho thấy Moscow có lẽ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 1 và tháng 2.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, dự đoán của Ukraine có thể nhằm cảnh báo tâm lý tự mãn của phương Tây về khả năng quân sự của Nga, cũng như gây sức ép để các nước này tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Các sự kiện bên ngoài Ukraine

Việc đặt cược vào sự ủng hộ phai nhạt dần của phương Tây cho Ukraine có lẽ sẽ chưa xảy ra. Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington cho Kiev. Sự ủng hộ từ các nước châu Âu dường như vẫn được duy trì, ngay cả khi kinh tế của các nước này chịu tác động do giá năng lượng tăng cao.

Ngoài ra, trong gói hỗ trợ mới nhất, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot để hỗ trợ bảo vệ lưới điện và các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này trước các cuộc không kích UAV và tên lửa của Nga. Dù vậy, việc huấn luyện cho quân đội Ukraine sẽ cần thời gian và hệ thống Patriot sẽ chưa thể đi vào hoạt động cho tới mùa đông. Ông Bielieskov cho rằng, việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine cho thấy sự thay đổi trong thái độ của các nước phương Tây.

Một số nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục nói về điều kiện đàm phán hòa bình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết phương Tây nên cung cấp cho Nga các đảm bảo an ninh như một phần trong bất kỳ thỏa thuận đàm phán nào để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

"Hòa bình cần đối thoại. Đầu tiên và trước hết là đảm bảo sự thống nhất lãnh thổ và an ninh dài hạn cho Ukraine. Những cũng cần những đảm bảo an ninh cho Nga bởi nước này sẽ là một bên trong thỏa thuận định chiến hoặc hiệp ước hòa bình", ông Macron cho hay.

Tuy vậy, để tiến tới thỏa thuận hòa bình thì các bên vẫn còn một chặng đường dài bởi như Tổng thống Zelensky nhận định, mục tiêu của Ukraine là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất từ năm 2014 trong khi Nga đã nhiều lần tuyên bố, việc phương Tây không ngừng bơm vũ khí cho Kiev cho thấy các nước này đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm với Moscow./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại