Các máy bay tiêm kích thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã được huy động để chặn phi đội máy bay ném bom này, dù thực tế phía Trung Quốc không xâm nhập vào không phận của Nhật Bản.
Theo ông Onodera, giới chức trách Tokyo đang “phân tích động cơ” của Bắc Kinh từ động thái trên, bởi đây là lần đầu máy bay Trung Quốc đi theo tuyến đường đó.
Phản ứng của chính quyền Nhật Bản đã thể hiện rõ trên các kênh ngoại giao, tuy nhiên Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức nào, Sputnik đưa tin.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc lạnh nhạt dần sau những tuyên bố chủ quyền đối với biên giới biển trên Biển Hoa Đông. Quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) hay Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) là trung tâm của các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai nước.
Tokyo lập luận, quần đảo Senkaku thuộc kiểm soát của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và được trao trả cho Nhật Bản vào năm 1972. Trong khi, Bắc Kinh tuyên bố, quần đảo này được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ từ năm 1783.
Liên quan đến tranh chấp trên, Nhật Bản tích cực thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo kế hoạch phát triển hệ thống radar, có khả năng phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến, hiện đang được Nga và Trung Quốc phát triển.
Bên cạnh đó, bộ này cũng sẽ triển khai hệ thống phòng thủ Aegis Ashore do Mỹ sản xuất trên mặt đất, cũng như tăng số lượng tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa Aegis tại khu vực biên giới.