Học giả TQ: Chặn Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, New Delhi sẽ bị cả thế giới tấn công

Thủy Thu |

Theo học giả Trung Quốc, việc New Delhi phong tỏa tuyến hàng hải của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương chẳng khác nào "ném bom hạt nhân" vào Trung Quốc.

Cuộc đối đầu Trung-Ấn ở cao nguyên Doklam đã kéo dài hơn hai tháng nhưng chưa có dấu hiện hạ nhiệt. Mới đây, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra lời cảnh cáo, yêu cầu Ấn Độ "với cương vị một nước lớn cần đưa ra phán đoán và quyết định khôn ngoan, lý trí bởi Trung Quốc đã tận tình tận nghĩa".

Một luồng ý kiến dự đoán rằng, trước diễn biến căng thẳng và những lời cảnh cáo liên tiếp của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh toàn diện giữa Trung-Ấn có thể sẽ bùng nổ, kéo dài từ cao nguyên Doklam tới Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hải dương, Đại học Bắc Kinh Hồ Ba phản bác rằng, Ấn Độ không đủ năng lực để ngăn chặn Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Theo ông này, Trung Quốc hiện nay là một cường quốc với nền thương mại phần lớn dựa vào hình thức vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nên "nếu có quốc gia hoặc tập đoàn nào muốn phong tỏa đường biển của Trung Quốc thì sức phá hoại và mức độ nghiêm trọng không kém gì chiến tranh hạt nhân".

Hồ Ba chỉ ra, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Rajiv Sikri từng nói, "sự hiện diện hùng hậu của hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương có thể áp đảo sức mạnh hải quân Trung Quốc vì thế ở mức nào đó có thể lấn át được ưu thế trên đất liền, không phận và không gian mạng của Trung Quốc".

Theo Hồ Ba, phát biểu của ông Sikri đồng nghĩa, nếu Trung-Ấn xảy ra xung đột quy mô lớn ở đất liền , New Delhi có thể "trả đũa, ngăn chặn và uy hiếp" Bắc Kinh trên biển

"Phải thừa nhận rằng, Ấn Độ thực tế có điều kiện và khả năng này", Hồ Ba nói.

Bởi theo học giả Trung Quốc, Ấn Độ đang "trấn giữ" đường vào châu Âu của Bắc Kinh nên bất cứ lúc nào đều có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các tuyến đường giao thông hàng hải của Bắc Kinh - "các tuyến hàng hải của Bắc Kinh qua Ấn Độ Dương đều thuộc tầm ngắm của lực lượng hải - không quân và tên lửa Ấn Độ".

Tuy nhiên, theo Hồ Ba, ý tưởng chiến lược trên khá hợp lý nhưng New Delhi rất khó triển khai bởi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Bởi thứ nhất, sức mạnh quốc gia giữa hai bên vốn chênh lệch, chiến lược tổng thể của Ấn Độ có phần bất lợi trước Trung Quốc. Trên đất liền, New Delhi gặp áp lực chiến lược trước Trung Quốc và Pakistan.

"Ấn Độ nếu tấn công tàu thuyền của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, Bắc Kinh có thể sử dụng tên lửa và máy bay chiến đấu trực tiếp phản công vào vùng nội địa của New Delhi", Hồ Ba nói.

"Ấn Độ sẽ có một vài động thái ở phương diện này nhưng chỉ cần không xảy ra chiến tranh toàn diện, New Delhi rất khó hạ quyết tâm tiến hành chiến dịch bủa vây quy mô lớn trên biển đối với Bắc Kinh", bởi theo Hồ Ba, hành động ngăn chặn các tàu thuyền thương mại của Bắc Kinh chẳng khác nào "thả hạt nhân xuống Trung Quốc"và dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện.

Hơn nữa, cùng với sức mạnh hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Bắc Kinh sẽ dễ dàng đáp trả New Delhi trên Ấn Độ Dương.

"Muốn ngăn chặn hiệu quả tất cả tàu thuyền của Trung Quốc ở đại dương rộng lớn là một việc vô cùng khó và cần rất nhiều thời gian" - Hồ Ba chế giễu - "Có thể khi Ấn Độ chưa đạt được mục đích thì chiến tranh hoặc đối đầu đã kết thúc".

Ngoài ra theo ông này, do đều đang hưởng lợi từ nền thương mại mở cửa toàn cầu nên các nước (đặc biệt là các nước lớn) sẽ không chấp nhận cục diện bất ổn, hỗn loạn xuất hiện trên một tuyến hàng hải quan trọng.

"Nếu tập kích hoặc phong tỏa [Trung Quốc] trên biển, Ấn Độ sẽ trở thành mục tiêu tấn công của thế giới", Hồ Ba cho rằng, lợi ích thương mại giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, Đông Á ngày càng gia tăng, nếu Ấn Độ tự "đốt lửa trước cửa nhà" và "chỉ lo cho thân mình" là điều không thể và tự hủy hoại an ninh thương mại quốc tế của mình.

"Do đó, trừ phi quy mô chiến tranh vượt khỏi tầm kiểm soát, phát triển thành một cuộc chiến hủy diệt nếu không New Delhi rất khó thực hiện chiêu này", Hồ Ba kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại