Súng trường M27. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
M4A1
Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào liên quan đến súng trường của quân đội Mỹ không thể không nhắc đến M4 – phiên bản nhỏ gọn hơn của súng trường huyền thoại M16.
Mặc dù M4 và M16 có hình thức khá giống nhau, nhưng xét về tổng thể thì M4 vẫn nhẹ hơn và ngắn hơn, với trọng lượng 2,88kg, chiều dài 83,82cm (kể cả báng súng).
Thiết kế này nhằm tối ưu hóa lợi thế của M4 khi sử dụng trong những tình huống đòi hỏi các loại vũ khí gọn nhẹ, dễ mang vác, chẳng hạn như tác chiến ở khu vực đô thị, dùng cho các kỵ binh hay trong những loại xe bọc thép chật chội.
Giống như M16, M4 sử dụng đạn tiêu chuẩn NATO 5.56 x 45 mm. Tuy nhiên do nòng súng có độ dài 37 cm, ngắn hơn M16 nên tầm bắn hiệu quả thấp hơn một chút.
Súng trường tấn công M4 có tầm bắn xa nhất là 600m, tốc độ bắn tối đa 950 viên/phút với lưu tốc đầu đạn là 884m/s. M4 khá phổ biến trên thế giới. Nó được sử dụng nhiều ở châu Mỹ Latin, Trung Đông, châu Âu và một số khu vực khác.
FNSCAR
Dòng súng trường SCAR ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Mỹ về một loại súng trường thiết kế theo dạng mô đun (cho phép thay đổi nhanh cấu hình, có thể tương thích với các loại thiết bị hỗ trợ), sử dụng hộp tiếp đạn 5,56 x 45 mm và 7,62 x 51 mm tiêu chuẩn NATO.
Súng có thể lắp ráp để chuyển đổi thành phiên bản hạng nhẹ CAR-L và phiên bản hạng nặng SCAR-H. Cả hai mẫu này đều có thể sử dụng làm súng trường thiện xạ hay vũ khí cận chiến vì chúng có 3 loại nòng khác nhau là ngắn, tiêu chuẩn và dài.
Dù có bề ngoài khá giống nhau, nhưng SCAR-L sử dụng hộp tiếp đạn STANAG tiêu chuẩn NATO còn SCAR-H sử dụng hộp tiếp đạn do công ty FN Herstal của Bỉ thiết kế.
Súng trường tấn công M27
Súng trường tấn công M27 mới của Thủy quân lục chiến được coi là một trong những loại súng trường chính xác nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ.
M27 là định danh của dòng súng trường tự động phát triển từ nguyên mẫu Heckler & Koch 416 do Đức thiết kế, được thủy quân lục chiến Mỹ đưa vào biên chế từ năm 2011.
Heckler & Koch 416 từng được sử dụng để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong chiến dịch đột kích nổi tiếng của Lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tại Abbottabad, Pakistan.
M27 được cải thiện đáng kể về độ chính xác, phạm vi hoạt động và độ tin cậy so với M16 và M14, nhờ có nòng dao động tự do với chiều dài khoảng 420 mm và hệ thống piston khí hành trình ngắn.
Khẩu súng này sử dụng cỡ đạn chuẩn NATO là 5,56x45mm, có tốc độ bắn từ 700 tới 900 viên mỗi phút. Hiện, Thủy quân lục chiến đang xem xét nâng cấp khả năng sát thương của M27.
Súng trường M14
Súng trường M14 được sản xuất từ năm 1959, dài 1.181 mm, tốc độ bắn 725 viên mỗi phút và tầm bắn 460 m, có báng súng bằng gỗ. Nó khá chắc chắn, có độ chính xác cao cũng như sức công phá lớn nhờ sử dụng hộp tiếp đạn 7,62 x 51 mm tiêu chuẩn NATO.
M-14 là vũ khí chính được bộ binh Mỹ sử dụng trong giai đoạn đầu chiến tranh Việt Nam. Dù là một khẩu súng trường tốt nhưng nó lại không phù hợp với chiến trường Việt Nam vì quá nặng, quá dài và các bộ phận bằng gỗ dễ bị cong vênh do điều kiện khí hậu ẩm.
Cuối cùng, quân đội Mỹ đã nâng cấp và cải tiến khẩu súng này để tạo ra một phiên bản mới là súng trường Mk14.
Súng trường Mk 14 EBR
Lục quân và Bộ Chỉ huy các hoạt động đặc biệt của Mỹ đã thiết kế lại súng trường M14, tạo ra phiên bản Mk 14 Enhanced Battle Rifle (EBR). So với khẩu M14 thì Mk 14 EBR có cơ cấu bắn giống hệt nhưng khác về vật liệu chế tạo.
Mk 14 có thiết kế hoàn toàn từ kim loại, nhựa tổng hợp và hợp kim, báng súng có thể được điều chỉnh được và giá súng dễ dàng thu gọn lại. Nó cũng có thêm thanh ray Picatinny để gắn thêm các phụ kiện và ống ngắm hiện đại. Tuy súng nặng hơn so với M14 nhưng nó có độ ổn định và độ bền cao hơn.
M39 EMR
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng có ý tưởng tương tự như Lục quân, nhưng họ đã quyết định sửa đổi M14 khác biệt một chút, dẫn đến sự ra đời của súng trường M39 EMR.
M39 EMR cũng có báng súng tùy chỉnh, giá súng có thể thu gọn được và thanh ray gắn phụ kiện. Tuy nhiên, phiên bản này nhanh chóng được thay thế bằng những khẩu súng trường thiện xạ hiện đại hơn.