5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ

Đức Anh |

Những người lính tinh nhuệ, xe tăng Abrams lừng danh hay trực thăng AH-1 là những yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh bách chiến, bách thắng cho Thủy quân lục chiến Mỹ.

Thủy quân lục chiến Mỹ tự hào là "lực lượng phản ứng nhanh 911" của quân đội Mỹ, cho phép tổng thống huy động nhanh chóng trong các tình huống khẩn cấp. Mặc dù Thủy quân lục chiến được ví là lực lượng lục quân thứ 2 của Mỹ nhưng trên thực tế, họ là một phần của Hải quân.

Do là một lực lượng hải quân chuyên thực hiện nhiệm vụ đổ bộ nên Thủy quân lục chiến cần nhiều phương tiện chuyên dụng. Theo tạp chí National Interest, dưới đây là 5 vũ khí đáng gờm nhất mà Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có và đó cũng chính là những gì đã làm nên sức mạnh của họ. 

1. Những người lính tinh nhuệ

Các binh sĩ Thủy quân lục chiến được đào tạo kỹ lưỡng, đó là một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với sức mạnh của đơn vị. Mỗi thành viên Thủy quân lục chiến từ binh sĩ cấp bậc thấp nhất đến các chỉ huy đều được đào tạo như một lính bộ binh.

5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh 1.

Những binh sĩ Thủy quân lục chiến luôn được đào tạo rất bài bản và kỹ lưỡng.

Ngay cả các phi công hải quân của Thủy quân lục chiến cũng phải trải qua 9 tháng huấn luyện bộ binh trước khi đến trường đào tạo bay.

Chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu mặt đất giúp tăng cường sự gắn kết giữa các đơn vị trong Thủy quân lục chiến. Điều đó giúp họ trở thành bộ phận chiến đấu hiệu quả nhất trong lực lượng vũ trang Mỹ. 

2. Xe tăng M1A1 Abrams

Thủy quân lục chiến tự hào là lực lượng cơ động chiến lược hạng trung, nhưng có những lúc họ cần sức mạnh từ phương tiện chiến đấu bọc thép hạng nặng, từ xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.

5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh 2.

Xe tăng M1A1 Abrams - nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của Thủy quân lục chiến.

M1A1 của Thủy quân lục chiến Mỹ tuy không hiện đại bằng M1A2 SEP của lục quân, nhưng rất phù hợp với mục địch hỗ trợ bộ binh trong tác chiến hàng hải. M1A1 được trang bị pháo chính 120 mm, giáp nhồi uranium nghèo, cùng động cơ tuabin khí công suất 1.500 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 72 km/h.

Thủy quân lục chiến không hoạt động theo mô hình lữ đoàn cơ giới hạng nặng của bộ binh mà chỉ có 3 tiểu đoàn xe tăng với số lượng khoảng 400 xe, hầu hết trong đó lưu trữ ở các kho gần nơi đóng quân.

3. Trực thăng AH-1Z Viper

Viper là phiên bản nâng cấp mới nhất của trực thăng vũ trang AH-1 Cobra từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Thiết kế bên ngoài tương tự Cobra nhưng nó là một trực thăng hoàn toàn mới.

5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh 3.

Trực thăng AH-1Z Viper

AH-1Z được trang bị 2 động cơ tuboshaft General Electric T700, công suất 1.800 mã lực/chiếc, kết hợp với hệ thống rotor đặc biệt đem lại cho trực thăng khả năng cơ động ưu việt. Trực thăng được trang bị bộ cảm biến thế hệ mới do Lockheed Martin chế tạo và có thể lắp radar Long Bow.

Tương tự trực thăng tấn công AH-64E Apache của Lục quân, AH-1Z có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng Hellfire và có khả năng mang tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder. Viper cũng chia sẻ một số bộ phận phổ biến với trực thăng vận tải UH-1Y Venom, từ đó giúp giảm thiếu chi phí bảo trì.

Nhược điểm duy nhất của 2 loại trực thăng này là chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động nâng cấp vì vấn đề chi phí.

4. AV-8B Harrier

Đây là dòng máy bay chiến đấu phản lực dành riêng cho các đơn vị viễn chinh để tạo nên lực lượng không quân riêng của họ. Đối với Thủy quân lục chiến - lực lượng không thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của pháo binh hạng nặng thì máy bay là giải pháp chi viện hỏa lực cơ động hữu hiệu.

5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh 4.

AV-8B hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công.

Mặc dù không phải là tiêm kích hạm tốt nhất nhưng cho tới khi F-35B sẵn sàng hoạt động thì Harrier vẫn là máy bay cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng duy nhất có khả năng vận hành từ tàu đổ bộ. Loại tiêm kích với tốc độ cận âm này đóng vai trò cần thiết đối với các hoạt động đặc biệt của Thủy quân lục chiến Mỹ.

5. Xe bọc thép viễn chinh LAV

Thủy quân lục chiến vốn là lực lượng cơ động cao nên không cần những xe bọc thép hạng nặng. Tuy nhiên, lực lượng cơ giới đóng vai trò cần thiết để chở quân từ tàu đổ bộ vào bờ. Xe thiết giáp chính của Thủy quân lục chiến là phương tiện bọc thép hạng nhẹ LAV do tập đoàn General Dynamics chế tạo.

5 vũ khí đáng gờm nhất của Thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh 5.

Phiên bản LAV-25

Mỗi tiểu đoàn xe thiết giáp trinh sát hạng nhẹ của Thủy quân lục chiến gồm nhiều phiên bản khác nhau của LAV như LAV-25, LAV-AT, LAV-L, LAV-M, LAV-R và LAV-C2, mỗi phiên bản đều có nhiệm vụ riêng như chở quân, chống tăng, phòng không, chỉ huy.

Trong đó, phương tiện chủ lực là phiên bản LAV-25, nhanh nhẹn và linh hoạt, LAV-25 được trang bị pháo 25 mm và 2 súng máy 7,62 mm. Xe có thể chở theo 6 binh sĩ, cùng kíp lái 3 người, nó có thể đạt tốc độ tối đa tới 100 km/h.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại