Theo tờ Aljazeera, từ một vị thế trội hơn, cuộc thăm dò ý kiến mới đây nhất cho thấy khoảng cách giữa ông Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton rút ngắn nhanh chóng. Kết quả này không khỏi khiến chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton phải lo ngại.
Ở bang Florida, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ bị đối thủ đảng Cộng hòa bám đuổi sát nút. Ở bang Ohio, bà Clinton đang bị "thất sủng". Còn ở Pennsylvania, bà tuy vượt trước ông Trump nhưng cách biệt không nhiều. Đây là những bang mà ai muốn vào Nhà Trắng đều phải giành được sự ủng hộ.
Tờ Aljazeera cho hay dù còn nhiều khó khăn để tỉ phú New York giành được chiến thắng nhưng ông Trump vẫn có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ dựa vào năm lý do sau:
Thứ nhất, Trump liên tục vượt qua mọi thử thách. Ở vòng bầu cử sơ bộ, không mấy người ngờ rằng ông Trump được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống chính thức. Ông ta quá khó ưa, quá thẳng thừng, lại không có một chiến dịch chính trị nào đáng được nhắc tới.
Tuy nhiên, những điều trên nào có nghĩa lý gì bởi ông đã hạ gục 16 ứng viên cùng đảng. Tỉ phú Trump giành được sự quý mến của mọi người bởi tính thẳng thắn và quyết liệt. Thậm chí nhiều người còn nhìn nhận ông như một cá biệt trong giới chính trị.
Thứ hai, cuộc đua gay cấn hơn bao giờ hết. Bà Clinton dường như không gặp phải rào cản nào để tiến tới ngôi vị ứng viên ra tranh cử tổng thống chính thức của đảng Dân chủ. Sau lễ Ngày Lao động, mọi người bắt đầu chú ý hơn tới cuộc bầu cử tháng 11.
Ông Trump đã cho chạy các chương trình quảng cáo truyền hình để vận động tranh cử. Trong khi đó, phe của cựu ngoại trưởng Mỹ đã phủ sóng khắp các bang trọng yếu còn đang dao động và mạnh tay chi ra hàng triệu USD. Dù vậy, bà vẫn chưa thể rút ngắn khoảng cách để giành lợi thế lớn.
Thứ ba, ông Trump không có một chiến dịch thực tế quy mô nào ở những bang trọng điểm, song đảng Cộng hòa đã làm điều này. Đảng này đã làm cho cử tri hiểu rằng tỉ lệ người đi bầu thấp đồng nghĩa với việc phe Cộng hòa sẽ đánh mất đa số phiếu bầu ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Điều đó khiến cử tri đi bỏ phiếu đông hơn.
Thứ tư, nhiều người không tin bà Clinton. Ứng viên đảng Dân chủ hy vọng bê bối email cá nhân của bà sẽ đi vào quên lãng. Vì vậy, rất nhiều lần chiến dịch tranh cử của bà đã phản ứng với tình tiết mới nhất của câu chuyện về việc bà sử dụng một máy chủ cá nhân bằng câu: "Chẳng có gì mới ở đây. Cứ tiếp tục thôi." Tuy nhiên, "chiêu" này không hiệu quả.
Ngoài đối mặt với những người không tin tưởng bà, cựu ngoại trưởng Mỹ vẫn phải cố gắng thuyết phục những người từng ủng hộ ông Bernie Sanders - đối thủ cùng đảng của bà. Bà phải làm sao để khiến họ tin rằng bà có chung mục tiêu và mục đích với họ và bà sẽ dùng một phần nghị trình của ông ấy nếu thắng cử.
Bà Hillary Clinton đang đối mặt với các tin đồn quái ác về sức khỏe. Ảnh: unilad
Bà Clinton có nhiều người nhiệt tình ủng hộ, điều đó rõ ràng. Nhưng bà không tận dụng được lợi thế này như ông Barack Obama từng tận dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến số người đi bỏ phiếu cho bà.
Thứ năm, tính bất định của cuộc bầu cử. Tất cả cuộc bầu cử ở Mỹ đều tựu chung về "sự thay đổi". Bà Hillary Clinton là một thành viên quá "quen mặt" trên vũ đài chính trị Mỹ suốt 30 năm qua. Trong khi đó, Donald Trump lại khác.
Ứng viên đảng Cộng hòa cam kết sẽ có nhiều thay đổi ở nhiều lĩnh vực. Đó là một cách nghĩ khác, một cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề. Ông cũng thể hiện bản thân mình là một ứng viên thay đổi.
Người ta có thể đặt cược vào việc thay đổi mọi thứ, thực hiện một cuộc thử nghiệm chính trị mới bởi biết rõ họ có thể đổi ý trong bốn năm nữa nếu không thấy hiệu quả.
Với những lý do trên, diện mạo của cuộc đua cho chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ chứng kiến nhiều bất ngờ, gay cấn vào tháng 11 tới.