5 dự án vũ khí bí mật nhưng "vô tình bị rò rỉ": Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình?

QS |

Dự án vũ khí số 1 là dự án thu hút được nhiều sự chú ý nhất hiện nay, đồng thời nó cũng làm dấy lên tranh cãi về việc người Nga "vô tình" hay "cố ý" để lộ thông tin.

Các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới được biết tới là những quốc gia luôn bảo mật chặt chẽ thông tin về các loại vũ khí thế hệ mới của mình.

Tuy nhiên, không quốc gia nào tránh được hoàn toàn những trường hợp vô tình bị rò rỉ thông tin có giá trị về các mẫu máy bay, tàu chiến hoặc xe tăng mới ra bên ngoài, hay để chúng lọt vào tay các đối thủ.

Hãng tin Sputnik đã liệt kê top 5 dự án vũ khí vô tình bị lộ thông tin trong những thập kỷ gần đây.

5. K2 Black Panther

Khi mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới có khối lượng 55 tấn và đơn giá lên tới 8,5 triệu USD/chiếc của Hàn Quốc được đưa vào sản xuất trong tháng 3/2007, nó đã khiến cho nhiều nhà quan sát phải kinh ngạc.

Được thiết kế bởi Cơ quan Phát triển Quốc phòng và thi công bởi công ty Hyndai Rotem, dự án xe tăng K2 được xúc tiến vô cùng bí mật và thử nghiệm tại các khu vực giấu kín.

5 dự án vũ khí bí mật nhưng vô tình bị rò rỉ: Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther. Ảnh: WikiWIKIPEDIA / SIMTA

Tuy nhiên, đầu năm 2000, những bức ảnh chụp mẫu xe tăng này, trong đó phần tháp pháo được phủ vải ngụy trang, đã lọt vào tay cánh truyền thông. Các chuyên gia quân sự nhanh chóng ước tính được kích thước và khối lượng của xe tăng, đồng thời còn suy đoán được rằng vũ khí chủ lực của nó là pháo nòng trơn Rheinmetall 120mm.

Mặc dù vậy, hệ thống điện tử, thiết bị liên lạc và hệ thống bảo vệ chủ động của xe tăng vẫn giữ được bí mật. Vài công nghệ trong số này (như giáp composite của K2) tới hiện nay mới được giải mật.

4. Sea Shadow

IX-529 Sea Shadow là mẫu tàu thử nghiệm do Cơ quan Các dự án nghiên cứu Quốc phòng Tiên Tiến (DARPA) phát triển và do tập đoàn Lockheed Martin phụ trách chế tạo cho Hải quân Mỹ trong giai đoạn giữa những năm 1980.

5 dự án vũ khí bí mật nhưng vô tình bị rò rỉ: Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình? - Ảnh 2.

Tàu Sea Shadow của Hải quân Mỹ. Ảnh: PUBLIC DOMAIN / US NAVY EMPLOYEE

Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của Không quân Mỹ với công nghệ tàng hình, thiết kế độc đáo của Sea Shadow giúp nó có tiết diện phản xạ radar cực nhỏ.

Tuy nhiên, chiếc Sea Shadow duy nhất được chế tạo đã bị loại khỏi biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2006 và tháo dỡ năm 2012.

Rất cảnh giác trước đối thủ Liên Xô, Lầu Năm Góc đã giữ bí mật chặt chẽ dự án và chế tạo Sea Shadow trong một sà lan lớn trên bờ biển California, đồng thời chỉ thử nghiệm nó vào ban đêm.

5 dự án vũ khí bí mật nhưng vô tình bị rò rỉ: Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình? - Ảnh 3.

Sea Shadow trong quá trình chế tạo.

Hình ảnh chính thức của Sea Shadow được đưa ra vào năm 1993 khi con tàu bắt đầu quá trình thử nghiệm vào ban ngày. Nhưng thực chất, thông tin về nó đã bị rò rỉ trước thời điểm này nhiều năm. Khi ấy, Sea Shadow được mô tả là "một vật thể nổi không xác định".

Để che giấu bí mật, truyền thông Mỹ đưa tin chiếc sà lan trên thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Howard Hughes và dự định được sử dụng như một tàu khai thác mỏ.

3. Tàu Trung Quốc bí ẩn lắp vũ khí điện từ

Đầu tháng 2/2018, trên mạng xã hội nhanh chóng lan truyền các bức ảnh chụp một khẩu pháo hạng nặng bí ẩn trên một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự sớm tiết lộ rằng vũ khí đó là một khẩu pháo ray điện từ, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trang bị thành công công nghệ này trên tàu chiến.

5 dự án vũ khí bí mật nhưng vô tình bị rò rỉ: Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình? - Ảnh 4.

Hình ảnh rò rỉ về hệ thống pháo điện từ của Trung Quốc.

Vào tuần trước, một bản báo cáo tình báo của Mỹ đã xác nhận rằng, loại vũ khí tầm xa - với khả năng bắn đạn sử dụng năng lượng điện thay vì nhiên liệu hóa học - đang được Trung Quốc phát triển. Dự kiến, nó sẽ có mặt trong kho vũ khí của Trung Quốc vào năm 2025.

Theo các chuyên gia nắm được báo cáo này, loại đạn chính xác dùng cho pháo điện từ của Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 200km trong thời gian chưa đầy 90 giây. Chi phí một quả đạn rơi vào khoảng 25.000 - 50.000 USD (trong khi đó, một tên lửa Tomahawk có giá khoảng 1,4 triệu USD).

2. Tiêm kích tàng hình J-20

Chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô giành được hợp đồng.

Vào năm 2009, khi một quan chức Trung Quốc thông báo dự án J-20 đã bước sang giai đoạn phát triển nâng cao thì không lâu sau, mạng lưới internet đã ngập tràn những hình ảnh giả được cho là mẫu máy bay thế hệ mới của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chỉ có những bức ảnh được một blogger Trung Quốc đăng tải vào tháng 12/2010 mới được chứng minh là chân thực.

J-20 trình diễn tại triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2016

Theo một giả thuyết được đưa ra thì quân đội Trung Quốc (PLA) đã tự để lộ các bức ảnh nhằm phô trương dự án của mình. Còn trên danh nghĩa chính thức, PLA đã giữ kín tình trạng của J-20 cho tới tháng 1/2011, khi nó tiến hành chuyến bay đầu tiên.

Công chúng đã có dịp quan sát rõ hơn mẫu chiến đấu cơ của Trung Quốc tại triển lãm hàng không năm 2016.

J-20 được giới thiệu chính thức vào tháng 3/2017 và một số nguồn tin cho biết, đã có hơn 20 chiếc được Trung Quốc đưa vào biên chế.

1. Status-6 Poseidon

Phương tiện không người lái dưới nước trang bị vũ khí hạt nhân Status-6 Poseidon được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2015, khi một nhân viên quay phim của đài truyền hình "vô tình" quay được sơ đồ của hệ thống trong cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo đó, ngư lôi Status-6 có tầm bắn 10.000km, tốc độ tối đa 100 hải lý/h và có thể lặn tới độ sâu 1.000m.

Liên quan tới "sự cố" này, trang mạng Defense News nhận định, đây không phải là lần đầu tiên thông tin về các dự án quân sự mới bị rò rỉ từ Nga theo phương thức như trên, làm dấy lên câu hỏi đó có đơn thuần là do "vô tình" hay không.

Chẳng hạn, trong tháng 6 năm ngoái, thông tin về vệ tinh Repei - một loại vệ tinh có khả năng thu thập thông tin tình báo nhưng chưa từng thấy trước đây của Nga - cũng bị rò rỉ theo phướng thức tương tự.

Không bao lâu sau khi đăng tải, bức ảnh chụp mẫu vệ tinh mới đã bị xóa khỏi website của Bộ Quốc phòng Nga.

5 dự án vũ khí bí mật nhưng vô tình bị rò rỉ: Top 3 là chiêu trò đánh tiếng trá hình? - Ảnh 7.

Hình ảnh về Status-6 bị rò rỉ trên kênh truyền hình quốc gia Nga cuối năm 2015. Ảnh: YOUTUBE / ЮРБАС

Mặc dù ban đầu cho rằng đây là một chiến dịch tung tin đánh lạc hướng của Nga nhưng sau đó Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng Status-6 đang được Moscow thử nghiệm, thậm chí coi đó là "mối đe dọa chiến lược lớn" đối với các cảng biển, căn cứ quân sự ven biển và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đã xác nhận sự tồn tại của Status-6 trong thông điệp liên bang hôm 1/3 năm nay. Quân đội Nga sau đó cũng đã công bố chi tiết và khả năng tác chiến và thời gian dự kiến mà Status-6 sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga.

Tổng thống Nga Putin công bố về dự án phương tiện tác chiến không người lái dưới nước trong Thông điệp liên bang 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại