Những dự án chắp cánh cho năng lượng hạt nhân của các cường quốc

ĐĂNG SƠN |

Từ những năm 1950, các nhà khoa học Mỹ và Liên Xô (Nga ngày nay) đã có tham vọng ứng dụng tiềm năng to lớn của năng lượng hạt nhân để nâng tầm hoạt động của các phương tiện bay lên nhiều lần.

Những máy bay “không biết mỏi mệt”

Những thành công bước đầu của tàu mặt nước và tàu ngầm hạt nhân đầu những năm 1950 khiến giới khoa học của Mỹ và Liên Xô tính đến tiềm năng thay thế nhiên liệu hóa thạch cho động cơ máy bay bằng loại năng lượng mạnh mẽ này. Máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ có tầm hoạt động hàng chục nghìn kilomet trước khi phải hạ cánh để thay thế nhiên liệu phóng xạ.

Năm 1952, một cơn bão quét qua căn cứ không quân Caswell (Mỹ), gây hư hại nhiều máy bay, trong đó có một máy bay ném bom B-36 bị phá hủy hoàn toàn phần mũi. Các chuyên gia đã tận dụng cơ hội này để thay thế buồng lái mới có lắp đặt thêm các tấm chắn phóng xạ, đánh dấu sự ra đời của dự án máy bay hạt nhân đầu tiên.

Nguyên mẫu có tên gọi NB-36H có nhiệm vụ chính nhằm thử độ an toàn của lò phản ứng đối với tổ bay. NB-36H đã thực hiện thành công 215 giờ bay bằng động cơ thông thường, trong đó 89 giờ có lò phản ứng hoạt động.

Trên cùng chặng đua về máy bay hạt nhân, ngày 28-3-1956, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua quyết định số 247, triển khai dự án tương tự với tên gọi Tu-95LAL. Từ tháng 5 đến tháng 8-1961, nguyên mẫu hoán cải từ máy bay ném bom Tu-95 này thực hiện 34 chuyến bay, cho thấy tính an toàn của lớp chắn phóng xạ cho tổ lái.

Mặc dù có tiềm năng lớn về tầm bay, giai đoạn máy bay ném bom sử dụng năng lượng hạt nhân đạt được những thành công bước đầu lại trùng với thời gian các thiết kế tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Mỹ và Liên Xô đạt đủ tầm bắn.

Máy bay hạt nhân do đó trở thành công cụ răn đe phức tạp, có rủi ro và chi phí cao. Đến giữa những năm 1960, tất cả các dự án thử nghiệm và ý tưởng về máy bay hạt nhân đều bị hủy bỏ.

Chặng đường hơn 50 năm của hai nền khoa học hàng đầu

Vẫn duy trì tham vọng ứng dụng nguồn năng lượng to lớn này vào hàng không, vào năm 1957 chính phủ Mỹ đã triển khai dự án Pluto, với mục đích cho ra đời tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngày 14-5-1961, dự án Pluto đạt được bước tiến đầu tiên với động cơ phản lực dòng thẳng Tory-IIA, sử dụng nhiệt từ phản ứng phân rã hạt nhân để đốt cháy không khí tạo lực đẩy. Đến năm 1964, phiên bản động cơ hoàn thiện Tory-IIC vượt qua thành công thử nghiệm tĩnh kéo dài 292 giây.

Tính khả thi của động cơ phản lực hạt nhân khiến giới quân sự Mỹ đặt nền móng cho dự án Tên lửa siêu âm trần bay thấp (SLAM). Ngoài “trái tim” là động cơ Tory tiên tiến, tên lửa SLAM còn ứng dụng các công nghệ tối tân nhất của nền khoa học quân sự Mỹ khi đó như hệ thống dẫn đường quán tính kiêm radar vẽ bản đồ mặt đất và hệ thống lái tự động.

Về lý thuyết, động cơ Tory cho phép tên lửa có tầm bay tối đa 182.000km và vận tốc cực đại gấp 3 lần vận tốc âm thanh (3700km/giờ). Đầu đạn tên lửa có thể mang 16 bom hạt nhân cỡ nhỏ, khiến SLAM còn có vai trò như một máy bay ném bom chiến lược không người lái tầm siêu xa.

Mặc dù có tiềm năng to lớn, tên lửa SLAM còn tồn tại nhiều nhược điểm như công nghệ dẫn đường những năm 1960 chưa đảm bảo độ chính xác. Động cơ phản lực hạt nhân không có lớp che chắn gây nguy hiểm cho đội ngũ kỹ thuật viên và tiềm tàng khả năng gây ô nhiễm phóng xạ trên lãnh thổ Mỹ và đồng minh trước khi bay sang lãnh thổ Liên Xô.

Đồng thời, sự phát triển của ICBM khiến tên lửa SLAM phải chịu chung số phận với các dự án máy bay hạt nhân.

Trong bối cảnh các hệ thống chống tên lửa đạn đạo ngày càng trở nên tinh vi, hiệu quả và có tầm bao phủ rộng, những lợi thế của tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân tỏ ra hữu ích trở lại với vai trò là công cụ răn đe chiến lược có khả năng né tránh các hệ thống trên và tấn công từ những hướng đối phương không thể ngờ tới.

Không những thế, do tất cả các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô (Nga) từ trước tới nay chỉ đề cập tới đầu đạn hạt nhân hoặc phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa hành trình có động cơ hạt nhân nhưng mang đầu đạn thường vẫn là công cụ răn đe hạt nhân hiệu quả mà không chịu sự ràng buộc.

Ngày 1-3-2018, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quân đội nước này đang thử nghiệm tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân, một trong bốn “át chủ bài” của “bộ tứ” răn đe hạt nhân mới của nước Nga.

Tên lửa mới được cho là có tầm bắn không giới hạn và được trang bị các phương thức dẫn đường tiên tiến nhất.

Với khả năng này, tên lửa có thể ở trên không trong thời gian dài, thực hiện né tránh các lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ngày càng sát biên giới Nga.

Tên lửa hành trình này ngay lập tức trở thành tâm điểm của cuộc chiến truyền thông giữa phương Tây và Nga, khi Mỹ cho rằng thử nghiệm tên lửa gặp thất bại do lỗi của lò phản ứng hạt nhân, một tuyên bố bị phía Nga bác bỏ.

Có thể thấy, các cường quốc từ những năm 1950 vẫn luôn có tham vọng đưa năng lượng hạt nhân vào ứng dụng trong hàng không quân sự. Cuộc chạy đua của những “đôi cánh” hạt nhân vẫn âm thầm và chậm rãi tiếp diễn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại